Với gần 1.000 hội viên Hội Nhà báo đang sinh hoạt, công tác tại 9 cơ quan báo, đài, tạp chí... nhiều năm qua, báo chí Thủ đô đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Báo chí Hà Nội ngày càng có nhiều tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi như Giải Báo chí quốc gia; Giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng); Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng)...
“Chất” Hà Nội được thể hiện rõ nét
Nhiều năm qua, cùng với Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội luôn là đơn vị có số lượng tác phẩm tham dự Giải Báo chí quốc gia nhiều nhất. Không chỉ phong phú, đa dạng về chủ đề, đề tài bắt kịp dòng chảy sôi động của đời sống xã hội Thủ đô và đất nước, các tác phẩm dự thi Giải Báo chí quốc gia thực sự hấp dẫn về cách thể hiện, có nhiều ý tưởng mới, đưa ra những thông điệp sắc sảo. Đặc biệt, nhiều tác phẩm mang chất “riêng” của báo chí Hà Nội. Cụ thể, nhiều năm liền tại Giải Báo chí quốc gia, nếp sống, nét văn hóa đậm chất thanh lịch, văn minh của người Hà Nội đã được phản ánh rõ nét qua các tác phẩm: “Tiếp cận văn hóa ứng xử của người Hà Nội” - Giải C năm 2012; “Hà Nội 10 năm tôi kể” - Giải C năm 2018. Bên cạnh đó, những vấn đề nổi cộm của Thủ đô cũng được báo chí Hà Nội phản ánh đầy đủ, trực diện qua những câu chuyện về di sản, quy hoạch đô thị (“Kinh đô, cố đô - Những dặm dài lịch sử” - Giải B năm 2010; “Nhà bỏ hoang giữa lòng Hà Nội” - Giải B năm 2010); những tác phẩm chính luận đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch (“Lòng yêu nước đúng mực và thông thái” - Giải B năm 2010)... Báo Kinh tế & Đô thị ghi dấu ấn với những tác phẩm phân tích về tài chính, đầu tư (“Trục lợi từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng” - Giải C năm 2015; “Lừa đảo, “chặt chém” khách nước ngoài: Vụ việc nhỏ, tác hại lớn” - Giải B năm 2018)...; Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội với những phim tài liệu ngợi ca tình yêu đất nước, con người Hà Nội (“Một tình yêu Hà Nội” - Giải B năm 2010; “Một ánh sao khuê đôi vòng nhật nguyệt” - Giải C năm 2013)... Bên cạnh đó, ở Giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng), Giải Báo chí về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (Giải Diên Hồng), báo chí Hà Nội cũng có những thành tích ấn tượng.
Để có được thành tích đó, bên cạnh tinh thần lao động sáng tạo, trách nhiệm cao của đội ngũ hội viên, nhà báo yêu nghề, không thể không nhắc tới sự định hướng và quyết tâm của ban biên tập, lãnh đạo các cơ quan báo chí; sự chỉ đạo sâu sát của Ban Tuyên giáo Thành ủy, sự ủng hộ và tạo điều kiện của các sở, ngành thành phố. Cụ thể, ngay từ năm đầu Giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng được tổ chức, Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo, vận động hội viên, phóng viên các cơ quan báo chí tích cực tham gia. Năm 2018, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức Giải báo chí về Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đến nay Giải thực sự trở thành một sân chơi có uy tín, được các cơ quan báo chí Hà Nội cũng như Trung ương nhiệt tình hưởng ứng tham gia, cũng là tiền đề để có được những tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng và Giải Báo chí quốc gia. Tiếp đó, khi Quốc hội phát động Giải Diên Hồng, Hội đồng Nhân dân thành phố cũng rất sâu sát, tích cực vận động hội viên, phóng viên báo chí Hà Nội tích cực tham dự với những kế hoạch, chương trình cụ thể, nhất là quá trình phát động, phổ biến thể lệ cuộc thi, tìm chọn chủ đề..., Công tác phân loại, tuyển chọn tác phẩm rất được coi trọng, tiến hành chặt chẽ từ cơ sở. Ngoài ra, Thành phố cũng có nhiều hình thức, cơ chế động viên, khen thưởng kịp thời đối với các tác giả có tác phẩm đoạt giải báo chí quốc gia....
