Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi lo vi khuẩn tụ cầu vàng gây ngộ độc hàng loạt

Xuân Lộc| 14/06/2018 07:10

(HNM) - Kết quả xét nghiệm 4 mẫu trà sữa, thạch rau câu làm 19 học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (TP Quảng Ngãi) bị ngộ độc mới đây cho thấy, các mẫu thực phẩm này đều bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng.


Nguồn lây nhiễm tụ cầu vàng


Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), những thực phẩm có khả năng chứa tụ cầu vàng cao: Thịt, gia cầm và trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, đồ hộp, bánh kem… Nguồn lây nhiễm tụ cầu vàng còn có thể do dụng cụ nấu nướng, chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh hay do quá trình lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm kém chất lượng. Ngộ độc thực phẩm do tụ cầu khuẩn vàng ở nước ta thường gặp trong các bữa ăn tập trung đông người như: Đám cỗ, tiệc cưới, bữa ăn cho công nhân…

Bởi lẽ, những bữa ăn phải chuẩn bị cho nhiều thực khách, thức ăn chuẩn bị trong khoảng thời gian dài, qua nhiều công đoạn với nhiều người tham gia. Nếu quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm không đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn, vệ sinh thực phẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra bếp ăn tập thể trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.


Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm) cho biết, vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm từ môi trường hoặc từ người chế biến sẽ sinh sôi rất nhanh trong các thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng thích hợp (hay gặp nhất là các món sốt trứng, thịt nguội) và sinh ra độc tố đường ruột. Khi ăn phải thức ăn có nhiễm độc tố đường ruột, chỉ sau 30 phút đến 1 giờ là xuất hiện các triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy.

Điều đáng nói, vi khuẩn này rất bền với nhiệt độ. Đun, nấu thực phẩm ở nhiệt độ 100 độ C trong 15 phút, vi khuẩn tụ cầu vàng chưa bị phá hủy. Do vậy, dù thức ăn được nấu chín, vi khuẩn tụ cầu vàng bị tiêu diệt, nhưng độc tố của nó vẫn tồn tại. Muốn khử hoàn toàn độc tố tụ cầu vàng phải đun sôi liên tục ít nhất 2 giờ đồng hồ.

Còn theo Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, ở điều kiện bình thường, vi khuẩn tụ cầu vàng không gây bệnh. Tuy nhiên, khi vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể, thông qua các vết thương trên da, đường hô hấp, tiêu hóa…, chúng có thể gây ra các nhiễm trùng rất nghiêm trọng như: Chốc lở, viêm mô tế bào trên da; viêm tủy xương, viêm phổi, thậm chí khi chúng xâm nhập vào máu có thể bị nhiễm khuẩn huyết, gây sốc hay suy đa phủ tạng, dẫn tới tử vong.

Phòng tránh cách nào?


Vào mùa hè, các vụ ngộ độc thực phẩm thường xảy ra, mà nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn. Chính vì vậy, mọi người cần chú ý khi sử dụng các sản phẩm “nhạy cảm” với các loại vi khuẩn đường ruột, nhất là tụ cầu vàng.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng, theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội, đối với các nhà hàng ăn uống, cơ sở sản xuất bánh kẹo, bếp ăn tập thể cơ quan chức năng không chỉ kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, mà phải tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh dây chuyền sản xuất, khu vực chế biến, dụng cụ dùng để chế biến thực phẩm, nhất là kiểm tra tình trạng sức khỏe của nhân viên tham gia quá trình sản xuất.

Nếu phát hiện người tham gia dây chuyền chế biến mắc bệnh ngoài da, hoặc bệnh truyền nhiễm phải cho nghỉ việc để điều trị khỏi bệnh. Đối với hộ gia đình, bếp ăn khi cần chế biến các loại thực phẩm ăn ngay phải lựa chọn nguồn nguyên liệu bảo đảm vệ sinh, lưu ý khâu bảo quản thực phẩm và chế biến kỹ lưỡng.

Đồng thời, bảo quản các loại bánh kem, sữa, nước sốt ở nhiệt độ dưới 6 độ C và tránh giữ những thực phẩm này quá 12 giờ. Đối với các trang trại chăn nuôi gia súc (bò, trâu, dê) để lấy sữa, ngành thú y phải kiểm tra nghiêm ngặt tình trạng sức khỏe của các loại gia súc, tránh lấy sữa ở các gia súc bị viêm vú do tụ cầu vàng.

Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, để phòng chống ngộ độc thực phẩm, mỗi người nên tuân thủ thực hiện việc ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường và nguồn nước sạch sẽ. Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như rửa tay trước và sau khi ăn.

Đặc biệt lưu ý lựa chọn những thực phẩm an toàn, bảo đảm vệ sinh và tránh bảo quản thực phẩm quá 12 giờ. Trong quá trình lựa chọn thực phẩm, người tiêu dùng nên để ý tới thông tin của thực phẩm như: Ngày sản xuất, hạn sử dụng, quan sát vỏ bao gói thực phẩm thật kỹ xem thực phẩm có vấn đề bất thường không… Các thực phẩm tươi sống (thịt, hải sản) chỉ nên bảo quản lạnh trong vòng 2 đến 3 ngày, tránh bảo quản quá lâu, bởi các vi khuẩn có đủ điều kiền để phát triển và gây bệnh.

Hơn nữa, không chỉ trước khi nấu nướng, mà ngay sau khi chế biến thực phẩm cần vệ sinh dụng cụ thật sạch sẽ. Khi nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo vi khuẩn tụ cầu vàng gây ngộ độc hàng loạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.