(HNMO) – Những vấn đề xoay quanh việc điều hành giá, quản lý nợ công và SCIC được nhiều đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trong sáng 10/6.
Điều hành giá tuân thủ chặt nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước
Liên quan đến việc điều hành giá, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã trả lời việc điều hành giá đối với 4 mặt hàng: lúa, xăng dầu, điện và thuốc.
Về giá lúa, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình Chính phủ tại Tờ trình số 52/TTr-BTC ngày 26/4/2010 về Đề án “chính sách tiêu thụ lúa cho người sản xuất, góp phần bình ổn thị trường lúa, gạo ở Việt Nam”. Nguyên tắc hỗ trợ là theo giá thị trường, có sự quản lý Nhà nước; chia sẻ trách nhiệm, lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất; đồng bộ hỗ trợ cả đầu vào và đầu ra…
Đối với hỗ trợ đầu vào: tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất để mua vật tư, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất. Đối với hỗ trợ đầu ra: thành lập Quỹ bình ổn giá lúa, gạo; sử dụng Quỹ bình ổn giá lúa, gạo để hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp mua lúa theo giá thị trường để tạm trữ, chuẩn bị chân hàng xuất khẩu theo nguyên tắc đảm bảo thu mua lúa gạo cho người sản xuất với mức lãi tối thiểu 30% (dựa trên giá sàn được công bố).
Song song với đó, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức nghiên cứu và trình Chính phủ Đề án thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2010-2012. Trong Đề án, Bộ Tài chính dự kiến lựa chọn thí điểm bảo hiểm: Cây lúa; chăn nuôi (bò, trâu, lợn, gà) và nuôi trồng thuỷ sản (cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng) tại một số địa phương trong cả nước. Dự kiến, mức hỗ trợ của Nhà nước và đối tượng được hỗ trợ là: Nhà nước hỗ trợ khoảng 80% đến 90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ khoảng 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân (không thuộc diện nghèo) sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và hỗ trợ khoảng 50% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
Về giá điện, Bộ trưởng cho biết, trong năm 2010 Chính phủ đã cho phép điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng 6,8% so với giá bán điện bình quân năm 2009, thực hiện từ 1/3/2010.
Theo tính toán, việc điều chỉnh giá điện sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,16%; tác động đến giá thành một số sản phẩm sử dụng nhiều điện từ 0,09 - 2,28% tuỳ theo từng ngành.
Về đời sống, các hộ sử dụng điện dưới 50 KWh/tháng không phải trả thêm tiền vì giá điện 50KWh đầu tiên vẫn giữ ổn định như năm 2009 (chỉ bằng khoảng 60% giá thành). Đối với những hộ sử dụng điện từ KWh thứ 51 đến 100 KWh/tháng được áp dụng mức giá bằng mức giá thành sản xuất kinh doanh điện bình quân (không có lãi cho ngành điện).
Về giá xăng dầu, từ đầu năm đến nay, các DN kinh doanh xăng dầu đã thực hiện 2 lần tăng giá, 3 lần giảm giá bán lẻ. Cụ thể: ngày 14/1/2010 điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong khoảng từ 300 - 450 đ/lít, ngày 21/2/2010 tăng giá xăng 590 đ/lít (giá bán các mặt hàng dầu được giữ ổn định như tháng 1/2010), ngày 3/3/2010, giảm giá bán lẻ các loại dầu từ 300-500 đ/lít, ngày 27/5/2010 điều chỉnh giảm giá xăng 500 đ/lít, ngày 8/6/2010 tiếp tục điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu từ 200-500đ/lít.
Giải thích câu hỏi của đại biểu Danh Út về việc tại sao giá xăng dầu khi tăng thì tăng nhiều, nhưng khi giảm thì “nhỏ giọt”, Bộ trưởng cho biết, trong những tháng đầu năm, giá xăng dầu có biến động tăng, nhưng do để đảm bảo ổn định kinh tế, tránh tăng CPI, các DN xăng dầu chỉ được tăng giá 2 lần trong tháng 1 và 2. Đáng lý ra, tháng 3 và 4 giá xăng dầu phải tiếp tục tăng, nhưng thay vì điều chỉnh tăng giá, Bộ đã hạ thuế cho các DN, đồng thời sử dụng quỹ bình ổn giá để hỗ trợ các DN.
Đến tháng 4, giá xăng dầu thế giới hạ nhiệt, nếu bình thường, các DN xăng dầu phải giảm giá bán, nhưng do trước đó trước đó DN đã được hưởng bù lỗ từ Quỹ bình ổn giá và lùi thuế nên phải trích bù lại Quỹ bình ổn giá. Sau đó, giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm, các DN mới có thể thực hiện việc giảm giá bán, cụ thể đã giảm 2 lần trong tháng 5 và 6.
