(HNM) - Thông tin về việc liên bộ khoa học - công nghệ, công thương, giao thông - vận tải và công an đã xây dựng xong dự thảo Thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm (MHB) cho người đi mô tô, xe gắn máy rộ lên một thời gian rồi yên ắng, khiến dư luận như bị hẫng.
Cần phải xử phạt thật nghiêm với những chủ hàng bán mũ bảo hiểm kém chất lượng. Ảnh: Khánh Huyền
Đi dọc nhiều con phố lớn của Hà Nội như đường Nguyễn Trãi, Láng, Lê Văn Lương, Bưởi, Trần Duy Hưng… người ta dễ dàng thấy cảnh tư nhân bày bán hàng trăm chiếc MBH trên hè. Không cần xem kỹ cũng dễ nhận thấy, hầu hết chúng đều thuộc loại "MBH thời trang", đặc biệt là nhẹ, mỏng, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng khi xảy ra va chạm. Nhiều cửa hàng bán mũ bảo hiểm trong phố hay ở các chợ cũng bày bán nhiều MBH loại này. MBH là mặt hàng do doanh nghiệp nội sản xuất là chính, song điều đáng buồn là vì phải cạnh tranh với MBH "rởm", kém chất lượng, nên nhiều doanh nghiệp sản xuất MBH chất lượng đã ngừng sản xuất hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Sản xuất sút kém, doanh nghiệp không tạo ra được nhiều của cải xã hội và đóng góp cho ngân sách nhà nước đã đành, song đáng báo động hơn là thực tế này đã làm nảy sinh một lớp người tiêu dùng coi thường pháp luật, tự do mua bán, sử dụng hàng giả (các loại MBH hào nhoáng, giá rẻ, nhưng không bảo đảm chất lượng), nhằm đối phó với cơ quan chức năng là chính, chứ không phải để bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình và tham gia vào việc xây dựng một thị trường trong sạch, lành mạnh.
Thông tư liên tịch quy định rõ, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy khi tham gia giao thông trên đường bộ có trách nhiệm sử dụng đúng MBH đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy tem CR theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Những quy định đó không có gì là khắt khe, khó khăn cho người sử dụng, nếu không nói là những yêu cầu cần thiết để phát huy được tác dụng của MBH. MBH không đạt quy chuẩn đang bày bán tràn lan trên thị trường tuy cũng có đủ thành phần vỏ nhựa cứng, lớp xốp chống va đập và quai đeo theo mẫu mã... song sản xuất từ nguyên liệu kém và thiếu hụt. Thế nhưng vì giá rẻ (chỉ bằng 1/4, thậm chí 1/5 giá một chiếc MBH đúng quy chuẩn) nên MBH "rởm" vẫn có đất sống. Mặc dù mỗi năm, cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ và tiêu hủy hàng nghìn MBH kém chất lượng, song những loại mũ này vẫn bày bán tràn lan. Việc quản lý và kiểm soát thường gặp nhiều khó khăn, bởi việc kinh doanh MBH không cần điều kiện, nên bán ở chỗ nào cũng được. Chưa kể các lực lượng chức năng cũng khó kiểm tra, xử phạt vi phạm trong lưu thông, kinh doanh mặt hàng này, vì chưa có chế tài cụ thể. Bên cạnh đó, hiện chỉ có các con số thống kê về số người bị tai nạn giao thông khi đội hay không đội MBH, chứ chưa phân biệt có bao nhiêu trường hợp đội MBH bảo đảm hay không bảo đảm chất lượng, nên sức thuyết phục của công tác tuyên truyền cũng bị hạn chế nhiều.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, số lượng MBH kém chất lượng hiện chiếm 70-80% thị trường Việt Nam. Mặc dù ở Mục 4, Khoản 1, Điều 28, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có ghi: Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng có nhiệm vụ "độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng". Ngoài ra, ở Khoản 5, Điều 48 và Khoản 4, Điều 49 đề cập đến trách nhiệm của Bộ Công thương và UBND các cấp có ghi: các nơi này có trách nhiệm "thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền". Thế nhưng, những cơ quan này đã thực thi chức trách đến đâu, có bao nhiêu người tiêu dùng biết sử dụng các quyền chính đáng đã được pháp luật quy định để bảo vệ mình, lại đang là những vấn đề còn bỏ ngỏ. Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền về thực hiện an toàn giao thông, song các băng rôn, khẩu hiệu chỉ nặng về khuyến cáo, nhắc nhở việc cần thiết đội MBH mà không có yêu cầu bắt buộc về MBH đạt chất lượng hay không đạt chất lượng... Hiệu quả là hòa cả làng!
Có "cầu" ắt có "cung", để xóa bỏ nạn MBH kém chất lượng, vấn đề quan trọng nhất là cần có sự thay đổi trong ý thức và thói quen của người tiêu dùng. Cùng với việc nâng cao ý thức bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình, người tiêu dùng cần tỏ rõ thái độ kiên quyết không mua, không sử dụng hàng giả, hàng nhái, không cho hàng giả, hàng nhái có đất tồn tại. Các cơ quan phải tăng cường quản lý thị trường, đưa MBH vào danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện; triệt để loại bỏ việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại mũ có hình dáng giống MBH nhưng không bảo đảm chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.