Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi đất lành chim đậu

Quỳnh Nguyên| 01/07/2014 06:15

(HNM) - Từ khoảng thập niên thứ 9 của thế kỷ trước, anh Bùi Thanh Bảy ở thôn Hoành Quan, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã dành trọn 7ha vườn của mình để làm


Khai hoang, lập vườn cho cò

Nhìn cả trang trại với hàng chục ao đầm, bạt ngàn màu xanh của dừa, bạch đàn rồi từng đàn cò lũ lượt kéo nhau rợp trời tìm về trú ngụ... ít ai có thể tưởng tượng được nơi này trước kia chỉ là bãi đất hoang hóa ven cửa sông, ngập trắng nước khi thủy triều lên. Không biết tự bao giờ, mảnh đất này đã trở thành "ngôi nhà" yên bình của chúng. 

Đàn cò bay trên một góc trang trại của anh Bùi Thanh Bảy.


Dẫn chúng tôi thăm vườn cò được che chắn bởi nhiều lớp bạch đàn, anh Bảy nói: "25 năm làm nông dân nhưng có lẽ đến giờ đàn cò này là gia sản lớn nhất của gia đình tôi". Theo lời anh Bảy, cò là giống chim trời, không dễ gì mà tự nhiên chúng sà xuống làm tổ trên đất nhà mình. Và để có diện tích làm "nhà" cho cò như ngày nay, với anh Bảy cũng là cả một câu chuyện dài.

Năm 1987, anh Bùi Thanh Bảy được xuất ngũ trở về quê hương làm bạn với ruộng vườn. Đúng thời điểm đó, chính quyền xã Thụy Liên có chủ trương đấu thầu đất, anh Bảy mạnh dạn nhận hơn 7ha khu đầm gần nhà để phát triển kinh tế trang trại. Anh Bảy kể: Ngày trước, cả vùng đất ven sông Diêm này là bãi hoang hóa, cỏ dại mọc đầy, buổi sáng còn thấy đất chứ lúc hoàng hôn khi thủy triều lên nước ngập trắng băng. Vậy nên có muốn nuôi con gì, trồng cây gì cũng chịu.

Không nản lòng, ngày ngày, hai vợ chồng anh vừa đánh bắt tôm, cua, cá tự nhiên để sinh sống, vừa cần mẫn đào đất đắp bờ. Có lần bờ vừa đắp xong, một trận thủy triều hay mưa lũ ào qua lại san phẳng tất cả. Đắp đi đắp lại nhiều lần, cuối cùng những bờ đất cao, dài dằng dặc ngăn không cho nước mặn xâm nhập, hệ thống bờ nhỏ phân chia các ao đầm cũng được hình thành. Do chưa có kiến thức, hai vợ chồng anh vừa làm vừa mò mẫm đọc thêm sách báo học cách đào ao thả cá, nuôi tôm. Đánh bắt tự nhiên được vài năm, nguồn thu nhập cũng khá nhưng càng về sau môi trường nước càng bị ô nhiễm, tôm cá cạn kiệt. Hai vợ chồng chuyển hướng sang đào ao nuôi thả tôm, cá vược, ếch Thái Lan, trắm đen và các loại cá truyền thống...

Với quyết tâm không sợ khổ sợ khó, anh Bảy ngày ngày lặng lẽ hồi sinh "vùng đất chết". Ngoài ao đầm, anh xây dựng một hệ thống chuồng trại nuôi 5.000 vịt thịt, vịt đẻ, đất trống quanh bờ trồng thêm dừa nước để chống sạt lở. Phía giữa bờ trồng cây xanh, cây si làm cảnh. Phần đất đào ao được lập thành một khu vườn rộng 1,5ha, ban đầu dự định trồng cây ăn quả nhưng sau đó anh quyết định chọn trồng bạch đàn để ngăn lũ, chống gió. Đến nay, 5.000 gốc dừa và hàng vạn cây bạch đàn do anh trồng đã đan kín tán, tạo nên một khu rừng sinh thái đẹp mắt.

Kể về cái duyên đặc biệt với loài chim trời, anh Bảy cho biết: Một buổi chiều muộn giữa tháng 4-1989, tôi nghe thấy những âm thanh náo động rất lạ xen với tiếng gió rít, tò mò lần ra ngoài xem thấy trong khu vườn xuất hiện đàn cò bợ và cò trắng. Ban đầu số lượng chim chỉ vài trăm con rồi dần dần chúng kéo nhau về đậu kín vườn bạch đàn, trắng xóa trên lá dừa.