Đáng chú ý, trong nhiều năm qua, đặc biệt là 18 mùa Giải Báo chí quốc gia đã tổ chức, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội luôn giữ vai trò quan trọng trong việc động viên, hỗ trợ hội viên dự giải. Ngoài vai trò là đơn vị thường trực, tổ chức hướng dẫn, phân loại, tuyển chọn tác phẩm tham dự Giải Báo chí quốc gia, Hội Nhà báo thành phố hằng năm còn tổ chức giải Giải Báo chí Ngô Tất Tố; Cuộc thi viết Gương điển hình tiên tiến, Người tốt việc tốt. Đây chính là cơ sở để tuyển chọn các tác phẩm tham dự Giải Báo chí quốc gia. Rất nhiều tác phẩm đoạt giải cao Giải Báo chí Ngô Tất Tố cũng đồng thời đoạt giải cao tại Giải Báo chí quốc gia. Hội còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nâng cao trình độ nghiệp vụ và các chuyến đi thực tế cho đội ngũ hội viên sáng tác về đề tài nông thôn mới, người tốt - việc tốt, tuyên truyền về chủ quyền biên giới, hải đảo...
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, nếu nhìn vào số lượng cũng như chất lượng tác phẩm dự giải trong mối liên hệ với những cơ quan báo chí lớn và có truyền thống khác như Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Lao Động, Thanh Niên..., có thể thấy thành tích mà báo chí Hà Nội đã đạt được vẫn chưa thực sự xứng tầm với vị thế của báo chí Thủ đô, trung tâm báo chí lớn của cả nước. Vài năm gần đây, công chúng báo chí Thủ đô và cả nước ít thấy những tuyến bài điều tra dài kỳ, có tầm ảnh hưởng trong dư luận xã hội; thiếu những đề tài mang tầm quốc gia như thu hút FDI, hội nhập quốc tế, khai thác tiềm năng sản phẩm văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa... Các tác phẩm đoạt giải cũng chỉ dừng ở mức đặt vấn đề, phản ánh hiện tượng sự kiện, chứ chưa đi đến tận cùng, giải quyết gốc rễ của vấn đề. Chính điều này đã làm giảm ảnh hưởng, hiệu quả tác động dư luận xã hội của tác phẩm. Bên cạnh đó, còn có sự phân cấp rõ rệt về chất lượng giữa các cơ quan báo chí Hà Nội khi các giải thưởng gần như chỉ tập trung ở một số cơ quan báo chí lớn như Hànộimới, Kinh tế & Đô thị, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội...
Thực hiện Đề án Quy hoạch báo chí Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, hiện Hà Nội có 9 cơ quan báo chí, với trên 900 hội viên. Trước thực trạng báo chí đã và đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đối diện với yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ, xây dựng tòa soạn hội tụ, báo chí Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc tìm lời giải hữu hiệu để trụ vững, phát triển, theo kịp những yêu cầu mới đặt ra từ thực tiễn.
Trước thực trạng trên, để có nhiều hơn các tác phẩm chất lượng cao, đạt các giải thưởng lớn, báo chí Hà Nội cần có sự thay đổi một cách toàn diện, đồng bộ về tư duy cũng như hành động. Đối với ban biên tập cơ quan báo chí, ngoài việc xây dựng kế hoạch, định hướng đề tài, rất cần có cơ chế “giải phóng” phóng viên khỏi áp lực về số lượng tin, bài nhằm toàn tâm toàn ý thực hiện tác phẩm chất lượng cao, kèm theo đó là có cơ chế động viên, khen thưởng kịp thời, tạo điều kiện để phóng viên theo bám đề tài đến cùng để có lời giải, thông điệp hiệu quả.
Về phía Hội Nhà báo Hà Nội, thời gian tới Hội sẽ tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho phóng viên, các hội thảo trao đổi nghiệp vụ, tổ chức thường xuyên các chuyến thực tế sáng tác... Song song với đó, Hội cũng sẽ triển khai sớm, kịp thời chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao của Hội Nhà báo Việt Nam, thực hiện việc hướng dẫn, tuyển chọn tác phẩm tham dự các giải báo chí một cách nghiêm túc, bài bản.
Cuối cùng, quan trọng nhất là đội ngũ nhà báo Thủ đô, những người trực tiếp lao động sáng tạo ra tác phẩm báo chí cần phải đào sâu hơn, nghiêm túc hơn, dấn thân nhiều hơn trong lao động báo chí, để từ đó có được những tác phẩm xuất sắc, xứng tầm vị thế của người làm báo Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.