Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực tối đa giải cứu nạn nhân

Vân Khanh| 14/03/2011 06:10

(HNM) - Chiều 13-3, các cơ quan chức năng của Nhật Bản cho biết đã có 1.351 người chết sau trận động đất và sóng thần, trong khi vẫn chưa thể xác định được số phận của hơn 20.000 người. Hiện chính quyền nhiều địa phương vẫn chưa liên lạc được với hàng chục nghìn người và có ít nhất 20.820 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại nghiêm trọng cho dù đã có 3.000 người được cứu sống sau trận động đất.

Hàng trăm nghìn người dân Nhật Bản trở thành vô gia cư sau thảm họa động đất và sóng thần.


Ngày 13-3, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản thông báo trong vòng 3 ngày tới, xác suất xảy ra dư chấn động đất mạnh 7 độ richte là 70% và từ ngày 16 đến 19-3 là 50%, có thể đi kèm với sóng thần và kêu gọi người dân đề cao cảnh giác, chuẩn bị đối phó. Nếu dự báo này xảy ra, thiệt hại về người và vật chất sẽ tăng mạnh do nhiều tòa nhà đã rạn lún sau các đợt động đất và dư chấn liên tục trong 3 ngày qua.

Công ty Điện lực Tokyo (Tepco), doanh nghiệp điều hành Nhà máy Fukushima số 1,  cảnh báo lò phản ứng số 3 tại Nhà máy Fukushima số 1 đang quá nóng và rất nhiều nước làm lạnh bị bốc hơi quá nhanh khiến các thanh nhiên liệu có thể bị phơi ra không khí và có nguy cơ xảy ra một vụ nổ. Các chuyên gia của Nhật Bản đang tiếp tục nỗ lực kiểm soát tình trạng nhiệt độ quá cao tại các lò phản ứng. Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yukio Edano, cảnh báo có thể xảy một vụ nổ bên ngoài lò phản ứng số 3, song chỉ có thể làm biến dạng lò phản ứng mà không gây ra các nguy cơ phóng xạ. Người dân đã được sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm. Nhật Bản cũng vừa ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhà máy điện hạt nhân thứ hai Onagawa.

Việt Nam sẽ lắp đặt 10 trạm cảnh báo sóng thần


UBND TP Đà Nẵng vừa thống nhất cho lắp đặt 10 trạm cảnh báo sóng thần tại các địa điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng cao khi có hiện tượng sóng thần thuộc các vùng ven biển như các phường Mân Thái, Phước Mỹ, bãi biển du lịch Đà Nẵng - thuộc quận Sơn Trà; các phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Minh và Đài Truyền thanh quận Liên Chiểu; phường Hòa Hải, Đài Truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn; phường Xuân Hà, quận Thanh Khê và Khu du lịch Furama. Khi có nguy cơ sóng thần, các trạm này sẽ thu phát tín hiệu qua sóng vô tuyến, ngay sau đó hệ thống còi sẽ báo động trước 30 phút để người dân và chính quyền địa phương có phương án phòng tránh. Ngay trong tháng 3 này sẽ tiến hành lắp đặt 2 trạm anten tại đường Hoàng Sa thuộc phường Mân Thái - quận Sơn Trà và tại Trung đoàn Thông tin 575, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Các điểm còn lại dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 7 năm nay.

Phát biểu trong phiên họp nội các, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan ngày 13-3 đã kêu gọi chính quyền các địa phương "nỗ lực tối đa" trong công tác cứu hộ sau thảm họa động đất gây sóng thần. Ông khẳng định chính phủ sẽ chạy đua với thời gian để cứu các nạn nhân, đồng thời nêu rõ ưu tiên hàng đầu lúc này của Tokyo là bảo đảm an toàn cho người dân. Chính phủ Nhật Bản sẽ sử dụng nguồn quỹ khẩn cấp trị giá 200 tỷ yên (khoảng 2,44 tỷ USD) để chi cho công tác cứu hộ.