Cũng từ hôm đó, anh dặn vợ con tuyệt đối không được xua đuổi mà phải giữ chúng lại và cho cò ăn hằng ngày. Đàn cò cứ thế sinh sôi nảy nở, đến nay số lượng đã lên đến hàng vạn con. "Đất lành chim đậu", khi đã có chỗ ăn chỗ ở và cảm thấy an toàn, đàn cò mới yên tâm đi về mảnh vườn của gia đình anh, sinh sôi nảy nở ở đó. "Sáng sáng chúng tản mạn đi kiếm ăn, chiều nhập nhoạng lại bay về tổ một cách đều đặn. Với cò, phải nâng niu, bảo vệ thì chúng mới ở lại với mình, chứ không thì dù có buộc chân, chúng cũng không ở" - anh chia sẻ.

Chăm chút bảo vệ đàn cò

Kể từ đó đến nay đã 25 năm, mảnh vườn ven con sông nhỏ và những hàng bạch đàn xanh tốt của gia đình anh Bảy đã trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của đàn cò. Và cũng bằng ấy thời gian, việc chăm chút cho vườn cò dù không sinh lãi nhưng với anh đó lại là cả một gia sản quý giá.

Anh Bảy dẫn chúng tôi đi dọc bờ đầm, xuyên qua lối nhỏ phía trên là tán dừa đan kín đến khu vườn bạch đàn để thăm nơi trú ngụ của đàn cò. Anh tiếp lời: Năm 1996, một trận bão lớn quét qua, trang trại ngập trắng nước, nhà cửa đổ sập, cây cối ngổn ngang, cò sợ nên bay đi hết. Trong lúc hai vợ chồng tôi làm lại vườn thì thấy vẫn còn một đôi cò mệt lả, yếu ớt quấn lấy nhau ở tán cây nhỏ dưới mái nhà. Thương quá, ra mang về chăm sóc mới phát hiện ra chúng ôm lấy nhau để bảo vệ cho một con cò con bé bỏng còn sống sót. Sau một thời gian chăm sóc, chúng đã khỏe lại và cứng cáp hơn, tôi thả ra và chúng lại làm tổ trong vườn cây, không bay đi đâu nữa. Mãi đến sau này, tôi luôn cảm thấy đó như một điều kỳ diệu khiến cho đàn cò ngày một đông như thế.

Mỗi khi đến mùa bão, anh Bảy lại lo lắng sửa sang chỗ trú ẩn an toàn cho đàn cò. Không ít lần anh phải thức trắng đêm bảo vệ đàn cò trước những kẻ săn bắn. Ðối tượng săn cò xuất hiện rất nhiều, có người dùng cả súng và bẫy khiến anh lo lắng cho tính mạng của đàn cò. Nhiều phen anh đã phải liều mình bất chấp nguy hiểm đối mặt với những tay săn bắt cò chuyên nghiệp. Cái tên "Bảy cò" cũng được người ta đặt cho anh từ đấy.

Anh Bảy bảo, đàn cò cực kỳ tinh ranh. Chỉ cần có người lạ xuất hiện, dù cách cả trăm mét, chúng cũng phát hiện ra. Chỉ cần một con kêu lên, lập tức cả đàn nháo nhác. Thế nhưng, có một điều lạ chúng tôi chứng kiến khi đứng từ xa thấy anh Bảy đi đến gần rặng dừa thì đàn cò không hề hoảng sợ bay lên. Đến lúc chúng tôi men theo bước chân anh và giơ máy ảnh lên thì đàn cò vội vàng nháo nhác bay tán loạn.

Đàn cò của anh Bảy giờ có đến hàng vạn con, nhiều người đến hỏi mua cò nhưng anh từ chối dù họ có trả cao đến mấy. Dân làng nhiều lời dị nghị bảo anh dở người, tự dưng đi mua đất, làm vườn nuôi cò. Cũng mấy phen anh bị người dân bắt đền vì lũ cò ăn hết hạt giống ở ruộng vừa mới gieo hạt. Thế là anh lại phải đến các nhà xin lỗi và đề nghị được khắc phục hậu quả. Chỉ tay về khu vườn với những cây bạch đàn hàng chục năm tuổi, anh Bảy tâm sự: Do kinh tế khó khăn, nhiều lần vợ bàn bán vườn cây đi nhưng bán cây thì lấy chỗ đâu cho cò ở nên tôi không đành.

Hỏi về ý định thu hoạch vườn cây bạch đàn hay rặng dừa trĩu quả, nét mặt của người nông dân ấy nở một nụ cười hồn hậu rồi trả lời: Đàn cò đã ở trang trại của tôi 25 năm nay, để "níu chân" đàn cò, hai vợ chồng tôi chỉ trồng thêm mà không phá cây nào, vì chỉ cần chặt một cây, làm động tổ thì chúng sẽ bỏ đi hết. Dù có khó khăn đến mấy tôi cũng quyết bảo vệ đàn cò, bảo vệ môi trường sinh thái vùng đất này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi đất lành chim đậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.