(HNNN) - 67 năm trước, cầu Long Biên chứng kiến bước chân của những người lính Pháp cuối cùng rời Hà Nội. Thủ đô bước sang một trang mới trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Cùng thời điểm đó, trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng một “Thủ đô bình yên, tươi đẹp”, bởi “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”. Nhìn lại chặng đường gần 7 thập kỷ kiến tạo không ngừng, chúng ta có quyền tự hào bởi Thủ đô Hà Nội đã mang tầm vóc “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” mà vẫn vẹn nguyên bản sắc nghìn năm văn hiến.
Vươn mình phát triển
Trước mốc lịch sử 10-10-1954, thành phố chỉ có cầu Long Biên - cây cầu duy nhất được thực dân Pháp xây dựng trong suốt gần 80 năm chiếm đóng Hà Nội. Sau 67 năm, chỉ tính riêng cầu bắc qua sông Hồng, Hà Nội đã có tổng cộng 8 cây cầu. Trước ngày giải phóng, diện tích thành phố chỉ có 152,2km2, giờ đây con số đó đã gấp 22 lần. Nhà hát Lớn - công trình lớn nhất mà người Pháp xây dựng ở Hà Nội cao 34m tính đến đỉnh mái. Còn bây giờ, tòa tháp Keangnam Hanoi Landmark Tower có chiều cao lên đến 329m, với 72 tầng đang là tòa nhà cao nhất Thủ đô tính đến thời điểm hiện tại... Chỉ một vài ví dụ đã có thể nói thay rất nhiều điều về những thành tựu kiến tạo, phát triển vượt bậc ở nơi “kinh sư muôn đời” của đất nước, trong một chặng đường gần 7 thập kỷ qua.
Cho dù 67 năm chỉ là một quãng ngắn so với tuổi đời hơn một thiên niên kỷ của Thăng Long - Hà Nội, nhưng chặng đường chúng ta vừa đi qua rất đáng để tự hào. Tự hào bởi hơn một nửa quãng thời gian ấy là chiến tranh và cấm vận. Điều đó thể hiện nghị lực, khí phách vượt gian khó mà Hà Nội là tấm gương, là hình tượng tiêu biểu để “Cả nước nhìn về Thủ đô ta”. Trong những năm tháng đầy gian khó ấy, Hà Nội đã biến bãi rác thời thuộc địa trở thành Công viên Thống Nhất - công viên lớn nhất ở Thủ đô lúc bấy giờ. Hà Nội đã xây dựng 1.579 nhà chung cư, phần lớn tập trung tại 76 khu tập thể. Đó là những con số không hề nhỏ trong bối cảnh bấy giờ. Và mặc dù mô hình nhà chung cư, khu tập thể có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng chỉ ở Hà Nội mô hình định cư ấy mới được vận dụng, phát triển một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo nhất...
Thủ đô Hà Nội ngày nay đã phát triển hiện đại hơn rất nhiều. Nhưng những dấu ấn của ký ức đô thị vẫn được Hà Nội trân quý, gắng sức bảo tồn và phát huy giá trị. Điều này trái ngược hẳn với việc thực dân Pháp đã làm khi đặt chân lên Hà Nội. Thành Thăng Long và nhiều di sản vô giá bị phá bỏ, để rồi chính họ sau này còn phải hối tiếc, khi Hoàng thành Thăng Long được phát lộ rồi trở thành Di sản thế giới. Khu phố cổ Hà Nội được phát huy giá trị trong phát triển du lịch bằng cội nguồn văn hóa sâu đậm. Những công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật xây dựng trước năm 1954 được coi như sự giao thoa văn hóa Đông - Tây trên mảnh đất thanh lịch, hào hoa. Đó chính là cốt cách, là lương tri và phẩm giá của người Hà Nội trên bình diện kiến trúc đô thị. Đó cũng là những sáng tạo của Thủ đô Anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh.
