(HNMCT) - Khi đặt bút viết những dòng đầu tiên về cuốn sách Nơi đầu sóng (tản văn - ghi chép của Lữ Mai, Trần Thành, NXB Văn học, 2019) cũng là lúc tôi như được bước vào hải trình đến với biển đảo thiêng liêng, máu thịt của Tổ quốc. Hai mươi mốt tản văn - ghi chép, hai mươi mốt bức ảnh, tựa như hai mươi mốt hòn đảo thân yêu, tạc nên dáng hình Việt Nam trên biển.
Trong lời cuối cuốn sách có một nhận định: Có cột mốc chủ quyền trên thực địa - mặt đất, bầu trời và biển cả, cũng có cột mốc trong các tác phẩm nghệ thuật. Nơi đầu sóng là một cột mốc như thế khi neo vào lòng người đọc những hình ảnh thân yêu, kỳ vĩ, gian lao, anh dũng của những người quên mình giữ đảo. Có thể nói, điểm thành công nhất của cuốn sách chính là lựa chọn được góc nhìn và cảm hứng khi tái hiện hải trình qua các vùng biển đảo của Tổ quốc.
Bằng điểm nhìn thật gần gũi, với những câu chuyện thường nhật của người lính giữ đảo, những góc máy đặc tả, những ghi chép chân thành, mộc mạc, Nơi đầu sóng như một cuốn phim tư liệu được quay một cách tỉ mỉ, chi tiết nhưng cũng không kém phần phóng khoáng: Từ chuyện đợi mưa trên đảo đến chuyện nước ngọt quý giá; từ bầu trời đầy sao bồng bềnh trên biển thẳm đến ngọn hải đăng thao thức; từ những gian lao vất vả, hy sinh của người lính hải quân đến vũ điệu sinh tồn của loài cá biển; từ hoa ốc Trường Sa đến ô cửa nhỏ thời gian muối mặn; từ quả cà, rau xanh vô cùng khan hiếm đến thực phẩm đóng hộp ăn mãi cũng xót lòng; từ cơn giông đang hậm hực trườn qua đến ngọn sóng đêm ngày quần thảo; từ những chú chó thông minh cùng người giữ đảo đến tiếng chim vờn trong bóng lá...
Và nữa, từ màu xanh cường vĩ của loài phong ba - bão táp đến đóa bàng vuông tinh khôi dâng hương trong vòm đêm hé sáng; từ cái nắng như “đóng đinh vào đầu” đến cát bỏng dưới chân; từ làn da cháy nắng đến bốn bề khô rang, khát kiệt; từ nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền, quê hương, gia đình, vợ con đến những tháng năm bền gan bám trụ, chiến đấu... Tất cả hiện lên chân thực, gần gũi, thân thương mà rất đỗi tự hào. Đó là vẻ đẹp, là sức mạnh của tinh thần Việt Nam nơi đầu sóng.
Nơi đầu sóng định hình một tư thế trong phong ba bão táp, trong cheo leo bám trụ, trong kiên dũng bền gan. Có thể nói, mỗi bài viết, mỗi bức hình đều mang đến cho người đọc, người xem những cảm xúc rất chân thành, vừa cảm phục, thương mến, vừa đầy tự hào. Nơi đầu sóng, bản thân vị trí của nó đã xác lập tính chất phi thường dù tất cả diễn ra dường như là những chuyện ngày thường. Quả thật, với những ai chưa từng đặt chân đến đảo, cuốn sách đã mang lại thật nhiều hình dung, mở ra những hải trình của tâm tưởng.
Từ những trải nghiệm tinh thần ấy, khát vọng được chạm vào một phần thân thể, dáng hình đất nước cứ dâng lên. Tình yêu, niềm tự hào, khâm phục, ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo được thắp sáng. Cuốn sách từ câu chuyện của cá nhân đã chạm đến ý thức, tình cảm rộng lớn của cộng đồng. Đó là tình yêu Tổ quốc, khát vọng hòa bình của mỗi người Việt Nam. Nơi đầu sóng vừa thử thách sự bền gan, vừa tôn vinh những giá trị vĩnh hằng của dân tộc.
Phải yêu thương rất nhiều, phải tin tưởng tuyệt đối, phải nhận ra sức mạnh của chân lý từ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người dân nước Việt... mới có thể đứng vững nơi đầu sóng. Cuốn sách của Lữ Mai - Trần Thành, một lần nữa, thắp lên những tình cảm đó nơi người đọc, để chúng ta mãi hướng về biển đảo thiêng liêng - nơi tạc nên dáng hình đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.