(HNM) - Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ mới vào công tác dạy và học. Mục tiêu của thành phố Hồ Chí Minh là từng bước tạo ra môi trường giáo dục thông minh cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học.
Nhiều mô hình đạt hiệu quả bước đầu
Được triển khai thử nghiệm từ năm 2018, mô hình quản lý “Trường học thông minh - an toàn - không dùng tiền mặt” do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh chủ trì đã mang lại kết quả tích cực. Đơn cử, Trường Trung học cơ sở Lý Thánh Tông (quận 8, thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những nơi đi đầu trong triển khai trường học không dùng tiền mặt. Đến nay, đã có 100% học sinh sử dụng thẻ thông minh để thanh toán trong trường học, phụ huynh đóng học phí hoàn toàn trực tuyến. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 Dương Văn Dân cho hay, qua 4 năm triển khai, các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt trong nhà trường được phụ huynh, giáo viên và học sinh đánh giá cao.
Từ năm học 2019-2020, Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) đầu tư phòng chiếu 3D (hình ảnh 3 chiều) với nhiều trang thiết bị hiện đại như màn hình tương tác, máy chiếu, kính 3D để hỗ trợ dạy các môn xã hội như lịch sử, địa lý... Qua từng năm học, nhà trường mở rộng mô hình này phục vụ dạy và học các môn toán hình học không gian, sinh học, hóa học... Em Nguyễn Thị Thu Thủy, học sinh lớp 11D3 Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn chia sẻ: "Phương thức học mới không chỉ mang lại hứng khởi mà còn phù hợp với xu thế khám phá công nghệ, tiếp cận thông tin theo cách thức mới đang được giới trẻ như chúng em quan tâm".
Với môn ngoại ngữ, trong 5 năm liên tục (từ năm 2018 đến 2022) thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về điểm trung bình môn tiếng Anh trong các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Có được kết quả này là nhờ thành phố đã triển khai ký kết với các tập đoàn lớn về dạy tiếng Anh… Điển hình, năm học 2019-2020, Tổ chức Giáo dục EMG Education (Anh) đã cùng ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh triển khai hệ thống học liệu trực tuyến LMS (Learning Management System). Hệ thống cho phép học sinh truy cập kho học liệu trực tuyến mọi lúc, mọi nơi với những tài liệu số được thiết kế riêng cho từng bậc học để các em có thể ôn tập nội dung đã học, tìm hiểu trước về bài giảng.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu thông tin, từ năm học 2021-2022, thành phố đã triển khai ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào học ngoại ngữ. Khi học sinh luyện tập phát âm từ vựng và cấu trúc câu tiếng Anh, hệ thống AI sẽ đánh giá và đưa ra những phản hồi chi tiết giúp người học điều chỉnh để nghe nói tiếng Anh một cách tự nhiên và chuẩn xác.
Chú trọng đào tạo nhân lực có chất lượng
PGS.TS Bùi Văn Hồng, Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh nhận định: "Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế là địa phương năng động, nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác phát triển công nghệ giáo dục mới, cả trong và ngoài nước. Để tiếp nhận và triển khai tốt công nghệ mới, yếu tố tiên quyết là phải có đội ngũ nhân lực đủ trình độ phát triển giáo dục thông minh".
Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, điều kiện quan trọng nhất để giáo dục thông minh triển khai thành công là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực phối hợp, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn các thầy, cô giáo sử dụng những phần mềm, thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại...
"Cán bộ quản lý phải thấy tầm quan trọng của công nghệ thông tin và truyền thông để mạnh dạn ứng dụng trong công tác quản lý, điều hành nhà trường. Từng giáo viên cũng phải nâng cao nhận thức, chủ động học tập, bồi dưỡng, tích cực sử dụng để các thành quả của công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ một cách đắc lực, hiệu quả cho hoạt động giảng dạy của thầy và học tập của trò", ông Nguyễn Văn Hiếu nói.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, từ tháng 9-2021, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 3249/QĐ-UBND về Phê duyệt đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời” giai đoạn 2021-2030. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý giáo dục, dạy học thông minh bằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, kết nối cơ sở giáo dục, điều hành hoạt động giáo dục với các giải pháp công nghệ thông tin thông qua Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh, hệ thống quản trị trường học, lớp học, cơ sở vật chất trường học thông minh, đồng bộ, kết nối và chia sẻ. Giai đoạn 2025-2030, thành phố triển khai xây dựng chương trình dạy học hiện đại với các nội dung giáo dục STEM, tự động hóa ứng dụng, các chương trình cơ bản về AI…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.