(HNM) - Ở hoàn cảnh bình thường, Tây Nam Bộ đủ khả năng cung ứng nông sản cho toàn miền Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả 19 tỉnh, thành phố phía Nam đều phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuỗi cung ứng nhiều lúc bị gián đoạn. Trước thực trạng trên, các địa phương và các bộ, ngành đã nỗ lực khơi thông nguồn cung nông sản cho khu vực phía Nam.
Trong khi người dân thành phố Hồ Chí Minh phải mua rau xanh với giá cao, số lượng không nhiều thì trái lại, ở vùng sản xuất, người nông dân lại không tiêu thụ được nông sản. Ông Đoàn Trường Duy, ngụ tại ấp Kênh Văn Phòng, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Vĩnh Long cho biết, mướp ông trồng thường được thương lái ở tỉnh Tiền Giang đến thu mua ngay tại ruộng. Nay, khi nhiều địa phương siết chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông phải trung chuyển bằng xuồng ra đến xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để giao cho thương lái. Nhưng thương lái chỉ mua được khoảng 100kg/ngày, giá cũng chỉ còn 3.000 đồng/kg.
Còn ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng thông tin, giữa tháng 8 và tháng 9 tới, địa phương sẽ vào đợt cao điểm thu hoạch lúa hè thu với diện tích 141.000ha, sản lượng dự kiến khoảng 800.000 tấn. Tuy nhiên, công việc thu mua gặp nhiều khó khăn, vì thương lái các tỉnh khó có thể đi qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 của các địa phương để vào vùng thu mua.
Tại tỉnh Hậu Giang, chủ máy gặt đập liên hợp, tài xế, nhân công thu gom nông sản khi đi vào một số vùng thu hoạch của địa phương phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong 72 giờ. Trong khi đó, việc thu hoạch nông sản, nhất là thu hoạch lúa, thường kéo dài cả nửa tháng mới xong một cánh đồng. Việc mất nhiều chi phí làm xét nghiệm gây tốn kém khiến người dân cũng ngại vào vùng sản xuất.
Theo đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), sản lượng gạo, trái cây, rau củ ở các tỉnh phía Nam trong tháng 8 và 9-2021 là khá dồi dào. Với sản lượng nông sản được dự báo có nguồn cung khá lớn trong 2 tháng tới, đồng nghĩa nhu cầu cho thu hoạch, tiêu thụ cũng sẽ rất lớn. Vì thế, rất cần sớm có phương án chung để khơi thông nguồn cung ứng nông sản cho vùng giãn cách và giúp bà con trong vùng sản xuất tiêu thụ được sản phẩm.
Để giải quyết vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng Trần Tấn Phương đề xuất, xuồng thu mua nông sản của thương lái cũng cần có cơ chế lưu thông luồng xanh trên đường thủy. “Nếu chủ xuồng, người điều khiển có giấy giới thiệu của Sở NN&PTNT thì các chốt kiểm soát cho xuồng đi qua các tỉnh để thông thương hàng hóa”, ông Phương nói.
Còn ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An đề xuất, lực lượng lưu thông ra ngoài cánh đồng tổ chức sản xuất, thu mua nông sản, bên cạnh áp dụng mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến" (áp dụng cho cả xe 2 bánh) thì cần được ưu tiên tiêm vắc xin, giúp dòng lưu chuyển hàng hóa không bị tắc nghẽn. Trong khi đó, dưới góc độ nhà bán lẻ, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, theo quy định, hiện tại siêu thị có trường hợp F0 thì phải buộc tạm dừng một tuần để phun khử trùng. “Hệ thống các siêu thị mong muốn là khi có F0 phải đóng cửa, thì trong vòng 24 giờ hoặc chậm nhất là 72 giờ phải cho mở cửa lại, vì khử khuẩn chỉ trong 1 ngày là xong, nhằm tăng điểm bán hàng, phục vụ nhu cầu người dân”, bà Hậu ý kiến.
Ngoài những giải pháp trên, từ cuối tháng 7 vừa qua, nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động thiết lập các nhóm liên kết tiêu thụ nông sản với các nhà bán lẻ lớn để tổ chức thu mua, vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Các tỉnh Bạc Liêu, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang… cũng kết nối các siêu thị, cá nhân, kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ tiêu thụ, gỡ khó cho đầu ra nông sản trong thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang Trần Chí Hùng cho biết: “Nhóm giao dịch mua bán nông sản sẽ phát huy hiệu quả khi có nhiều giao dịch thông qua nhóm. Hiện hình thức này đang cho thấy sự phù hợp, bởi khâu thu mua, tiêu thụ được khép kín, quản lý được người và phương tiện ra vào vùng giãn cách, giúp nông dân tiêu thụ được sản phẩm và tạo thêm nguồn hàng cho các thị trường tiêu thụ lớn”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.