“Hiện tại giá xăng dầu của chúng ta vẫn thấp nhất trong khu vực so với Campuchia, Lào, Trung Quốc, Singapore, tất cả các nước trong khu vực giá của chúng ta thấp hơn từ 2000 đến 8000/1 lít. Có thời gian chúng ta để giá thấp như vậy gây ra việc buôn lậu, dần dần chúng ta điều chỉnh làm sao góp phần hạn chế chống buôn lậu”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính đã kiểm soát rất chặt giá xăng dầu và luôn đứng về lợi ích người tiêu dùng, không bao che doanh nghiệp. Cũng theo Bộ trưởng, qua các đợt kiểm tra vừa rồi, các DN đều thực hiện rất nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý giá.
Về giá thuốc thời gian qua biến động và tăng giá lớn, Bộ trưởng cho biết, công tác quản lý hiện nay được giao cho các Bộ có liên quan quản lý trong đó có cả Bộ Y tế, Bộ tài chính quản lý nhà nước về giá. Thực tế qua kiểm tra, Bộ phát hiện thấy hiện tượng giá thuốc gian lận ngay từ khâu nhập khẩu, các đối tác bên ngoài đã làm giá với nhau. Hiện Bộ đang phối hợp và đưa ra những giải pháp để làm sao kiểm soát giá thuốc này, trong đó có việc rất quan trọng là phải kiểm tra ngay từ khâu nhập khẩu vào, đồng thời nghiên cứu tổ chức lại việc lưu thông phân phối thuốc để làm sao Nhà nước chi phối được.
Làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, giá thuốc của 4 tháng đầu năm 2010 so với 4 tháng đầu năm của năm 2009 tăng 3,1% trong 10 mặt hàng thiết yếu. Trong khi đó 10 mặt hàng thiết yếu, CPI tăng giá bình quân là 8,6%, còn thuốc tăng 3,1%. Tổng số thuốc lưu hành trên thị trường hiện nay là 22.000 mặt hàng thuốc, nhưng có thứ thuốc tăng dữ dội, có thứ thuốc tăng ở mức cao, có loại tăng ở mức ít, có loại không tăng, thậm chí có loại giảm. Chính vì vậy mới “kéo” được mức tăng giá thuốc xuống chỉ còn 3,1% của dược.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, vấn đề cử tri và nhân dân bức xúc là một số thuốc đặc trị, biệt dược, chuyên khoa sâu, thuốc quý hiếm đã tăng 200% đến 300%. Để giải quyết thực trạng này, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 11 để quản lý Nhà nước về giá thuốc. Thanh tra liên ngành cũng đã kiểm tra và kết luận có một số thuốc tăng cao đột biến và đã tăng cường công tác quản lý.
Các khoản chi của SCIC đều theo quy định
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Trần Du Lịch liên quan đến các vấn đề của Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, đúng là ông đang kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty này, đây là nhiệm vụ được Thủ tướng phân công.
Theo Bộ trưởng, SCIC là một mô hình rất đặc thù và mới được thành lập từ năm 2005, thực hiện chức năng là đại diện chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp có vốn của nhà nước. Trước mắt, Tổng công ty này mới đang tiếp nhận các doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập và các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nằm độc lập, không nằm ở trong các Tổng công ty, tập đoàn. Tính đến nay, Tổng công ty đang quản lý, tiếp nhận khoảng 911 doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp này chỉ chiếm phần vốn của nhà nước trên tổng số là 1,8% số vốn, tức khoảng hơn 7.000 tỷ đồng, phần vốn còn lại hiện nay vẫn nằm ở các tập đoàn, Tổng công ty, chưa bàn giao về cho SCIC.
Bộ trưởng cũng cho biết, trên thế giới có nước áp dụng mô hình này, điển hình là TEMASEK (Singapore). TEMASEK không phải chỉ Bộ trưởng làm Chủ tịch mà Thủ tướng làm Chủ tịch, với vai trò Thủ tướng là người được thay mặt nhà nước đại diện cho vốn của nhà nước tại doanh nghiệp.
Về kiểm toán đối với SCIC, theo Bộ trưởng, trong báo cáo kiểm toán có những điểm chưa rõ giữa thu nhập và tiền lương, khiến dư luận hiểu chưa đúng.
