Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi lo tỷ giá

Người Quản lý| 23/07/2011 07:05

(HNM) - Mặc dù chịu tác động không nhỏ của các chính sách tiền tệ, nhưng tỷ giá giữa VND và USD thời gian gần đây tiếp tục ổn định. Tại thời điểm này, thị trường kỳ vọng nguồn cung USD sẽ dồi dào khi các tập đoàn và tổng công ty nhà nước buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng (từ đầu tháng 7) theo quy định.


Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp vay USD (do lãi suất thấp hơn nhiều so với vay VND) rồi bán lấy VND để kinh doanh đã làm tăng nguồn cung ngoại tệ. Đồng thời việc làm này sẽ tạo áp lực lên tỷ giá trong tương lai gần khi các khoản nợ trên đáo hạn, doanh nghiệp phải mua lại USD để giải chấp. Tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ hơn 2,4% so với tháng trước đó, trong khi tín dụng VND lại giảm 0,43% và tăng trưởng tín dụng USD so với cuối năm 2010 là 23,5% trong khi VND chỉ tăng 2,43%. Thêm nữa, người dân đang có xu hướng bán USD chuyển sang gửi tiết kiệm VND khi chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tới 12-15%. Do đó, trong tháng 6, gửi tiết kiệm bằng USD giảm 3,62% trong khi gửi VND tăng 2,23%.

Việc Chính phủ kiên quyết ưu tiên đặt mục tiêu giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 20% trong năm nay cũng góp phần đáng kể để ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính vẫn lo ngại về tương lai của VND trong vài tháng tới. Bởi lẽ thâm hụt thương mại lâu năm là một trong những mối quan ngại của kinh tế nước ta (mức thâm hụt những tháng đầu năm cao hơn 19% so với cùng kỳ năm trước). Mặc dù VND đã ổn định trong những tháng gần đây khi niềm tin của người dân được cải thiện nhờ vào các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nhưng tỷ giá cuối năm nay có thể sẽ vào khoảng 21.500 VND/USD so với mức 20.680 VND/USD đang được niêm yết tại ngân hàng trong những ngày gần đây.

Trong vòng hai tháng tới, việc phải nhập khẩu lượng lớn dầu so với các tháng trước khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cần bảo trì cho đến giữa tháng 9, cộng với các mặt hàng khác phục vụ cho sản xuất sẽ làm tăng kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, rủi ro giảm giá của VND thời gian tới có thể sẽ xảy ra khi thâm hụt thương mại vẫn cao, vốn đầu tư nước ngoài vào chậm và khi các khoản nợ bằng ngoại tệ đáo hạn. Đặc biệt, thời gian tới, nếu ngành chức năng nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất VND, thì tỷ giá cũng sẽ khó ổn định như hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo tỷ giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.