(HNMCT) - Thời đại của công nghệ, thay vì tìm kiếm thông tin, tra cứu tài liệu, sử dụng các tài nguyên theo lối của các thư viện truyền thống, người đọc hiện nay có xu hướng khai thác thông tin qua các công cụ tìm kiếm trên internet. Đây là khó khăn mà các thư viện trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, đang phải đối mặt. Phát triển thư viện điện tử, hướng đến xây dựng thư viện số là xu hướng tất yếu để kéo bạn đọc đến với thiết chế văn hóa này, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện.
Không chỉ là kho sách
Những năm gần đây, hệ thống thư viện truyền thống đã phải nỗ lực thay đổi để “giữ chân” bạn đọc. Nếu trước đây, để làm một chiếc thẻ thư viện, nhất là ở những thư viện lớn, người đọc phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định, thì giờ đây chỉ cần một chiếc chứng minh nhân dân. Thủ tục làm thẻ, cho mượn sách đều đã đơn giản hóa, nhưng dưới sự tác động của internet với sự bùng nổ của các phương tiện nghe nhìn trong khi cuộc sống ngày càng bận rộn và áp lực, số lượng bạn đọc tìm đến với các thư viện truyền thống vẫn cứ giảm dần. “Níu” bạn đọc đến thư viện giờ đây không phải chỉ ở nguồn tài liệu quý, mà còn ở những hoạt động liên quan đến sách và văn hóa đọc. Không chỉ là “kho” lưu trữ sách, thư viện còn mở ra những hoạt động kết nối đa dạng như xây dựng những không gian đọc sáng tạo, sống động, thân thiện; tổ chức những chương trình hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; trưng bày triển lãm; giao lưu tác giả tác phẩm...
Song, những thay đổi tích cực này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc khi công nghệ 4.0 đang tràn vào mọi lĩnh vực của đời sống. Việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ đã làm thay đổi phương thức hoạt động của nhiều ngành, trong đó có ngành xuất bản, thư viện. Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, “xuất bản điện tử và sách điện tử, dù bằng cách này hay cách khác, đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày gắn với thời đại công nghệ kỹ thuật số và xu hướng hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực xuất bản thông qua môi trường internet trên phạm vi toàn cầu”. Do đó, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, các nhà xuất bản trên thế giới đều đẩy mạnh xuất bản điện tử, và mô hình thư viện điện tử, thư viện số phải là xu hướng tất yếu mà mọi thư viện truyền thống đều phải hướng tới nếu không muốn bị tụt hậu.
Những tiện ích thư viện điện tử có thể mang lại cho bạn đọc thực sự hấp dẫn. Chỉ với một thiết bị kết nối internet, cả một thư viện đã ở trong tầm tay người đọc. Không cần phải đến tận phòng đọc, độc giả có thể tiếp cận với các nguồn tài liệu ở bất cứ không gian, thời gian nào mà không lo bị thất lạc, bị hỏng. Đặc biệt đối với các tư liệu quý hiếm, tư liệu của nước ngoài, xưa nay bạn đọc ở xa hầu như không thể tiếp cận, thì với thư viện điện tử, thư viện số, điều này hoàn toàn khả thi. Bên cạnh đó, những tính năng mới như chèn hình ảnh, âm thanh, video clip, hay những link kết nối giữa các tài liệu có liên quan khiến việc cung cấp thông tin của thư viện điện tử, thư viện số càng trở nên phong phú, đa dạng.
Để bắt kịp xu thế
Nắm bắt xu hướng đọc, từ lâu các thư viện Việt Nam cũng đã từng bước cải tiến dần hướng tới thư viện điện tử, thư viện số hiện đại. Theo kết quả cuộc điều tra năm 2018 về thực trạng phát triển thư viện điện tử ở Việt Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, 98% trong số 106 thư viện (gồm Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện tỉnh/thành phố, 36 thư viện trường đại học, cao đẳng và 6 thư viện bộ) đã xây dựng và vận hành thư viện điện tử, hình thành vốn tài liệu điện tử, tài liệu số; trong đó, một số thư viện, trung tâm thông tin - thư viện đã xây dựng được vốn tài liệu điện tử, tài liệu số lớn như Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội...
Theo ông Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, xu thế sách điện tử thay thế sách in trong dạy và học đang hình thành. Việc sử dụng sách điện tử và các thư viện điện tử phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập có nhiều ưu điểm vượt trội so với việc sử dụng sách và mô hình thư viện truyền thống. Sách điện tử và thư viện điện tử sẽ trở thành thành tố quan trọng trong hoạt động đào tạo bậc đại học, do vậy các trường đại học cần quan tâm đầu tư xây dựng thư viện điện tử để bắt kịp xu thế và chiến lược giáo dục.
Tuy việc xây dựng thư viện điện tử ở nước ta đã bắt đầu phát triển, song dịch vụ thư viện điện tử còn khá hạn chế, hầu như mới dừng ở mức tra cứu, tìm đọc tài liệu. Nguồn tài liệu của thư viện điện tử đa phần mới chỉ nằm trong phạm vi số hóa nguồn lực sẵn có để đáp ứng nhu cầu lưu trữ, như các tài liệu nội sinh (tại các trường đại học, viện nghiên cứu), tài liệu địa chí của địa phương, tài liệu hết bản quyền...
Tại Thư viện Hà Nội, nguồn tài liệu điện tử có 1.370 tài liệu số hóa (tương đương 165.627 trang tài liệu) về địa chí Hà Nội và 1.017 bài báo, tạp chí viết về văn hóa và thể thao Hà Nội. Còn ở Thư viện Quốc gia Việt Nam, một trong những đơn vị thực hiện tốt nguồn lực số hóa, thì đa phần tài liệu số hóa là các kho sách cổ về chữ Hán Nôm, kho tư liệu lịch sử, văn hóa, địa lý và báo, tạp chí Đông Dương, ngoài ra là bộ sưu tập luận án tiến sĩ của người Việt Nam và viết về Việt Nam được bảo vệ trong hoặc ngoài nước, đồng thời có một số cơ sở dữ liệu trực tuyến được Thư viện Quốc gia mua quyền truy cập.
Để hình thành vốn tài liệu điện tử, các thư viện cũng đã bắt đầu thực hiện việc liên kết, sử dụng chung nguồn lực thông tin với các thư viện khác. Nếu trước đây, chỉ khoảng 37% các thư viện được khảo sát cho biết có tham gia liên kết chung này, thì tới đây, hệ thống các thư viện sẽ phải liên thông theo Luật Thư viện vừa chính thức được thông qua ngày 21-11-2019. Điểm mới này của Luật Thư viện được kỳ vọng sẽ là một trong những đòn bẩy giúp cho hệ thống thư viện điện tử, thư viện số của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc thời 4.0. Đây cũng chính là hướng đi tất yếu để thiết chế văn hóa này thực hiện tốt 4 chức năng, nhiệm vụ đã được luật định của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.