Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến đối với phương án đầu tư mở rộng đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc Dự án đường bộ cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất phạm vi đầu tư do Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề xuất là từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ Km4+000 đến Km25+920).
Bộ Giao thông Vận tải cũng thống nhất quy mô đầu tư do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và VEC đề xuất là đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 có quy mô 8 làn xe; đoạn từ Vành đai 3 đến đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có quy mô 10 làn xe, cầu Long Thành mới có quy mô như cầu hiện tại. Quy mô đầu tư theo đề xuất nêu trên là phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ được duyệt.
Về hình thức đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ phương án VEC huy động 100% vốn thực hiện đầu tư mở rộng và tổ chức vận hành khai thác, thu phí hoàn vốn đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành theo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, việc đề xuất sử dụng ngân sách để thực hiện giải phóng mặt bằng là chưa phù hợp với Luật Đầu tư (nhà đầu tư phải trả chi phí giải phóng mặt bằng).
Trường hợp sử dụng vốn ngân sách nhà nước để giải phóng mặt bằng thì dự án sẽ phải thực hiện thủ tục theo Luật Đầu tư công và sẽ gặp nhiều vướng mắc. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và VEC nghiên cứu sử dụng vốn VEC huy động để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ giao VEC thực hiện đầu tư mở rộng đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành dài 21,92km lên 8-10 làn xe.
Trong đó, hạng mục đầu tư xây dựng công trình sẽ do VEC (doanh nghiệp Nhà nước) huy động 100% vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng và tổ chức quản lý khai thác, thu phí hoàn vốn (thực hiện triển khai phương án đầu tư theo Luật Đầu tư).
Hạng mục giải phóng mặt bằng sẽ do ngân sách trung ương/ngân sách địa phương (thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai) thực hiện theo hình thức đầu tư công và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tách thành dự án độc lập, giao cho các địa phương thực hiện.
“Nếu mọi việc thuận lợi, Dự án đầu tư mở rộng đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư trước tháng 2-2025 để có thể thực hiện đầu tư từ tháng 3-2025 đến tháng 12-2027” - đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.