Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi lo thực phẩm gắn mác “sạch”

Mộc An| 18/04/2021 05:11

(HNNN) - Tiêu dùng thực phẩm sạch hiện là xu hướng được nhiều gia đình lựa chọn trước thực trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan. Tuy nhiên, mới đây, vụ việc khách hàng mua phải cá kho có giòi tại hệ thống cung cấp thực phẩm sạch CleverFood thêm một lần gióng chuông cảnh báo với người tiêu dùng về thực phẩm gắn mác “sạch”.

Vi khuẩn chết người sinh ra từ việc bảo quản thực phẩm không đúng cách.

“Trăm hoa đua nở”

Đáp ứng “cơn khát” thực phẩm sạch của người tiêu dùng, nhiều loại rau củ, thịt cá, trái cây, gạo, trứng... đang được nhiều nhà sản xuất dán nhãn “sạch”, “an toàn” và quảng cáo rầm rộ. Tại Hà Nội, dọc các con đường, gần các khu chung cư, cửa hàng gắn mác thực phẩm sạch nhan nhản khắp nơi. Với thị trường online, thực phẩm sạch được quảng cáo rầm rộ với những dòng quảng cáo thu hút khách. Do được gắn mác “sạch” nên các sản phẩm này có giá bán cao hơn 30 - 40%, thậm chí gấp đôi, gấp ba so với các sản phẩm cùng loại. Phía bán hàng lý giải rằng giá cao là do mức đầu tư, chi phí sản xuất, nuôi trồng đều cao hơn so với hàng hóa bình thường. Chẳng hạn, với sản phẩm rau bắp cải, ngoài thị trường bán khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg thì trong các cửa hàng thực phẩm sạch giá dao động ở mức 20.00 - 25.000 đồng/kg; cải bó xôi ngoài thị trường bán 15.000 - 17.000 đồng/kg, cửa hàng rau sạch bán 25.000 - 30.000 đồng/kg; xà lách, rau mùi giá tại cửa hàng rau sạch cao gấp đôi so với giá bên ngoài. Giá thịt, thủy hải sản tươi sống tại các cửa hàng thực phẩm sạch cũng cao hơn so với cửa hàng bình thường. Chẳng hạn, ngoài chợ cá trắm trắng cắt khúc có giá 70.000 - 75.000 đồng/kg thì tại cửa hàng thực phẩm sạch, giá bán lên tới 150.000 - 160.000 đồng/kg; sườn non ngoài thị trường bán với giá khoảng 130.000 - 140.000 đồng/kg thì ở cửa hàng thực phẩm sạch giá sẽ là 200.000 - 220.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Phương Linh (phường Dương Nội, quận Hà Đông) cho biết, 2 năm trở lại đây gia đình chị chỉ mua rau, thịt ở cửa hàng thực phẩm sạch tại tầng 1 khu chung cư mà chị đang ở. “Dù giá thực phẩm ở đây cao hơn hẳn so với ngoài chợ hay siêu thị song vì tin tưởng vào mác thực phẩm sạch nên tôi vẫn chấp nhận mua để được an tâm” - chị Linh cho hay.

Thực phẩm sạch, an toàn phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGap và tiêu chuẩn hữu cơ.

Nếu mức chênh lệch về giá chỉ nằm trong một khoảng nhất định và tương xứng với chất lượng sản phẩm thì người tiêu dùng đã không lo lắng như hiện tại. Mới đây, thông tin về vụ cá kho có giòi được phát hiện tại cửa hàng thực phẩm sạch CleverFood, chi nhánh Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã khiến nhiều người giật mình. Hay trước đó, việc Công ty TNHH sản xuất và chế biến rau an toàn Ba Chữ lấy rau không rõ nguồn gốc tại chợ đầu mối nông sản Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cung cấp cho một loạt hệ thống siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Thủ đô dưới mác “rau sạch” đã khiến dư luận bàng hoàng.

Một sai phạm khác mà nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch mắc phải, đó là bán hàng quá hạn sử dụng. Thông tin từ Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết, trong quá trình kiểm tra đột xuất về vệ sinh an toàn thực phẩm tại 2 cửa hàng thuộc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã phát hiện gần 50kg thịt quá hạn sử dụng nhưng vẫn được để trong tủ đông lạnh.

Thế nào là thực phẩm sạch?

Việc phát hiện thực phẩm bẩn ngay trong chính cửa hàng “thực phẩm sạch” có chi nhánh khắp mọi miền Tổ quốc như vụ việc cá kho có giòi của CleverFood quả thật rất đáng sợ. Ông Hà Minh Đức, Giám đốc hệ thống Thực phẩm sạch CleverFood thừa nhận, vì mong muốn mở rộng hệ thống, chạy theo doanh thu, CleverFood đã buông lỏng các khâu bảo quản và đào tạo nhân sự dẫn đến các lỗi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm gần đây, đặc biệt là vụ việc cá kho có giòi mà khách hàng đã mua. Vụ việc nêu trên là bài học để nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch chấn chỉnh lại quy trình kinh doanh, kiểm soát tốt đầu vào, không vì mục tiêu mở rộng quy mô mà xem nhẹ chất lượng sản phẩm.

Bệnh nhân ngộ độc Botulinum đang điều trị tại cơ sở y tế.

Sau vụ việc nói trên, rất nhiều ý kiến lo ngại rằng, liệu thực phẩm được quảng cáo là sạch, được bày bán ở các cơ sở lớn có thực sự sạch và an toàn hay không? Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, thực phẩm sạch là thực phẩm không chứa chất độc hại hoặc chất bẩn, không gây ảnh hưởng trực tiếp và kéo theo những hậu quả khôn lường cho sức khỏe của người dùng. Những chất gây hại này đã được công bố, kiểm nghiệm kỹ càng từ phía các cơ quan chức năng. Còn đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thì cho biết, thực phẩm sạch, an toàn phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGap cũng như tiêu chuẩn hữu cơ. Theo đó, để đạt tiêu chuẩn VietGAP, thực phẩm sạch cần đảm bảo về kỹ thuật sản xuất khoa học, đúng chuẩn; thực phẩm không chứa các chất hóa học, chất độc hại; nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, việc tìm kiếm nguồn gốc này phải thuận lợi... Với GlobalGap thì thực phẩm cần đáp ứng một số tiêu chí như môi trường nuôi trồng sạch sẽ; không sử dụng hóa chất độc hại; bao bì sản phẩm rõ ràng; điều kiện làm việc của người lao động tốt; quá trình kiểm tra, giám sát sản xuất được thực hiện đúng quy trình, quy củ, nghiêm túc. Tiêu chuẩn hữu cơ yêu cầu thực phẩm thỏa mãn 4 tiêu chí sau: Không hóa chất, không chất kích thích, không sử dụng các chất biến đổi gen, không dùng phân bón hóa học.

Tuy nhiên trên thực tế, rất ít đơn vị sản xuất hay cung cấp thực phẩm sạch đáp ứng được những tiêu chí trên. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia cao cấp của Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học cho biết, thực phẩm sạch tại nhiều nơi, kể cả các cửa hàng thực phẩm sạch hay siêu thị đều không thể khẳng định an toàn, điều này chỉ có thể trông chờ vào lương tâm người trồng trọt, chăn nuôi và quy trình kiểm soát của các cơ quan chức năng. Ông cũng khẳng định, câu chuyện thực phẩm sạch ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều điều chưa được làm rõ, rất nhiều nơi vẫn còn tình trạng “ngoài sạch trong bẩn”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo thực phẩm gắn mác “sạch”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.