(HNM) - Nước da đen sạm trong bộ quân phục đã bạc màu vì hằng ngày phải làm việc trong mưa nắng, gió bụi… khi thực hiện nhiệm vụ phân luồng giao thông, nhưng trên khuôn mặt luôn lấp lánh nụ cười...
Chân dung người "tham công tiếc việc"
Như bao ca trực khác, chiều 6-5-2013, khi đang làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông trên cầu Chương Dương, Thượng tá Lê Đức Đoàn và Trung tá Phạm Văn Cương, Đội CSGT số 1 CATP Hà Nội nhận được tin báo có một người phụ nữ đang khóc lóc giữa cầu. Đã có nhiều kinh nghiệm trong việc cứu người có ý định nhảy cầu tự tử, Thượng tá Đoàn, Trung tá Cương cùng ba nhân viên bảo vệ cầu Chương Dương vội chạy tới hiện trường. Thượng tá Đoàn kể lại, khi các anh vừa tới nơi đã thấy người phụ nữ trẻ leo lên lan can cầu. Ngay lập tức anh cùng những người còn lại lao tới, giữ chị này đưa vào phía trong. Lúc này, người phụ nữ vẫn khóc lóc thảm thiết, vùng vằng đòi thả tay và nói muốn được chết. Sau khi được khuyên nhủ, người phụ nữ đã theo các chiến sĩ CSGT về chốt ở đầu cầu phía nam. Tại đây, chị cho biết có hai con trai 9 tuổi và 6 tuổi. Do mâu thuẫn gia đình, chị đã liều mình lên cầu với ý định tự tử. Khi bình tâm trở lại, chị đã đồng ý về trụ sở công an phường sở tại chờ người thân đến đón về.
Thượng tá Lê Đức Đoàn trong giờ trực phân luồng giao thông. |
Ít người biết rằng, để có được những thông tin khi có một người vì chuyện buồn chán trong cuộc sống mà lên cầu với ý định quyên sinh, Thượng tá Lê Đức Đoàn đã có một quá trình dài xây dựng đội ngũ "cộng tác viên". Mỗi năm với gần chục lần ra tay ngăn cái chết trên cầu Chương Dương, người sĩ quan đó đã tạo được uy tín lớn trong cộng đồng. Thế nên, dù nắng, mưa… bất kể đêm hay ngày, hễ thấy bóng quân phục áo vàng bạc màu mưa nắng trên dòng xe đang lưu thông qua cầu, thể nào cũng có một cánh tay vẫy với lời chào Thượng tá Đoàn thân thiện. Vì được yêu mến như vậy, hễ có bất kỳ chuyện gì xảy ra như xe chết máy trên cầu, hay va chạm giao thông gây ùn tắc, dù không phải ca trực Thượng tá Đoàn cũng nhận được thông tin của người dân gửi đến. Những lúc như vậy, dù đang bưng bát cơm, hay vừa về đến nhà chưa kịp thay quân phục, người sĩ quan này lại tất tả với những cuộc điện thoại. Khi gặp "ca khó", Thượng tá Đoàn lập tức lao đi xử lý. Chị Đỗ Xuân Lan, người vợ tần tảo của Thượng tá Lê Đức Đoàn tâm sự: "Làm vợ của người tham công tiếc việc cũng chịu nhiều thiệt thòi, những lúc hiếm hoi gia đình đoàn tụ mà điện thoại vẫn réo liên tục".
Sẵn sàng hy sinh vì bình yên cho dân
Ông Trần Văn Phúc, Tổ trưởng tổ dân phố Yên Tân nhớ lại: "Nhận được tin nhà ông Nguyễn Văn Tý ở 32/670/38 Hà Huy Tập, Yên Tân, Yên Viên nhanh chóng tìm lại được chiếc xe máy vừa bị mất trong vòng chưa đầy 1 giờ, bà con chúng tôi vô cùng cảm kích. Càng cảm động hơn khi biết được người chiến sỹ CSGT dũng cảm bắt cướp tìm lại tài sản cho dân ấy từng nổi tiếng trên báo với biết bao lần thể hiện nghĩa cử cứu người định tự tử trên cầu Chương Dương". Tâm sự của người tổ trưởng dân phố nhắc lại câu chuyện bắt cướp của Thượng tá Lê Đức Đoàn trên cầu Chương Dương. So về sức vóc, tuổi tác, tên cướp Nguyễn Thế Anh (SN 1977) ở Hoàng Văn Thụ, Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai vượt hơn hẳn so với Thượng tá Đoàn, thêm vào đó là bản chất côn đồ, điên cuồng chống trả lực lượng chức năng. Thế Anh lúc đó đang đi chiếc xe máy vừa ăn trộm, tay lăm lăm con dao đứng giữa dòng người đầy thách thức. Khi bị người CSGT già khuất phục, Thế Anh thú nhận đã thực sự run sợ khi thấy Thượng tá Lê Đức Đoàn không chút nao núng, lao thẳng tới quật ngã hắn xuống đường.
