(HNM) - Từ lúc chỉ có 6 triệu hộ ở nông thôn được sử dụng điện và các dịch vụ điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trực tiếp cung cấp với giá quy định của Nhà nước, hiện con số này đã lên đến gần 17 triệu hộ; hơn 90% số xã trên cả nước đạt tiêu chí về điện nông thôn... Đó là những dấu ấn nổi bật mà EVN nỗ lực đạt được sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, tháng 11-1997 là dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề cho việc phát triển lưới điện hạ áp nông thôn của Việt Nam. Khi đó, Nghị quyết kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa X đã giao ngành Điện xây dựng quy chế trực tiếp quản lý lưới điện nông thôn, tính lại giá bán điện hợp lý, trước mắt công bố giá trần áp dụng đối với khu vực nông thôn. Nghị quyết cũng giao ngành Điện cùng các bộ hữu quan lập phương án trình Chính phủ quyết định việc đầu tư xây dựng các công trình điện nông thôn theo tinh thần "Nhà nước và nhân dân cùng làm".
Thực tế cho thấy, việc phát triển lưới điện nông thôn ở thời điểm những năm 1997 gặp nhiều khó khăn. Khi đó điện lưới quốc gia mới được cung cấp đến 426 huyện (đạt tỷ lệ 90,6%); 5.698 xã (đạt tỷ lệ 63,2%) và 6.031.000 hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia. Theo ông Võ Quang Lâm, trong 10 năm triển khai tiêu chí số 4 về xây dựng nông thôn mới, khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện nông thôn do địa bàn rộng lớn, nhiều khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, có những nơi chưa có đường giao thông... Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình lưới điện mới ngày càng khó khăn, đặc biệt là lưới truyền tải điện 110/220kV…
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn ngành, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đến nay EVN đã thu được những kết quả ấn tượng. Cụ thể, đến năm 2010, cả nước có 100% số huyện có điện, năm 2018 có 100% xã có điện và đến năm 2019 có 99,47% hộ dân có điện; trong đó có 99,18% hộ dân nông thôn có điện. Mức độ phủ điện của Việt Nam đã cao hơn một số nước trong khu vực như Philippines 93%, Indonesia 98,1%, Ấn Độ 92,6% và Lào 93,6%.
Để có được thành quả này, ngành Điện đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ để cải tạo và đầu tư xây dựng mới lưới điện nông thôn. Tổng số vốn đầu tư cho hạ tầng lưới điện nông thôn đã lên tới hơn 120.000 tỷ đồng, riêng nguồn vốn vay ODA hơn 78.300 tỷ đồng. Đánh giá về kết quả này, khi tổng kết 15 năm điện khí hóa nông thôn và vận động nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để thực hiện Chương trình Điện khí hóa nông thôn, bà Victoria Kwakwa, nguyên Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã thành công rất ấn tượng trong lĩnh vực điện khí hóa nông thôn và trở thành mô hình mà WB muốn nhân rộng ở nhiều nước.
Còn ông Tần Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) hồ hởi thông tin, cuối năm 2007, điện đã về với các thôn, bản của xã Phìn Ngan, ước mong có điện từ bao đời nay của bà con đã trở thành hiện thực. Từ khi có điện lưới quốc gia, đời sống của hơn 600 hộ dân sinh sống với hơn 2.500 nhân khẩu là người dân tộc Dao đã từng bước được cải thiện. Điện về, không chỉ mang theo ánh sáng văn hóa, mà còn giúp người dân có thể thay đổi tập quán sản xuất...
Có thể nói, việc cải thiện lưới điện hạ áp nông thôn của Việt Nam đã đóng góp rất lớn cho việc phát triển kinh tế các địa phương. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét, cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 để thực hiện được mục tiêu của Chương trình “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2013-2020”. EVN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành làm việc với các tổ chức quốc tế tìm nguồn vốn ưu đãi và có chính sách của Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho EVN để thực hiện các dự án đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn, đáp ứng được mục tiêu của chương trình đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.