Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi buồn rối nước làng Ra

Thu Hằng| 25/12/2011 08:41

(HNM) - Đã có hơn một nghìn năm tuổi, không chỉ biểu diễn phục vụ dân làng và các địa phương trong vùng vào dịp lễ hội, đình đám, hơn chục năm nay phường rối làng Ra (nay là làng Phú Hòa, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) đã “khăn gói quả mướp” lên phố biểu diễn, thậm chí đi biểu diễn ở nước ngoài.


Ảnh minh họa

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Hữu Đoàn, người đã hơn 20 năm giữ chức Trưởng phường rối. Ông Đoàn kể, vào thế kỷ XI, sau nhiều năm tu hành ở Trung Quốc và Ấn Độ, trên đường vân du, thấy đất Sài Sơn (Quốc Oai) phong cảnh hữu tình, dân cư trù mật, Pháp sư Từ Đạo Hạnh đã cho xây dựng chùa Thầy làm nơi tu hành. Ở đây, Ngài đã dạy cho dân làng Ra hát chèo, múa rối nước và để lại ba mẫu ruộng ở xứ Đồng Vai cho phường rối làm vốn. Vì vậy, hằng năm, vào dịp Lễ hội Chùa Thầy (từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Ba âm lịch), tại nhà Thủy đình hồ Long Trì, xã Sài Sơn, các nghệ nhân của phường rối nghìn tuổi này lại biểu diễn để tưởng nhớ công ơn ông Tổ nghề rối nước và phục vụ du khách đến trẩy hội chùa Thầy.

Trải qua nghìn năm với không ít thăng trầm nhưng bằng tình yêu nồng nàn với rối nước của diễn viên, nghệ nhân, phường rối nước làng Ra vẫn tỏa sáng. Phường rối làng Ra hiện có 22 diễn viên, nghệ nhân, nhưng một nửa đã ở tuổi xưa nay hiếm. Người cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Hữu Bình 83 tuổi; tiếp sau là cụ Nguyễn Hữu Lương 77 tuổi; ông Nguyễn Hữu Đoàn 73 tuổi; nhiều diễn viên ở tuổi ngoài 60. "Các cụ tham gia với niềm đau đáu giữ lửa cho phường" - ông Đoàn cho biết. Có một điều ngạc nhiên khi tìm hiểu về phường rối cổ làng Ra, là phường có tuổi đời trên 1.000 năm nhưng nghệ nhân, diễn viên đều không chuyên. Họ có thể biểu diễn tối ngày phục vụ du khách nhưng khi dừng biểu diễn, trở về cuộc sống đời thường, họ lại làm đủ thứ nghề, từ lái xe, thợ mộc, thợ nề… đến giám đốc doanh nghiệp. Trong cơ chế thị trường, cuộc sống ngày càng vất vả mưu sinh... nhưng tất thảy họ đều muốn giữ nghề.

Khác với các phường rối cùng huyện, đến nay phường làng Ra còn lưu giữ được hầu hết các trò rối cổ như Tướng Loa, Tướng Trùy; Mời trầu, Tặng hoa; Leo cột cắm cờ, đốt pháo bật cờ; Rước kiệu rời tượng; Múa rồng; Ngựa dàn; Cày bừa, chọi trâu; Đi cấy, tát nước; Chăn vịt, rắn; Cá, rùa bơi lượn. Đặc biệt, kho rối của phường hiện còn giữ được những con rối cổ trên trăm năm tuổi. Với những tiết mục rối cổ đặc sắc của mình, những diễn viên, nghệ nhân đồng quê làng Ra đã mang hồn văn hóa Việt, giới thiệu với bạn bè khắp năm châu.

Trong câu chuyện với Trưởng phường rối Nguyễn Hữu Đoàn, chúng tôi hiểu trong sâu thẳm ông và các thành viên trong phường có nhiều trăn trở. "Chúng tôi không chỉ buồn vì khán giả đến với nghệ thuật cổ truyền này ngày một thưa dần, mà buồn hơn khi không được chính quyền các cấp quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần. Cũng vì thế, các thành viên trong đoàn phải tự góp tiền để duy trì hoạt động của phường. Mỗi chuyến lưu diễn dài ngày, chi phí đi lại, ăn ở hết nhiều nhưng kinh phí đài thọ của các tổ chức quá ít nên các thành viên phải tự bỏ tiền túi ra để trang trải sinh hoạt. Khó khăn về kinh phí nên phường đã phải từ chối nhiều lời mời tham dự các liên hoan múa rối" - ông Đoàn bộc bạch.

Theo các thành viên trong phường, trước đây, biểu diễn rối là hình thức tự chơi để thỏa mãn mình, tự khoe mình, nay trong xã hội hiện đại, rối nước lại được khai thác ở khía cạnh thương mại gắn với du lịch văn hóa. Vì vậy, cách đây 5-7 năm, làng Ra từng là điểm dừng chân của hàng chục tour du lịch mỗi năm. Theo đó, tại nhà thủy đình của làng liên tục có biểu diễn múa rối nước, du khách tham quan và dân làng đến xem chật kín cả đoạn đường. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây hầu như không còn tour du lịch nào đến nữa.

Ông Đoàn cho biết, những năm trước, khi nhà thủy đình của thôn chưa xây dựng, các thành viên trong phường phải dựng lều dưới ao làng mỗi khi biểu diễn. Mùa hè còn đỡ chứ mùa đông rét lắm, buồng trò phải quây kín để tránh gió. Để chống rét, trước khi biểu diễn, diễn viên phải uống vài ngụm nước mắm hoặc nhai gừng sống, nuốt lấy nước, còn bã xoa khắp người cho ấm. "Rét mướt, nhưng khi biểu diễn xong thấy người đến xem ngày một đông, reo hò tán thưởng, diễn viên chúng tôi thấy ấm lòng" - ông Đoàn cho biết.

Hiện nay, để duy trì hoạt động, phường đã nhận biểu diễn dài hạn với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam một tháng 4 lần vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Đồng thời, phường thường xuyên tham dự các liên hoan múa rối, Festival... Phường rối làng Ra còn được mời đi biểu diễn ở các nước và vùng lãnh thổ như Italia, Đài Loan và dự triển lãm rối nước ở Áo, Singapore, Trung Quốc... Mặc dù đi biểu diễn ở nhiều nơi phục vụ khán giả, nhưng tự đáy lòng những nghệ nhân phường rối làng Ra, họ vẫn mong muốn du khách về làng chiêm ngưỡng hoạt động của phường nhiều hơn để rối làng Ra ngày càng thêm rạng danh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗi buồn rối nước làng Ra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.