Kỳ vọng vào tương lai
Thủ đô đang phát triển dựa trên những nền tảng được bồi đắp vững chắc qua những thử thách lịch sử. Những khó khăn, thách thức và cả những bất cập tồn tại không hề nhỏ. Nhưng một thành phố sáng tạo để phát triển, khắc phục những hạn chế đang dần định hình. Mô hình đô thị xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đã lan tỏa từ Vinhome Riverside Long Biên sang Gia Lâm với Ocean Park, qua Gamuda Hoàng Mai... Xu hướng đô thị thông minh dựa trên bốn trụ cột - an ninh thông minh, vận hành thông minh, cộng đồng thông minh và ngôi nhà thông minh - cũng đang hình thành ở Nam Từ Liêm. Mô hình này đang được hưởng ứng bởi một dự án quy mô lớn dọc theo tuyến đường Võ Nguyên Giáp, tạo thành động lực phát triển mới cho thành phố Bắc sông Hồng.
Động lực phát triển Thủ đô đang đặt vào những dự án hạ tầng. Hạ tầng luôn phải đi trước là nguyên lý tất yếu trong quá trình phát triển. Tuy nhiên đây cũng là việc Hà Nội chưa làm thật tốt trong giai đoạn vừa qua. Hai tuyến đường sắt nội đô đang mang kỳ vọng cho sự phát triển của 6 tuyến mới nhằm tạo nên một mạng lưới giao thông công cộng xương sống cho đô thị trung tâm. Dự án vành đai 4, theo mô hình hợp tác vùng - mô hình hoàn toàn mới, mang kỳ vọng kết nối với các tỉnh lân cận. Thể hiện tinh thần Hà Nội vì sự phát triển của vùng Thủ đô, đồng thời thông qua dự án này tính chất hạt nhân vùng của Hà Nội trở nên rõ rệt, tạo nên xung lực phát triển mới cho các vùng ven đầy tiềm năng của đô thị trung tâm.
Cùng với những tuyến đường, những nhịp cầu mới hiện đại sẽ được hình thành để “nối những bờ vui”. 10 cây cầu tương lai được xây dựng dọc theo hành lang sông Hồng cùng với những cây cầu hiện hữu tạo nên những điểm nhấn mới cho Thủ đô. Kiến trúc mỗi cây cầu đều biểu hiện khách quan và phản chiếu cho thời đại chúng ra đời. Việc thành phố tiến hành thi tuyển quốc tế phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo tới đây có lẽ là việc làm cần thiết. Bởi đây không chỉ là công trình vĩnh cữu đi vào tương lai với tư cách ghi dấu ấn đương đại. Đây là một cây cầu ở vị trí đặc biệt quan trọng về mặt không gian kiến trúc. Không phải ai cũng biết rằng tuyến đường Trần Hưng Đạo là trục giao thông được xây dựng mới đầu tiên khi Hà Nội chuyển mình từ mô hình đô thị phong kiến sang đô thị hiện đại vào cuối thế kỷ XIX. Tuyến đường không chỉ kết nối ga Hà Nội với sông Hồng, mà còn là tiền đề để mô hình cấu trúc không gian đô thị mang phong cách nghệ thuật phương Tây xuất hiện và đem lại một giá trị đặc biệt cho Thủ đô ngày nay. Cầu Trần Hưng Đạo sẽ là sự tiếp nối của không gian có lịch sử hơn 1 thế kỷ với khu đô thị mới phía Bắc sông Hồng nằm trên địa bàn quận Long Biên. Những bàn luận về chuyên môn kiến trúc, mỹ học gắn với tên cây cầu gần đây cũng cho thấy ý nghĩa có một không hai của cây cầu đối với Thủ đô Hà Nội.
Rất nhiều người kỳ vọng về một cây cầu vừa mang dáng vẻ hiện đại biểu tượng cho tinh thần đổi mới, sáng tạo của Thủ đô, vừa khỏe khoắn, hiên ngang thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường của người anh hùng dân tộc năm xưa. Và chúng ta cùng kỳ vọng vào những sáng tạo của kiến trúc, quy hoạch thành phố để “Thế giới trông vào Thủ đô ta”, để Hà Nội ngày càng tươi đẹp, yên bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.