(HNNN) - Gần Tết Nguyên đán, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, nhiều người tung ra thị trường thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc để trục lợi.
Thực phẩm “bẩn” bủa vây
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục thu giữ những lô hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Mặc dù biết là có hại cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng các đối tượng vẫn cố ý buôn lậu mặt hàng này vì lợi nhuận cao. Nguy hiểm hơn, trong số hàng hóa đó có cả mặt hàng bánh kẹo dành cho trẻ nhỏ.
Thông tin từ lực lượng chức năng cho biết, mới đây, Đội Cảnh sát Kinh tế quận Hai Bà Trưng phối hợp với Đội 5 Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện hơn 6 tấn nầm lợn bốc mùi hôi thối cùng một số loại thực phẩm “bẩn” khác đang được vận chuyển tới nơi tiêu thụ. Số hàng này có nguồn gốc từ nước ngoài.
Còn theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cơ quan này đã kiểm tra đột xuất một địa điểm tập kết hàng hóa tại xã Thọ An, huyện Đan Phượng, thu giữ khoảng 10 tấn bánh kẹo, thực phẩm dinh dưỡng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đáng chú ý, trong số này có kẹo con mắt, kẹo đồ chơi, bỏng ngô là những loại đang được trẻ em ưa thích. Chủ hàng là Lê Hồng Sơn (sinh năm 1987, thường trú tại xã Thọ An) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và hóa đơn chứng từ của lô hàng trên. Làm việc với lực lượng chức năng, Lê Hồng Sơn khai nhận đã thu mua số hàng hóa trên từ các tỉnh biên giới phía Bắc của những người không quen biết, sau đó tập kết tại Hà Nội để phân phối ra thị trường.
Đại tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố Hà Nội cho hay, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, lượng thực phẩm được người tiêu dùng mua và sử dụng tăng cao. Đây cũng là thời điểm trên thị trường xuất hiện các loại thực phẩm của những cơ sở sản xuất kinh doanh theo thời vụ, không chấp hành đầy đủ các quy định về điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; họ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng hoặc quá hạn sử dụng...
Gần đây, một vụ việc khác được phát hiện tại làng Kim 1 (xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội) với hơn 3 tấn thịt, sườn bò, trâu, chân gà, đùi gà đông lạnh. Trong số này chỉ có 370kg có hóa đơn, còn lại hơn 2,8 tấn không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, trong số hàng này còn có hơn 100kg các loại thịt đã hỏng, được cất trữ trong tủ đông lạnh để bán lẻ. Toàn bộ số hàng hóa này được nhập từ nước ngoài, qua 2 công ty nhập khẩu rồi mới đến tay chủ cơ sở.
“Ra quân” vào thời điểm cuối năm, cơ quan chức năng cũng phát hiện một xe tải (trên địa bàn quận Hai Bà Trưng) có nhiều biểu hiện nghi vấn. Tổ chức khám xét, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 10 tấn nội tạng động vật bao gồm tràng trứng, nầm lợn, kê gà, cánh gà, lườn ngỗng hun khói, râu bạch tuộc... được đựng trong các thùng xốp và bao tải dứa màu xanh. Phần lớn hàng hóa đều có nhãn mác, bao bì nước ngoài. Trong số đó, mặt hàng nầm lợn đã bốc mùi hôi thối. Lái xe không xuất trình được đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ các loại hàng hóa thực phẩm được vận chuyển trên xe. Phần lớn hàng hóa được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau trên biên giới các tỉnh phía Bắc, sau đó thuê phương tiện để vận chuyển vào nội địa.
Nói về các thủ đoạn buôn lậu, đại diện Công an thành phố Hà Nội cho biết, các đối tượng đã vận chuyển lương thực thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng... từ nước ngoài qua các tỉnh biên giới phía Bắc về các tỉnh lân cận Hà Nội, sau đó dùng xe ô tô loại nhỏ, xe khách, xe du lịch, xe ba bánh (thậm chí cả xe máy) vận chuyển vào nội thành để tiêu thụ. Có trường hợp các đối tượng làm giả giấy tờ kiểm định của cơ quan thú y nhằm đối phó với các lực lượng chức năng.
Không nhân nhượng với sai phạm
Có thể nói, thực phẩm bẩn rất dễ xâm nhập bếp ăn tập thể, quán xá bình dân. Trong bối cảnh hàng quán bị đóng cửa do dịch bệnh, các website bán hàng online là một kênh tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, bởi ở đó, người bán và người mua chủ yếu dựa vào niềm tin. Nếu người dùng không cẩn trọng thì sẽ phải gánh hậu quả.
Chỉ cần lướt trên các trang mạng xã hội, dễ thấy từ thực phẩm tươi sống đến đồ ăn được nấu chín được rao bán tràn lan. Theo ngành chức năng, đa số các trang cá nhân bán thực phẩm online hiện nay đều theo hình thức tự phát, không có giấy phép kinh doanh cũng như không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Việc quản lý, xử lý hình thức bán hàng này vẫn đang là bài toán khó với các ngành chức năng.
Hiện đang là thời điểm cận Tết, nên các mặt hàng bánh mứt kẹo cũng được nhiều người chọn mua. Cùng với các sản phẩm mứt Tết được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường, nhiều người tiêu dùng chọn mua sản phẩm bánh mứt kẹo được sản xuất thủ công vì giá thành rẻ và có hương vị đặc trưng riêng. Tuy nhiên, chất lượng các sản phẩm này vẫn là điều đáng bàn.
Tại các khu chợ dân sinh, vấn đề an toàn thực phẩm là nỗi lo của nhiều bà nội trợ. Vì tính tiện lợi nên các loại thức ăn chế biến sẵn được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, đa số thức ăn này khi bày bán không được che đậy, bảo quản cẩn thận, lại thường được bày bán ở các khu vực đông xe cộ qua lại nên dễ bám bụi bẩn, có nguy cơ nhiễm nấm, vi khuẩn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.
Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đã được tăng cường. Nhờ đó, nhiều cơ sở đã có chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn khiến người tiêu dùng lo lắng, nhất là vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao, đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, siết chặt công tác quản lý hơn nữa để ngăn chặn thực phẩm “bẩn” một cách triệt để.
Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân vào trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, các tỉnh cần thành lập các đoàn kiểm tra ở cả 3 cấp để triển khai công tác thanh, kiểm tra các nhóm sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội. Cần đẩy mạnh công tác kiểm tra tại các làng nghề, các cơ sở sản xuất, điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng cần kết hợp tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân và chủ cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không an toàn. Không quảng cáo sai về bản chất, tác dụng của sản phẩm thực phẩm.
Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm ở các cửa hàng uy tín, ưu tiên các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và chỉ nên sử dụng các sản phẩm được chứng nhận an toàn, đã được kiểm định; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc.
Để công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đạt được hiệu quả, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thì cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm nhằm hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm. Cùng với đó, cần cung cấp thông tin về các cơ sở đạt và không đạt về an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm không an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.