Trong khi đó, công tác cứu hộ vẫn đang được khẩn trương triển khai tại Nhật Bản. Các đội cứu hộ của Mỹ và Trung Quốc ngày 13-3 đã tới các vùng chịu thiên tai, trong khi đã có hơn 70 nước và tổ chức quốc tế, trong đó Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP), cam kết hỗ trợ nước này trong khắc phục thiên tai. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết hơn 150 nhân viên cứu trợ thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ cùng lực lượng lính cứu hỏa nước sở tại đang triển khai hoạt động cứu hộ tại Ofunato, một thành phố ven biển bị tàn phá nặng nề tại tỉnh Iwate. Trong khi đó, tàu khu trục Ronald Reagan cũng đã tới bờ biển phía Đông bắc của Nhật Bản để hỗ trợ công tác cứu hộ. Đội cứu hộ của Trung Quốc gồm 15 người cũng đã tới Tokyo cùng 4 tấn trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm nạn nhân, cung cấp điện và dịch vụ viễn thông. Trước đó, máy bay chở các đội cứu hộ từ Đức và Thụy Sĩ gồm 65 người và 15 tấn hàng cùng chó nghiệp vụ đã hạ cánh xuống sân bay Narita và tới thị trấn Minamisanriku, nơi được cho là có khoảng 10.000 người đã mất tích (tương đương 50% dân số của thị trấn) sau thảm họa kinh hoàng này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo sẽ tăng gấp đôi số binh sỹ Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) lên 100.000 người để thực hiện tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân.


Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản Banri Kaieda, ngày 13-3 cho biết bắt đầu từ ngày 14-3, Công ty Điện lực Tokyo và Công ty Điện lực Tohoku sẽ phải tiến hành cắt điện luân phiên theo từng khu vực, trong đó có thủ đô Tokyo do tình trạng thiếu điện. Dự kiến biện pháp tiết kiệm điện năng này có thể phải kéo dài trong nhiều tuần lễ. Chính phủ Nhật Bản đã bổ nhiệm Quốc vụ khanh cải cách hành chính Renho phụ trách công tác chỉ đạo tiết kiệm điện trên toàn quốc. Nhật Bản cũng đã đề nghị Nga cung cấp thêm năng lượng cho nước này. Thủ tướng Nga Vladimir Putin khẳng định Mátxcơva sẽ làm hết sức mình giúp Tokyo trong thời điểm khó khăn này. Hiện Tập đoàn Năng lượng Gazprom đang cân nhắc khả năng cử hai tàu chở dầu có tải trọng 100.000 tấn tới Nhật Bản. Nga cho biết sẵn sàng tăng lượng than đá (từ 3 tấn đến 4 tấn) cung cấp cho Nhật Bản.

Các lực lượng cứu hỏa dập lửa tại nhà máy lọc dầu ở Ichihara, phía đông Nhật Bản.


* Trong cuộc họp khẩn cấp thảo luận về tình hình người Việt Nam sau thảm họa động đất và sóng thần kinh hoàng vừa qua ở Nhật Bản cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn cho công dân nước ta sáng 13-3, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình xác nhận chưa có thông báo nào về trường hợp người Việt thương vong trong các thảm họa trên. Hội Thanh niên - sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) có kế hoạch cử một nhóm liên lạc tình nguyện tới thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, để tìm hiểu tình hình của sinh viên Việt Nam tại tỉnh Đông bắc này và các tỉnh lân cận. VYSA kêu gọi thân nhân của các sinh viên đang theo học ở các trường đại học tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần của Nhật Bản cung cấp thông tin về những sinh viên này qua website: www.vysajp.org. Trên cơ sở đó, VYSA sẽ tìm cách liên lạc với họ. Theo tin mới nhất, 6 tu nghiệp sinh Việt Nam đang làm việc tại Nhà máy Thép YB-Techno ở tỉnh Ibaraki vẫn an toàn.

* Ngày 13-3, Chính phủ Việt Nam đã quyết định trợ giúp nhân dân Nhật Bản 200.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả do trận động đất và sóng thần gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực tối đa giải cứu nạn nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.