Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực, năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 và cả nhiệm kỳ

Hà Phong - TTXVN| 30/12/2019 09:04

(HNMO) - Sáng 30-12, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương đã khai mạc. Hội nghị diễn ra trong 1,5 ngày và sử dụng hệ thống e-Cabinet, đánh giá, tổng kết lại một năm đã qua và quan trọng hơn, đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển mà Quốc hội giao.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dự hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó Thủ tướng Chính phủ; các bộ trưởng, trưởng ngành; bí thư các tỉnh, thành ủy và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại điểm cầu Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố: Nguyễn Thế Hùng, Ngô Văn Quý, Nguyễn Doãn Toản, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành dự hội nghị.

Trong chương trình làm việc, hội nghị nghe và thảo luận 12 nội dung, gồm: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ; Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2019; Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 (Nghị quyết số 01/NQ-CP); Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 (Nghị quyết số 02/NQ-CP)…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với chủ đề "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, năm 2019 là năm đầy thử thách đối với Chính phủ để đạt kết quả cao hơn năm 2018. Đến nay, theo các số liệu mới nhất, năm 2019, nước ta thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Việt Nam duy trì được tăng trưởng nhanh, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát dưới 3%, tỷ giá ổn định, nợ công giảm còn 56% GDP, thu ngân sách vượt 8% chỉ tiêu Quốc hội giao. Tốc độ tăng năng suất lao động cũng cao hơn nhiều nước trong khu vực. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 3 bậc trong ASEAN.

“Đây là những con số mà gần như 10 năm trước, chúng ta không thể tưởng tượng được”, Thủ tướng Chính phủ nói.

Tiếp đó, trình bày báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, thời gian qua, với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", Chính phủ tập trung vào 4 trọng tâm điều hành, 8 nhóm giải pháp, 186 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; 5 nhóm giải pháp, 64 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh.

Chính phủ cũng nhận diện rõ các điểm nghẽn, những vướng mắc, bất cập của chính sách từng ngành, từng lĩnh vực, tiếp tục cải cách, đổi mới, khai thông, giải phóng tối đa, huy động mọi nguồn lực mang đến động lực tăng trưởng mới và tạo thêm dư địa cho phát triển. Xử lý những vấn đề trọng tâm, lâu dài gắn với giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, dư luận xã hội quan tâm. Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin - cho, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo; thực hiện nền hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, minh bạch, dân chủ, hiện đại, liêm chính, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ coi hoàn thiện pháp luật là ưu tiên hàng đầu, là nền tảng quan trọng, để từ đó đặt ra quan điểm xây dựng chính sách bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch. Cụ thể, Chính phủ tổ chức hai phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật; chỉ đạo rà soát sự chồng chéo của các quy định để tiến hành sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi theo tinh thần một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định, ban hành văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ; ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Ảnh: VGP/Hải Minh

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, năm 2019, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, tháo gỡ thực chất hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt bỏ kiểm tra chồng chéo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Lãnh đạo Chính phủ và các thành viên Chính phủ trả lời, tham gia giải trình chất vấn của đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, cầu thị. Chính phủ cũng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả, thiết thực công tác phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao.

Trình bày dự thảo Nghị quyết số 01-NQ/CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ xác định phương châm hành động là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả" với 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành.

Nhiệm vụ đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi.

Hai là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.

Ba là phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bốn là thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Năm là củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Sáu là chủ động thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, lan tỏa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Để thực hiện quyết liệt nhiệm vụ đề ra, trong chương trình làm việc, các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương sẽ tập trung thảo luận chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.

Tập trung ưu tiên triển khai thực hiện thật tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm

Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ rõ, năm 2019 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, tốt hơn năm 2018.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích và những nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn đó.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những thành tích, kết quả đã đạt được. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, cần đặc biệt chú ý 4 bài học kinh nghiệm quý.

Đó là kế thừa và phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới và những kết quả toàn diện đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, tạo chuyển biến tích cực trong việc phát huy đầy đủ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết kịp thời, đúng đắn, sát hợp và có hiệu quả các vấn đề cuộc sống đặt ra, nhất là các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, bức xúc xã hội; tranh thủ sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên, góp ý kịp thời của cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí... tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Cùng với đó là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành lực lượng nòng cốt để nâng cao năng lực nội sinh, tính tự chủ của nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tinh thần chung là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019, trong đó tập trung ưu tiên triển khai thực hiện thật tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Về phát triển kinh tế, tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Về phát triển văn hóa - xã hội, quan tâm hơn nữa và có những chính sách, biện pháp cụ thể, thiết thực và phù hợp hơn nữa đối với việc phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng con người hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng; xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tích cực triển khai các nghị quyết Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, dân số, phát triển thể dục, thể thao...

