Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực tạo chuyển biến mạnh mẽ

Thành Tâm| 06/02/2014 07:14

(HNM) - Năm 2013, các đơn vị trong ngành kiểm sát nhân dân đã chọn những khâu công tác còn nhiều hạn chế, tập trung khắc phục, tạo chuyển biến tích cực.



Đó là các khâu: Trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; chất lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm không những ở lĩnh vực hình sự mà cả lĩnh vực dân sự; công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành...

Việc minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn sau 10 năm ngồi tù đã mang lại niềm tin cho nhân dân.


Qua công tác thi đua năm 2013, nhiều chỉ tiêu công việc của ngành kiểm sát đã được cải thiện như đánh giá của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: "Trách nhiệm công tố được đề cao, tiến độ giải quyết án được rút ngắn, hạn chế bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội; chất lượng, kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng lên; công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành đạt nhiều kết quả tích cực; tổ chức bộ máy tiếp tục được kiện toàn, công tác đào tạo cán bộ được quan tâm". Thông qua công tác điều tra, ngành đã ban hành 83 bản kiến nghị, yêu cầu các cơ quan hữu quan có biện pháp xử lý và phòng ngừa vi phạm, tội phạm (tăng 18,6% so với năm 2012). Trong đó đáng chú ý là việc Viện KSND Tối cao kháng nghị vụ án Nguyễn Thanh Chấn và sau đó đã kiểm sát điều tra, minh oan cho công dân ngay trước Tết Nguyên đán, sau 10 năm ngồi tù. Việc làm có phần muộn nhưng đã góp phần mang lại niềm tin của nhân dân.

Trong lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành KSND cũng đạt được nhiều kết quả tốt, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được chấp nhận cao. Viện KSND TP Hà Nội là một trong những đơn vị được đánh giá có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực này. Ngoài ra, ngành KSND đã ban hành hơn 2.200 kiến nghị, kháng nghị (tăng 22%) yêu cầu chính quyền cấp cơ sở khắc phục vi phạm trong hoạt động thi hành án hình sự, ban hành gần 1.800 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự khắc phục vi phạm (tăng 22%). Trên các lĩnh vực khác, nhiều chỉ tiêu thi đua đã đạt và vượt yêu cầu...

Tuy vậy, đánh giá lại công tác thi đua, khen thưởng của ngành, lãnh đạo Viện KSND Tối cao cho rằng vẫn còn khuyết điểm, tồn tại cần được rút kinh nghiệm để có biện pháp sửa chữa, khắc phục. Lãnh đạo Viện KSND Tối cao cho biết thêm, ngoài những yếu tố về nhận thức, thủ tục đăng ký thi đua thì nhiều đơn vị phát động thi đua còn nặng về hình thức, chưa chú trọng các chỉ tiêu, nội dung thi đua cho sát với chức trách, nhiệm vụ của tập thể và cá nhân... Công tác thi đua còn thụ động, thiếu tính sáng tạo...

Năm 2014, trong bối cảnh Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng, ngành KSND lại có đơn vị mới chuyên trách công tác này nên mục tiêu đặt ra là phải tạo bước đột phá mới, thực sự có ý nghĩa. Các chỉ tiêu thi đua gắn chặt với các nội dung, phần việc cụ thể về chuyên môn nghiệp vụ như việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm; làm tốt công tác xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; kiểm sát 100% án hình sự ngay từ khi khởi tố; truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự; truy tố bị can đúng tội đạt hơn 95%....

Trước mục tiêu "xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", những ngày đầu xuân mới, toàn ngành KSND đã và đang ra sức thi đua lập thành tích. Với việc chỉ rõ những hạn chế, đề ra biện pháp khắc phục, tin tưởng rằng công tác thi đua của ngành KSND sẽ đạt hiệu quả rõ rệt, góp phần tạo nên những thành tựu cụ thể trong công tác cải cách tư pháp nói chung, công tác kiểm sát nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực tạo chuyển biến mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.