(HNM) - Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động có dấu hiệu “nhích” dần trong những tháng đầu năm nay, song, thay vì việc điều chỉnh tăng lãi suất, đại diện các ngân hàng đều khẳng định sẽ nỗ lực tiết kiệm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Mặt bằng lãi suất cho vay - huy động được các tổ chức tín dụng kỳ vọng tiếp tục duy trì không đổi hoặc chỉ tăng nhẹ 0,03-0,06%/năm trong quý II-2022 và 0,13-0,18% trong cả năm 2022, chủ yếu là dự kiến tăng lãi suất huy động. Huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,6% trong quý II và tăng 11,4% cả năm.
Trên thực tế, hầu hết các ngân hàng đều điều chỉnh tăng lãi suất huy động thời gian qua để thu hút vốn phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng những tháng đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng không có đột biến. Theo đó, đối với kỳ hạn 1-3 tháng, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GPBank) cùng có mức lãi suất cao nhất là 4%/năm; các ngân hàng khác dao động trong khoảng 3,05-3,9%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất là 6,25%/năm.
Kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là SCB với 7%/năm, thấp nhất là 5%/năm tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Đối với những kỳ hạn dài 18, 24 tháng, lãi suất cao nhất đã lên khoảng 7%/năm.
Rõ ràng lãi suất huy động tăng so với cùng thời điểm năm 2021 và cuối năm 2021 khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại về khả năng tăng lãi suất cho vay, gây bất lợi cho doanh nghiệp vì đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng đều tiếp tục đưa ra các gói cho vay hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo định hướng bền vững, hiệu quả. Đồng thời, cơ cấu nợ và miễn giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngay từ đầu năm ngân hàng cũng đã miễn giảm hầu hết tất cả các loại phí cho khách hàng.
Theo thống kê mới nhất, tính đến ngày 23-3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (1,62%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được quản lý chặt chẽ.
Để tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phục hồi, đại diện các doanh nghiệp cũng kiến nghị ngành ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay 2%-3%/năm cho tất cả các khoản vay đang phát sinh và các khoản vay mới. Xem xét bổ sung vốn lưu động đối với các mục đích bù đắp chi phí trích khấu hao tài sản cố định do nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng nên nới rộng tín dụng trong việc cho vay vốn lưu động để nhập nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào trong tình hình giá cả tăng cao.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất; tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, mục tiêu xuyên suốt và nhất quán của chính sách tiền tệ là phải bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bởi vậy, việc quy định các điều kiện cấp tín dụng là cần thiết để bảo đảm chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu phát sinh và cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng việc nới lỏng các điều kiện này...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.