Không chạy theo thành tích, mục tiêu là xóa nghèo bền vững *Phấn đấu năm 2015 không còn xã nghèo
Khám chữa bệnh cho người nghèo tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Ảnh: TTXVN
Từ bộn bề khó khăn...
Thời điểm Hà Nội và Hà Tây sáp nhập, một trong những khó khăn lớn nhất mà Thủ đô phải đối mặt là tỷ lệ hộ nghèo cao. Năm 2009, trong tổng số 117.825 hộ nghèo, 69.980 hộ thuộc nhóm I (chiếm 59,4%) có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất. Đặc biệt có 64.000 hộ thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng, 45.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và 3.500 hộ có nhà ở hư hỏng nặng không có khả năng tự xây dựng, sửa chữa. 12/29 quận, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 10%, đứng đầu danh sách là các huyện: Mỹ Đức (22,65%), Ba Vì (19,64%), Sóc Sơn (17,7%), Ứng Hòa (16,6%), Chương Mỹ (16,3%)... Toàn thành phố có 43 xã, phường có tỷ lệ hộ nghèo vượt 25%; 108 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 25%, trong đó, xã An Phú (huyện Mỹ Đức) và 5 thôn thuộc các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai nằm trong danh sách Chương trình 135.
Theo kết quả điều tra, trong tổng số 117.825 hộ nghèo, có 45.035 hộ do gia đình có người già yếu, khuyết tật, ốm đau, khó có khả năng thoát nghèo. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nghèo là do thiếu vốn sản xuất, kinh doanh (chiếm 38,16%), thiếu kinh nghiệm làm ăn (chiếm 26,6%), thiếu đất sản xuất (chiếm 15,98%), thiếu lao động, đông người ăn theo (chiếm 21,79%)... Những con số này là một thách thức không nhỏ đối với thành phố trong việc giảm nghèo, bởi nếu không có những giải pháp thực hiện hiệu quả, số hộ nghèo sẽ không giảm mà còn tăng lên.
... đến nỗ lực không ngừng vì người nghèo
Từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính đến nay, giảm nghèo luôn là mục tiêu hàng đầu của thành phố. Nổi bật trong chính sách giảm nghèo là thành phố đẩy mạnh việc xây dựng, sửa chữa nhà ở hư hỏng nặng cho hộ nghèo và thực hiện các chính sách xã hội như cấp thẻ BHYT cho 100% người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân phong và người dân thuộc Chương trình 135, miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho hộ nghèo; tập trung các giải pháp hỗ trợ 43 xã nghèo như: xây dựng các dự án lồng ghép đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; dạy nghề cho 1.000 lao động nghèo/năm, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho 17.000 hộ nghèo/năm... Trong giai đoạn 2009-2013, thành phố dành ngân sách 2.420 tỷ đồng, bình quân 484 tỷ đồng/năm (chưa kể vốn tín dụng và kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng) để thực hiện các chương trình giảm nghèo.
Năm 2010, thành phố đã hỗ trợ 160.336 lượt hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình, trong đó: 90.000 lượt hộ nghèo được vay tổng số vốn là 774 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội; 70.336 lượt hộ nghèo được vay hơn 434.405 triệu đồng từ nguồn vốn do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố quản lý. Có 1.000 hộ nghèo được vay 7 tỷ đồng chăn nuôi bò sinh sản; 3.377 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; 9.778 lượt hộ nghèo được hỗ trợ cây, con giống, vật tư, phân bón phục vụ sản xuất; 225.680 lượt người nghèo được tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; 2.800 người nghèo được học miễn phí các nghề nấu ăn, tin học, may thêu, mộc, khảm trai, mây tre đan, cơ khí; 100% hộ nghèo dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển sản xuất... Cấp thẻ BHYT cho 346.376 người nghèo, người cao tuổi, người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn.
Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, cùng sự quyết tâm của thành phố cùng các ban, ngành, đoàn thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,43% (năm 2009) xuống còn 6,09% (năm 2010). Kết quả này là tiền đề để Hà Nội mạnh dạn nâng mức chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 với quy định thu nhập từ 750.000 đồng trở xuống đối với khu vực thành thị, từ 550.000 đồng trở xuống đối với khu vực nông thôn. Với chuẩn nghèo mới này, tính đến tháng 1-2011, Hà Nội có 148.148 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,6%. Như vậy, so với chuẩn cũ, số hộ nghèo đã tăng lên.
Đề phòng tình trạng tái nghèo
Theo nhận định của các chuyên gia, so với tốc độ trượt giá thì chuẩn nghèo giai đoạn 2009-2013 không phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều hộ đã thoát nghèo so với chuẩn, nhưng lại rơi vào nhóm hộ cận nghèo. Nếu không được tiếp tục hỗ trợ một số mặt như học nghề, vay vốn ưu đãi, bảo hiểm y tế, nâng cao kiến thức, kỹ năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh... thì họ có nguy cơ lại rơi vào ngưỡng nghèo. So với chỉ tiêu thì thành phố đã giảm hộ nghèo đúng kế hoạch, nhưng hiệu quả thoát nghèo vẫn chưa thật sự bền vững... Chính vì vậy, trên cơ sở kết quả đã đạt được thành phố đã điều chỉnh mức chuẩn nghèo tăng lên gấp rưỡi. Nâng mức chuẩn nghèo cũng có nghĩa là thành phố chấp nhận từ bỏ những thành tích đã đạt được trong việc hạ thấp tỉ lệ hộ nghèo những năm qua, nhận lấy trách nhiệm nặng nề hơn trong việc giúp dân thoát nghèo. Những thách thức mới sẽ đến khi nhiều hộ bỗng chốc trở thành hộ nghèo, cần được giúp đỡ nhiều mặt, để vươn lên ngang mặt bằng chung. Điều này cho thấy, thành phố luôn dành sự quan tâm, chăm sóc tới người nghèo, bảo đảm tất cả người nghèo được tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội.
Quyết tâm của thành phố phấn đấu đến cuối năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2% và không còn xã nghèo. Như vậy mỗi năm thành phố phải giảm từ 1,5% đến 1,8% hộ nghèo. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và những giải pháp thiết thực nhất giúp hộ nghèo.
Quỹ Vì người nghèo TP Hà Nội có thêm 242 triệu đồng Hưởng ứng Ngày "Thế giới chống đói nghèo" 17-10-2011 và "Tháng cao điểm vì người nghèo" (17/10 - 18/11/2011), Ủy ban MTTQ, Ban vận động cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" thành phố Hà Nội đã có kế hoạch số 22/KH-BVĐ triển khai đợt cao điểm vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo năm 2011. Sau đợt I ủng hộ Quỹ Vì người nghèo với số tiền: 976.983.105 đồng; từ ngày 29-9-2011 đến 14-10-2011 có thêm 28 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ Vì người nghèo TP Hà Nội với số tiền 242.036.348 đồng. Trong đó, Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 38 Vì hòa bình đã ủng hộ quỹ 50 triệu đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.