(HNM) - Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố có 16 chung cư cũ với tổng số gần 1.500 căn hộ bị hư hỏng nặng, nguy hiểm, đã được kiểm định ở cấp D, cần cải tạo lại.
Muôn vàn hiểm họa
Chúng tôi tìm tới chung cư 12-14 Nguyễn Thị Nghĩa khi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang trong đợt cao điểm nắng nóng và cảnh báo cháy khắp nơi. Cái nóng hầm hập trong bãi để xe chật hẹp của chung cư khiến không khí trở nên ngột ngạt. Chung cư có hàng trăm cư dân sinh sống nhưng chỉ có một cầu thang bộ rộng 1,45m, là lối đi kiêm đường thoát hiểm duy nhất của công trình.
Bà Nguyễn Thị Hương Mai chỉ vị trí thấm nước trong ngôi nhà của mình |
Vừa bước chân lên tầng 1 chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Hương Mai (51 tuổi) đang thu dọn đồ đạc để chuẩn bị chuyển đến nơi khác sống. Bà Mai cho biết, dù căn hộ của bà ở tầng 1 nhưng vẫn muốn chuyển đi vì lo sợ nguy cơ cháy nổ. “Chung cư 9 tầng được xây dựng trước năm 1975 với 72 căn hộ đã xuống cấp trầm trọng, không có lối thoát hiểm, xung quanh bị các công trình xây dựng bịt kín. Lối đi duy nhất là cầu thang bộ nối thẳng xuống bãi giữ xe ở tầng trệt, nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn ở đây thì chúng tôi hết đường chạy", bà Mai chia sẻ.
Theo người dân sinh sống ở đây, theo thiết kế ban đầu, tầng trệt chung cư này chỉ để được 70 xe máy, nhưng lượng xe lưu giữ hiện phải trên 120 chiếc, bịt kín cả lối đi. Phía trước bãi xe là quán cà phê, luôn có đông người ngồi uống nước, hút thuốc lá nên nguy cơ cháy nổ rất cao...
Sinh sống ở đây đã gần 30 năm nên không ít lần bà Mai cùng nhiều cư dân lo sợ khi nhìn thấy cảnh chung cư bị cháy. Bà Mai nhớ lại: "Vụ cháy lớn nhất cách đây vài năm, đó là căn hộ nằm trên tầng 6 của một đôi vợ chồng trẻ. Họ thắp hương vào đêm Giao thừa Tết Nguyên đán rồi đóng cửa ra phố ngắm pháo hoa. Tàn hương rơi xuống ghế sô pha gây cháy ngùn ngụt. May mắn là cư dân phát hiện và huy động mọi dụng cụ nên đã kịp thời dập tắt đám cháy".
Những năm gần đây, khi hỏa hoạn xảy ra nhiều, bà Mai phải tập hợp toàn bộ giấy tờ quan trọng vào một cặp xách để sẵn sàng... bỏ chạy khi xảy ra sự cố. Và khi vụ cháy chung cư Carina Plaza làm 13 người tử nạn, bà Mai quyết định rời bỏ căn hộ đến sống nhờ gia đình người thân.
Căn hộ tại tầng 8 là nơi ở của bà Trần Thị Duyên (53 tuổi), thành viên Ban Quản trị chung cư 12-14 Nguyễn Thị Nghĩa. Bên trong căn hộ 32m2 của bà Duyên đã bị hư hỏng nặng, cứ mưa là cả gia đình phải hứng nước từ trên tầng thượng rỉ xuống. "Không chỉ lo cháy nổ, mà còn lo cả "thủy thần" nữa...", bà Duyên nói.
"Thủy thần" ở chung cư này chính là bể nước khổng lồ đặt ở tầng 9. Bể nước này cũng cũ kỹ như chung cư, đã bị thẩm thấu và có nguy cơ vỡ, bục bất kỳ lúc nào. Điều nguy hiểm là tường nhà các hộ dân đều bị thấm, ẩm dẫn đến những mối nguy khác là hệ thống điện ngầm dễ chập cháy. Và thực tế thời gian gần đây, chung cư hay xảy ra các vụ chập điện, nhất là vào mùa mưa. Người dân ở đây cho biết, chung cư có tuổi thọ trên 60 năm, nhưng đến nay mới thay thế hệ thống đường dây điện 1 lần nhưng đã cách đây 20 năm.
Muốn thoát khỏi... "đất vàng"
Chung cư 12-14 Nguyễn Thị Nghĩa đã được cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh kiểm định và đánh giá là loại C - có kết cấu nguy hiểm, không đạt an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Hiện hơn 300 người dân ở chung cư, dù sống giữa "đất vàng" nhưng luôn mong ngóng được chuyển đi vì cùng một nỗi lo căn nhà bị nghiêng, có thể đổ sập hay cháy nổ bất cứ lúc nào.
. Lối thoát hiểm duy nhất nối thẳng xuống bãi xe chung cư 12-14 Nguyễn Thị Nghĩa. |
Tuy nhiên, người dân sống ở chung cư đang rơi vào tình cảnh đi không được, ở không xong. Đặc biệt, với những gia đình sống ở tầng cao, không thể bán, cũng không có ai thuê nên đành tiếp tục bám trụ. Bà Lê Thị Phương (50 tuổi) ở tầng 6 của chung cư là một trong những hộ dân bám trụ lâu nhất tại đây.
Sống trong căn hộ đã 50 năm, bà Phương buồn rầu chia sẻ: “Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza, nhiều đêm tôi mất ngủ, cứ lo sợ nếu nơi mình ở bị cháy vào ban đêm thì có sống sót nổi không? Chung cư không có đèn, không có còi báo cháy tự động. Mỗi lần có sự cố cư dân phải báo cháy bằng... miệng. Thú thực, tôi không dám mở tiếng tivi to để còn nghe ngóng, nếu có cháy thì biết để chạy!".
Bà Trần Thị Duyên kể, ngày trước, Ban quản trị chung cư có mời lần lượt 6 đơn vị đến lắp đặt thang máy, nhưng tất cả đến rồi đi, họ từ chối vì căn nhà xuống cấp, không chịu được lực hoạt động của thang máy. Có lần, chung cư bị cắt điện, người dân xuống khởi động máy phát điện dự phòng, khi máy chạy tạo độ rung thì một lúc sau một mảng bê tông kích thước lớn ở tầng 1 rơi xuống, rất may không ai bị thương. Để bảo đảm an toàn, nhiều lần Ban quản trị chung cư đã mời các công ty tới làm cầu thang sắt bên ngoài tòa nhà để thoát hiểm cho cư dân, nhưng sau khi khảo sát, đơn vị nào cũng từ chối vì tòa nhà không còn bảo đảm để thực hiện khoan, lắp đặt thang thoát hiểm.
Mới đây, sau khi kiểm tra tại chung cư 12-14 Nguyễn Thị Nghĩa, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 đã thốt lên: “Lối thang bộ thiết kế như vậy thì khi cháy là hết chạy!". UBND quận 1 ngay sau đó đã có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Sở Xây dựng phối hợp cùng quận có phương án thiết kế hệ thống thoát hiểm cho chung cư 12-14 Nguyễn Thị Nghĩa, trước khi chờ phương án kiểm định di dời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.