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao; chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn quan hệ với các đối tác; đẩy mạnh đối ngoại đa phương. Chủ động, tích cực chuẩn bị triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết, tranh thủ tối đa lợi ích mà các hiệp định này có thể đem lại; đồng thời hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.

Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu "đúng vai, thuộc bài". Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần tiếp tục rà soát, xác định rõ và làm đúng, hoàn thành tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước do Hiến định, không trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, không đi quá sâu vào các vấn đề kinh tế - kỹ thuật cụ thể...

Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền các cấp cần chú trọng hơn nữa đến cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức, cán bộ, đổi mới phương pháp và lề lối làm việc; xem xét xử lý căn cơ, bài bản, dứt điểm, có trọng tâm, trọng điểm các vấn đề kinh tế - xã hội nổi cộm, tránh phô trương, hình thức, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, lôi kéo, ôm đồm quyền lực, "lợi ích nhóm"... Các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, tăng cường sự phối hợp trong việc xây dựng, hoàn thiện và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, bảo đảm tính sát hợp, thống nhất, đồng bộ, khả thi cao. 

Về việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, trong năm 2020, các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị cần khẩn trương, nghiêm túc quán triệt Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp. Thông qua đại hội đảng bộ các cấp, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; củng cố, tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của nhân dân đối với Đảng...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn, Chính phủ và chính quyền các địa phương cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và cả nhiệm kỳ khóa XII. “Năm 2020 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2019”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng:
Ban hành văn bản phải song hành với cắt giảm chi phí hành chính

Thời gian qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã thay đổi mạnh mẽ, toàn diện. Nhiều bộ đã phân định tập trung một đầu mối kiểm tra chuyên ngành, giảm chồng chéo, phiền hà cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, 95/95 cơ quan nhà nước đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử, trong đó, 64/94 bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 3 cấp chính quyền. Sau gần 9 tháng vận hành, đã có hơn 1 triệu văn bản được gửi, nhận trên Trục liên thông quốc gia. Tính toán sơ bộ, việc này đã giúp tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm.

Nhưng qua kiểm tra, vẫn còn địa phương chưa quan tâm xử lý hồ sơ từ cổng; có địa phương không chấp nhận văn bản ký số điện tử mà vẫn yêu cầu bản giấy; xảy ra một số lỗi kỹ thuật do quá trình kết nối, tích hợp. Ngoài ra, còn 1.501 mặt hàng cần xử lý theo hướng tập trung đầu mối kiểm tra. Tôi kiến nghị các bộ, ngành xây dựng kế hoạch cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giai đoạn 2020-2025 theo hướng thực chất. Năm 2020, bảo đảm nguyên tắc khi ban hành mới 1 văn bản thì phải bãi bỏ tối thiểu 1 văn bản và cắt giảm gánh nặng chi phí hành chính.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng:
Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn

Riêng năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 20 tỷ USD, tức là đưa ra nền kinh tế xấp xỉ 500 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn chủ động điều tiết trung hòa bảo đảm không gây tác động lên lạm phát. Về dự trữ ngoại hối của Việt Nam, hiện đạt gần 80 tỷ USD. Nhờ đó, đã giúp khơi thông nguồn lực ngoại tệ, để có nguồn dự trữ ngoại hối đối phó với các cú sốc từ bên ngoài.

Để góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2020, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tôi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong chỉ đạo để đạt mục tiêu lạm phát, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá. Còn về phần mình, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ quyết liệt cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, tiến độ chung bảo đảm đúng lộ trình theo chỉ đạo của Thủ tướng; chủ động phối hợp với các ngành hàng, hiệp hội, địa phương điều tiết thị trường, thanh khoản, điều chỉnh các mặt bằng lãi suất, lãi suất điều hành phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng:
Chuyển đổi rõ nét hơn mô hình tăng trưởng

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn vừa qua đã diễn ra mạnh mẽ, mô hình tăng trưởng bước đầu có chuyển biến tích cực. Đến nay, trong 67 mục tiêu đặt ra đến năm 2020, có 27 mục tiêu hoàn thành (chiếm 40,3%), 23 mục tiêu có khả năng hoàn thành (chiếm 35,8%) và 17 mục tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành (chiếm 23,9%).

Trên cơ sở tình hình thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, năm 2020, hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải được xác định là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, tiến hành tổng kết việc thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế cho giai đoạn 2016-2020 và đề ra giải pháp cho giai đoạn tiếp theo để kịp thời tận dụng các thời cơ, tạo tiền đề chuyển đổi rõ nét hơn mô hình tăng trưởng, đưa đất nước lên nấc thang phát triển mới. Đối với các mục tiêu không có khả năng hoàn thành, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động báo cáo và đề xuất với Chính phủ để có biện pháp tháo gỡ, điều chỉnh kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực, năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 và cả nhiệm kỳ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.