(HNNN) - Trong mùa cao điểm du lịch, vấn đề an toàn thực phẩm lại “nóng” lên sau vụ việc hàng chục du khách bị ngộ độc thực phẩm tập thể ở Đà Nẵng. Tình trạng quá tải xảy ra tại nhiều điểm du lịch khiến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm gặp khó khăn.
Hấp dẫn ẩm thực đường phố
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, mỗi du khách thường chi trung bình 1/3 tổng chi phí của chuyến đi cho các hoạt động liên quan đến ẩm thực. Điều này chứng tỏ đối với du khách, ẩm thực không là việc ăn uống đơn thuần mà còn là sự khám phá, trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng của mỗi điểm đến.
Trong quá trình đi du lịch, du khách vừa có nhu cầu khám phá cảnh quan, lại vừa có nhu cầu nghỉ ngơi và thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương. Ẩm thực đường phố là nét văn hóa đặc sắc của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là một điểm nhấn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nhiều năm liền, ẩm thực đường phố Việt Nam luôn được các tờ báo, chuyên trang du lịch ẩm thực uy tín quốc tế đánh giá cao. Những món được người nước ngoài chú ý nhất là phở, nem, bánh xèo, bún bò, bún chả, gỏi cuốn... Đây là những món ăn rất đỗi bình thường với người Việt nhưng nằm trong danh sách những món ăn đường phố ngon nhất dành cho những thực khách đam mê “xê dịch” và đã được CNN Travel, CNN, National Geographic... quảng bá khắp thế giới.
Bên cạnh những món ăn truyền thống, còn có những món ăn là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa với các dân tộc sinh sống lâu đời ở Việt Nam như dân tộc Hoa, Chăm, Khmer hay các quốc gia phương Tây, gần đây ẩm thực đường phố còn được bổ sung các món ăn vặt của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ... Các món ăn này được người Việt tiếp nhận và biến đổi ít nhiều theo khẩu vị và phong cách chế biến của người Việt. Do vậy, ẩm thực đường phố Việt tại các điểm du lịch mang tính đa dạng, phong phú.
Đến danh lam thắng cảnh tại Việt Nam, du khách dễ dàng bắt gặp những món ăn đặc sản địa phương tại bất kỳ những cửa hàng di động trong các “ngõ nhỏ, phố nhỏ” mà không cần phải mất nhiều thời gian tìm kiếm hay phải bước vào những nhà hàng sang trọng. Những gánh hàng rong, những hàng quán nhỏ tấp nập thực khách, những xe đẩy bán đủ các loại nước giải khát, đồ ăn vặt chính là hình ảnh quen thuộc tạo nên sự độc đáo của ẩm thực đường phố Việt Nam.
Nỗi lo hiện hữu
Du khách thích thú khi thưởng thức món ăn trong không khí nhộn nhịp, vui vẻ trên hè phố. Tuy nhiên, chính do việc chế biến và bày bán tại các nhà hàng nhỏ lẻ, quán ăn vỉa hè, các gánh hàng rong mà vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trở nên đáng lo ngại.
Ở các khu du lịch, để phục vụ lượng khách tăng mạnh, nhiều nhà hàng, quán ăn không đảm bảo tuân thủ quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, việc phải bảo quản quá nhiều đồ ăn trong điều kiện cơ sở vật chất hạn chế cũng khiến thực phẩm bị giảm chất lượng.
Các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng vừa qua đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm bao gồm bày bán, chứa đựng thực phẩm trong thiết bị không bảo đảm vệ sinh; không bảo quản riêng thực phẩm sống và chín theo quy định…
Đây cũng là thực tế tại nhiều khu du lịch trên cả nước, bởi rất khó có thể quản lý sát sao những quán ăn nhỏ, gánh hàng rong trên đường phố. Người bán hàng chế biến thức ăn còn thiếu kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm nên rất dễ gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Chưa kể, sự “quá tải” về lượng du khách trong mùa cao điểm dễ dẫn đến tình trạng nấu nướng sơ sài, công tác vệ sinh không đảm bảo, nguồn nguyên liệu sạch không đủ đáp ứng nhu cầu, nhiều người dùng tay không để bốc thức ăn...
Trong điều kiện mùa hè, nhiệt độ ngoài trời cao là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh. Cùng với đó, sự phát triển của côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng, gián, muỗi... khiến thực phẩm dễ ôi thiu; sự cẩu thả cộng với nguồn nguyên liệu không đảm bảo chất lượng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Chuẩn bị đón du khách trong nước và quốc tế trong mùa cao điểm, chính quyền các địa phương có thế mạnh về du lịch đã xây dựng phương án đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ từ rất sớm.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm, ngành Y tế đã kiểm tra trên 290.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 30.000 cơ sở có vi phạm, xử lý 6.181 cơ sở với tổng số tiền phạt là 52 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp xử lý vi phạm đối với 1.184/26.672 cơ sở được thanh tra, kiểm tra với số tiền 13,25 tỷ đồng. Ngành Công Thương xử lý 1.472/2.493 trường hợp được kiểm tra với số tiền 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là 10,5 tỷ đồng...
Về kiểm nghiệm, giám sát và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm, các phòng xét nghiệm của ngành Y tế đã thực hiện kiểm nghiệm 15.200 mẫu thực phẩm, trong đó có 452 mẫu không đạt. Ngành Nông nghiệp lấy 16.826 mẫu nông lâm thủy sản, phát hiện 444 mẫu vi phạm. Tính đến ngày 18-7, theo báo cáo của 30 tỉnh/thành phố, trong số 36.088 mẫu thực phẩm được giám sát có 1.570 mẫu không đạt.
Tuy nhiên, hiệu quả công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm không chỉ phụ thuộc vào trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra do thói quen ăn uống khá dễ dãi của thực khách.
GS.TS Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Đại học Y Hà Nội), Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện K) cho biết, thói quen ăn lẫn nhiều loại thực phẩm cùng lúc cũng gây hậu quả xấu cho đường tiêu hóa.
“Một số món hải sản dù là thức ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng cũng chính là nguồn gốc gây bệnh. Chúng ta nên ăn thực phẩm đã được nấu chín. Nếu hải sản đã ươn thì nên bỏ, bởi dù có được nấu chín thì một số loại vi rút vẫn tồn tại. Khi đi du lịch, thuốc hạ sốt, dung dịch bù nước, men tiêu hóa... là những thứ luôn phải có trong va ly. Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân nên uống dung dịch điện giải để bù nước, sau đó tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám và điều trị” - GS.TS Lê Thị Hương cho hay.
Du khách cần trang bị cho mình kiến thức về thực phẩm an toàn để chuyến du lịch được trọn vẹn. Trước tiên, có thể tham khảo người dân địa phương về những món đặc sản, địa chỉ quán ăn ngon. Cần quan sát kỹ để chọn quán ăn. Tốt nhất là chọn quán ăn vừa đông khách vừa có cung cách phục vụ kỹ càng cũng như bàn ghế, bát đũa được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ... Trước khi ăn, nên dùng giấy khô hoặc giấy ướt tự chuẩn bị để lau bát đũa, thìa dĩa, cốc chén... Các món tái/ gỏi rất hấp dẫn, tuy nhiên, khi đi du lịch thì nên hạn chế “mạo hiểm” với các món ăn loại này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.