“Có những khoản không thuộc tiền lương nhưng lại là thu nhập, cộng vào nói đó là tiền lương thì không thật đầy đủ”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng dẫn chứng, ngoài tiền lương theo quỹ lương được duyệt của liên Bộ Lao động - thương binh và xã hội còn có khoản truy lĩnh của năm 2007 nhưng thanh toán trong năm 2008 và những khoản chi phí không nằm trong đơn giá tiền lương, được trích theo chế độ của nhà nước như tiền làm thêm giờ, tiền đồng phục, khoán điện thoại… Chính vì vậy, đã “đội” thu nhập của lãnh đạo SCIC lên cao.
Bộ trưởng cũng nghiêm túc nhìn nhận, công tác kế toán cho doanh nghiệp này cũng chưa thật sự “chuẩn”, đấy là trách nhiệm của Bộ Tài chính.
“Trong 911 doanh nghiệp nhận về thì có 87% số doanh nghiệp này cần phải bán hết vốn chỉ có 13% là cần phải giữ lại. Cho nên nhiệm vụ của SCIC này hiện nay là tiếp nhận doanh nghiệp về và bán nhanh vốn cho Nhà nước không cần nắm giữ, để thu hồi về đầu tư vào những lĩnh vực mà Nhà nước cần nắm giữ. Chính vì thế, bán vốn là nhiệm vụ chính của doanh nghiệp này cho nên hạch toán riêng hay hạch toán chung thì khi phát sinh ra SCIC có hỏi Bộ Tài chính, Bộ Tài chính nói rằng đây là nhiệm vụ chính thì hạch toán và kinh doanh chung. Tôi nói một ví dụ như vậy để thấy là có trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc hướng dẫn”, Bộ trưởng làm rõ thêm.
Theo Bộ trưởng, hiện nay, SCIC cũng hạch toán riêng, còn một loại là doanh nghiệp bàn giao về cho SCIC và SCIC được nhận cổ tức từ doanh nghiệp thì SCIC không được sử dụng. Thứ hai là nguồn vốn mà SCIC đang giữ hộ Nhà nước, trong khi chưa đầu tư, SCIC gửi tại một tài khoản ở ngân hàng và có phát sinh lãi, lãi này SCIC không được hưởng, SCIC phải nhập vào vốn để tăng quỹ này lên. Khoản thứ ba là khoản kinh doanh bằng vốn của SCIC, hiện SCIC đang đầu tư vào một số doanh nghiệp, đầu tư vào một số nơi, phát sinh ra lãi thì được hạch toán là lãi của SCIC.
Bộ trưởng cũng cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện, SCIC cần phải có một mô hình cho hoàn chỉnh và phù hợp, cần phải có một cơ chế thích ứng với nó. Hiện Bộ đang thiết kế cho hoàn chỉnh mô hình này.
Nợ công vẫn ở mức an toàn
Lo lắng về dư nợ quốc gia, chỉ số ICOR tăng cao là những vấn đề được các đại biểu Nguyễn Thị Khá, Phạm Xuân Thường, Ngô Văn Minh đưa ra.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, con số nợ công, hay nợ quốc gia, nợ Chính phủ mà Bộ đưa ra là hoàn toàn chính xác, đã bao gồm cả nợ của doanh nghiệp nhà nước tự vay, tự trả, đã bao gồm nợ bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp…
Theo Bộ trưởng, nợ Chính phủ hiện nay của Việt Nam là 41,9% GDP, trong đó nợ nước ngoài chiếm 58,8% GDP. Trong nợ nước ngoài này thì 86,5% là vay dài hạn từ nguồn vốn ODA, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Châu Á và vay của Nhật Bản. Những khoản vay này có thời hạn từ 30 đến 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn, lãi suất từ 0,75% cho đến trên 1% tùy theo các khoản vay và chủ yếu cho các dự án rất lớn như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ và một số cảng biển, công trình thủy lợi quan trọng. Còn lại vay ngắn hạn, lãi suất thông thường có thể bằng thị trường hoặc thấp hơn thị trường một chút.
“Nợ nước ngoài của quốc gia hiện nay là 38,9% GDP, nợ trung và dài hạn là 86,5% trong cơ cấu, còn lại là nợ ngắn hạn. Như vậy trong nợ ngắn hạn này thì nợ của Chính phủ là 64%, nợ của doanh nghiệp là 36%, vậy các khoản đại biểu nói đã được cộng đầy đủ vào trong này. Tôi - với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính - chúng tôi không giấu chuyện này bởi vì sau này, nếu vỡ nợ tôi là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên, cho nên phải báo cáo đầy đủ, báo cáo hết”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng khẳng định, đến nay Việt Nam không có khoản nợ nào quá hạn mà không trả được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.