(HNM) - Hôm nay đánh dấu 9 năm nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Gần một thập kỷ đã trôi qua, nhưng trong ký ức của người dân xứ Cờ hoa về tòa tháp đôi - biểu tượng cho sức mạnh và niềm kiêu hãnh của nước Mỹ - bị tấn công và sụp đổ trong chốc lát, vẫn còn đó nỗi ám ảnh kinh hoàng chưa nguôi.
Vụ khủng bố ghê gớm nhất lịch sử nước Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 2.974 người, nhưng di chứng mà nó để lại còn nặng nề hơn. Đó là một nước Mỹ đang sa vào vũng lầy cuộc chiến chống khủng bố chưa có hồi kết, một nền kinh tế bị chao đảo, một đất nước bị chia rẽ sâu sắc... khiến vị trí số 1 của cường quốc này có cơ bị lu mờ.
Hệ lụy vụ khủng bố ngày 11-9-2001 đã kéo Mỹ vào hai cuộc chiến tranh chống khủng bố ở Afghanistan và Iraq với quy mô mở rộng toàn cầu, kèm theo những khoản tiền khổng lồ. Hơn 40 nước trên thế giới đã bị cuốn vào cuộc chiến do chính quyền Bush phát động năm 2001. Không thể phủ nhận là nỗ lực chống khủng bố đã mang lại những kết quả nhất định, bởi từ đó đến nay nước Mỹ không còn phải chịu thêm một vụ tấn công khủng bố lớn nào. Mạng lưới Al Qaeda đã bị kiềm chế và có vẻ như nước Mỹ đã trở nên an toàn hơn. Thế nhưng, đến nay, Mỹ đã đổ hàng nghìn tỷ USD cho các chiến dịch chống khủng bố và phải chịu thiệt hại về người đã vượt quá số người chết trong vụ khủng bố 11-9. Ngân sách quốc phòng Mỹ đã tăng gần 10%. Nếu cộng cả những thiệt hại khác về kinh tế và xã hội, tổng chi phí thậm chí lên tới 5.000 tỷ USD. Bên cạnh những thiệt hại về vật chất có thể đếm được, những tổn thương về mặt tinh thần đối với người dân Mỹ và các nước phương Tây nói chung không thể kể hết. Hai cuộc chiến tranh, đặc biệt là cuộc chiến tại Iraq, đã gây chia rẽ và bất an không chỉ trong xã hội Mỹ mà còn làm rạn nứt cả mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ với Đức và Pháp. Vậy mà, trùm khủng bố Bin Laden - kẻ được cho là chủ mưu vụ 11-9 - vẫn không chỉ như "bóng chim, tăm cá" trước những cuộc truy lùng ráo riết nhất của Mỹ mà còn luôn đưa ra lời kêu gọi Thánh chiến chống Mỹ và phương Tây. Trong khi đó, tàn quân Taliban ở Afghanistan ngày càng ngóc dậy và vẫn là mối đe dọa với Mỹ và NATO. Các vụ tấn công trả đũa của các tổ chức cực đoan với nhiều quy mô khác nhau nhằm vào lợi ích của Mỹ và phương Tây vẫn xảy ra thường xuyên trên phạm vi toàn cầu.
Rõ ràng sự kiện 11-9 dẫn đến cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq đang là thách thức nghiêm trọng với nước Mỹ trên nhiều phương diện, cả quân sự, chính trị, ngoại giao và kinh tế. Về lý thuyết, cuộc chiến tại Iraq đã khép lại sau ngày 31-8 vừa qua, khi những người lính cuối cùng của lực lượng chiến đấu Mỹ rời khỏi lãnh thổ quốc gia vùng Vịnh này. Thế nhưng, trên thực tế, có lẽ cuộc chiến tại Iraq còn lâu mới có hồi kết thực sự, bởi lực lượng của Mỹ sẽ vẫn phải tiếp tục duy trì sự hiện diện tại đây và Iraq không biết đến bao giờ mới có đủ khả năng bảo đảm an ninh cho chính mình. Hơn thế, cuộc chiến đã làm cho xã hội Iraq phân hóa sâu sắc, xung đột sắc tộc, tôn giáo ngày càng dữ dội, khiến đất nước này suốt 7 năm qua chưa có ngày nào yên bình. Cuộc chiến cũng đã đẩy nền kinh tế Iraq vốn giàu có nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ thành quốc gia kiệt quệ. Con số không nhỏ thương vong của dân thường Iraq và binh lính Mỹ cùng những khoản tiền khổng lồ chi cho cỗ máy chiến tranh đang để lại những khoảng lặng u ám trong lòng nước Mỹ. Trong khi đó, chiến trường Afghanistan vẫn ngổn ngang. Washington vẫn chưa tìm được lời giải cho bài toán an ninh tại đây cho dù cuộc lui binh khỏi chiến trường này của Mỹ đã được ấn định vào tháng 7-2011. Sự bất ổn về tình hình an ninh tại Afghanistan ngày càng nghiêm trọng, bạo lực không ngừng leo thang, trong khi làn sóng biểu tình phản đối cuộc chiến trong người dân Mỹ ngày một dâng cao... Chưa khi nào ngôi vị số 1 của nước Mỹ bị thách thức nghiêm trọng như lúc này. Ngoài ra, nước Mỹ còn đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các cường quốc mới trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga.
Nỗi ám ảnh chưa nguôi về vụ khủng bố ngày 11-9 cũng đang làm nước Mỹ chia rẽ sâu sắc, nhất là trong lĩnh vực tôn giáo và dân tộc. Ý định đốt kinh Koran của đạo Hồi vào ngày hôm nay của một mục sư người Mỹ nhân sự kiện thảm khốc cách nay tròn 9 năm dù không xảy ra cũng đã cho thấy rõ điều đó. Giờ đây, sự kiện 11-9 đang bước sang năm thứ 10 và không ai có thể dự báo được về những hệ lụy mà nó còn gây ra cho nước Mỹ trong những ngày tháng tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.