Lần bắt cướp tiếp theo của Thượng tá Lê Đức Đoàn cũng hết sức dũng cảm. Lúc đó, khi đang lưu thông trên đường Cao Bá Quát, quận Ba Đình, Thượng tá Đoàn bất ngờ nghe tiếng hô "Cướp!" của một người phụ nữ đang đuổi theo hai tên cướp đi xe máy Nouvo LX phóng bạt mạng phía trước. Thượng tá Lê Đức Đoàn lập tức đuổi theo hai tên cướp manh động. Khi đến phố Trần Phú, chúng bỏ xe chạy thục mạng vào Công viên Lênin về phía đường Điện Biên Phủ. Cũng bỏ lại chiếc xe máy bên lề đường, Thượng tá Đoàn nhanh chóng bám sát tên cướp có khổ người cao lớn, mặc áo trắng lẩn trong dòng người đông đúc đang tập thể dục ở công viên. Đuổi kịp tới đường Điện Biên Phủ, Thượng tá Đoàn lao tới quật ngã tên cướp xuống đường. Nhiều người dân đã cùng hỗ trợ đưa đối tượng về Công an phường Điện Biên.
Dịp Tết Quý Tỵ vừa rồi, Thượng tá Lê Đức Đoàn nhận được một món quà đặc biệt. Đó là một bình rượu ngâm táo mèo của anh Lâm Thành Đạt (SN 1983) ở Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên. Để trao được món quà ơn nghĩa này, anh Đạt đã kiên nhẫn chờ bằng được "ân nhân" của mình hết ca làm việc trên cầu Chương Dương. Những tiếng gọi bố xưng con dường như đã thay cho mọi lời cảm ơn của một người dân bình thường đối với người sĩ quan công an. Lại nói về câu chuyện của anh Đạt với Thượng tá Đoàn, chắc chẳng ai cầm lòng khi xem bức ảnh Thượng tá Đoàn ngồi giữa hai vợ chồng anh Đạt như nhịp cầu nối lại tình cảm rạn vỡ khiến người vợ trong một phút phẫn chí đã có ý định quyên sinh trên cầu Chương Dương. Chị L vợ anh Đạt bữa đó do cãi vã với chồng đã nông nổi mang ý định bỏ lại đằng sau mái ấm gia đình yên vui với một con nhỏ đang tuổi cai sữa để gieo mình xuống dòng sông Hồng. Khi đưa được người phụ nữ đó về chốt an toàn, Thượng tá Đoàn nghe qua câu chuyện, như một người cha nhân từ, ông đã khuyên bảo: "Thôi, bố xin con! Bố xin con". Cử chỉ, lời nói thân thiện, cảm thông như người thân trong gia đình đúng lúc đã thức tỉnh được người phụ nữ. Chị L đã đồng ý để Thượng tá Đoàn điện thoại cho chồng đến đón về. Hai vợ chồng nghe những câu chuyện giản dị của người lính từng trải cũng đã đồng ý hòa giải ngay tại chốt.
Cũng vào chiều mùng 2 Tết Quý Tỵ, hai bạn trẻ ở Cổ Loa, Đông Anh đã kể lại chuyện Thượng tá Lê Đức Đoàn chặn một chiếc xe buýt để nhờ đưa hai bạn đang bị lạc về nhà. Hay như mới đây, trong một chiều nắng gắt tháng 5 vừa qua, chị Lan, nhân viên Công ty Dịch vụ bay miền Bắc đang lái ô tô Yaris đến khu vực vòng xuyến phía bắc cầu Chương Dương thì xe chết máy. Đang luống cuống vì bị rất nhiều lái xe phía sau lên tiếng phản đối thì Thượng tá Lê Đức Đoàn nhanh chóng có mặt điều tiết giao thông và giúp chị đưa chiếc xe vào lề đường chờ cứu hộ, khiến chị cảm thấy nhẹ lòng.
Những câu chuyện chưa một lần lên báo về người chiến sỹ CAND như vậy khiến bao người càng thêm mến yêu anh. Thượng tá Lê Đức Đoàn tâm sự: Trong suốt cuộc đời mình tôi luôn lấy những việc làm và tấm gương Bác Hồ để răn mình sống có ý nghĩa hơn nữa. Tôi luôn tâm niệm: Hãy sống như lời một bài hát: "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/Mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.