(HNM) - Làm tắc nghẽn cống rãnh, thoái hóa tài nguyên đất đai, hạn chế khả năng phát triển của cây trồng, đe dọa sức khỏe con người, làm xấu cảnh quan... là những tác hại mà túi ni lông gây ra.
Phát miễn phí túi thân thiện với môi trường tại Bến xe Mỹ Đình. |
Xét về khối lượng, ni lông chiếm tỷ lệ nhỏ trong thành phần rác thải sinh hoạt. Nhưng đây lại là nguồn gây tác hại rất lớn đối với môi trường, làm xấu cảnh quan phố phường, làng xóm. Chỉ cần 1kg túi rác ni lông thải ra môi trường phải mất tới hàng trăm năm để tự phân hủy nên nếu không được thu gom có thể làm tắc nghẽn cống rãnh thoát nước, mương máng tưới tiêu, gây ngập úng khu dân cư, đồng ruộng. Còn nếu xử lý không đúng kỹ thuật, bị đốt bừa bãi… khí thải ni lông chứa hàng loạt chất gây ung thư, đe dọa sức khỏe con người và môi trường. Nếu bị lẫn vào trong đất, ni lông ngăn cản khả năng phát triển bộ dễ của cây trồng… Tuy nhiên, do giá thành thấp, tính tiện dụng, nhận thức tác hại hạn chế nên túi ni lông vẫn đang là sản phẩm quen thuộc trong sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Thực hiện Quyết định số 582/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường giao Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội xây dựng chương trình “Hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường”. Nội dung của chương trình tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về tác hại của túi ni lông đối với sức khỏe và môi trường; phát miễn phí túi đựng làm bằng chất liệu thân thiện môi trường… Địa bàn chương trình triển khai là từ nông thôn đến thành thị, từ các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đến các hộ gia đình của Thủ đô.
Từ năm 2009 đến nay, Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội đã xây dựng nhiều mô hình tuyên truyền hiệu quả, như “Ngày chủ nhật không túi ni lông”, “Phụ nữ Thủ đô hạn chế sử dụng túi ni lông”, “Sử dụng túi thân thiện môi trường”, “Hãy mang tôi đi khi vào siêu thị”... Nhờ đó, nhiều tổ dân phố, khu dân cư đã phát động phong trào sử dụng túi vải, túi giấy, túi thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông với tinh thần tự nguyện cao. Các siêu thị và trung tâm thương mại đã mạnh dạn hạch toán phần kinh phí túi thân thiện với môi trường vào giá thành sản phẩm.
Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong tổng số 5.000 người được hỏi vẫn còn khoảng 200 người không biết về tác hại của túi ni lông, 100% người được hỏi vẫn sử dụng túi ni lông hằng ngày. Kết quả trên cho thấy những hạn chế của chương trình mà nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí hạn hẹp nên công tác tuyên truyền chưa sâu rộng. Bên cạnh đó là ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất túi thân thiện môi trường do giá thành cao, hiệu quả thấp. Hơn nữa, Nhà nước chưa có chế tài đủ mạnh đối với các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông.
Để khắc phục hạn chế trên, nâng cao hiệu quả chương trình “Hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường”, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất TP Hà Nội tiếp tục mở rộng tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của túi ni lông đối với môi trường; tài trợ, hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác nghiên cứu sản xuất túi thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông; đề xuất chính sách, chế tài xử lý đối với việc sản xuất và tiêu dùng túi ni lông.
Nhằm hoàn thiện kế hoạch kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Cục Thuế và Chi cục Quản lý thị trường thực hiện giám sát chặt chẽ việc thu nộp thuế bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất túi ni lông khó phân hủy. Sở Công Thương hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn kiểm soát, giảm sản xuất và sử dụng các loại túi ni lông khó phân hủy; đẩy mạnh việc hỗ trợ, khuyến khích việc sản xuất, sử dụng túi thân thiện với môi trường đã được cấp giấy chứng nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.