(HNM) - Cùng với việc đầu tư công nghệ, tiến tới số hóa dịch vụ, đa số các ngân hàng thương mại, từ nhỏ đến lớn, đang nỗ lực triển khai kế hoạch tăng vốn trong năm 2022. Việc tăng vốn giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực đầu tư công nghệ để nâng cao năng lực quản trị, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo quy định, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19.
Trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn
Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dự kiến phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được nhận thêm 181 cổ phiếu mới). Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, lên 55.891 tỷ đồng. Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) mới đây công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, trong đó ngân hàng muốn dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại (9.624 tỷ đồng) chia cổ tức bằng cổ phiếu. Như vậy, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm khoảng 20%. Trước đó, vốn điều lệ của VietinBank đã được tăng từ 37.234 tỷ đồng lên 48.057 tỷ đồng trong năm 2021 nhờ chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) Lê Hữu Đức thông tin, MB cũng triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm 7.556 tỷ đồng thông qua phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 20%. Tới đây, MB dự kiến sẽ chào bán thêm 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ mới.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cho biết, ngân hàng dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Cũng dự kiến trình đại hội đồng cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022, Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) tính toán sẽ tăng vốn thêm 4,186 tỷ đồng, lên 17.885 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 30% là qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu.
Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 của Công ty cổ phần Chứng khoán MBS, ước tính có khoảng 75% hoạt động tăng vốn đến từ chia tách cổ phiếu, 22% thông qua hoạt động phát hành riêng lẻ và phát hành quyền chọn mua cổ phiếu, và khoảng 3% đến từ phát hành cổ phiếu cho người lao động.
Thêm nguồn lực cho ngân hàng và nền kinh tế
Các chuyên gia kinh tế - ngân hàng cho rằng, việc tăng vốn dồn dập sẽ giúp các ngân hàng thương mại củng cố tài chính, nhằm đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các chỉ số an toàn vốn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vốn điều lệ dày dặn sẽ là một trong những yếu tố giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.
Triển vọng tăng vốn của các ngân hàng năm 2022 phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hoạt động kinh doanh, tác động từ các chương trình hỗ trợ kinh tế, việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư ngoại… Năm 2021 ghi nhận việc tăng vốn mạnh mẽ của các ngân hàng, với mức vốn điều lệ tăng thêm hơn 110.000 tỷ đồng. Thứ hạng của nhiều ngân hàng trong bảng xếp hạng về vốn điều lệ đã xáo trộn tương đối mạnh. Dự báo, thứ hạng này tiếp tục có biến động trong năm 2022 khi nhiều ngân hàng đang triển khai kế hoạch tăng vốn.
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch, cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng trong năm 2022 có thể diễn ra mạnh mẽ hơn năm 2021. Tốc độ tăng trưởng tín dụng gia tăng thì tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu cũng phải tương ứng để giúp các ngân hàng có bộ đệm lớn hơn, vừa duy trì đà tăng trưởng hiện tại, vừa đáp ứng biên độ an toàn vốn ở giai đoạn tới.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) Phạm Đức Ấn cho rằng, tăng vốn giúp ngân hàng có thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục. Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Phan Đức Tú nêu, tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng những chỉ số an toàn. Mặt khác, thực hiện chương trình phục hồi kinh tế đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.
Theo Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, OCB sẽ dùng phần lớn nguồn vốn tăng thêm để kinh doanh (hơn 3.200 tỷ đồng) và đầu tư công nghệ, nâng cấp tài sản cố định,… Việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định. Lãnh đạo VietinBank, Vietcombank cũng khẳng định, vốn điều lệ tăng giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, tiếp tục mở rộng kinh doanh thông qua tăng giới hạn cấp tín dụng, giới hạn đầu tư, từ đó tăng cường khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là những doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, dư nợ tín dụng nền kinh tế hiện ở mức 10,1 triệu tỷ đồng, trong đó tổng lượng vốn tự có của tổ chức tín dụng là hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Nếu tăng 1 đồng vốn cho tổ chức tín dụng thì có thể tăng 8 lần dư nợ cho nền kinh tế. Thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Ngân hàng Agribank…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.