(HNM) - Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, hai tuyến cáp quang biển quốc tế liên tục bị sự cố gây ảnh hưởng đến kết nối internet trong nước đi quốc tế. Để khắc phục sự cố cáp quang biển, các nhà mạng đã và đang xem xét phương án củng cố bằng cách thay loại cáp tốt hơn, chôn cáp sâu hơn; đồng thời đầu tư các tuyến cáp quang mới, bảo đảm hoạt động ổn định.
Vừa khắc phục xong sự cố ngày 21-4, tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) lại tiếp tục gặp lỗi ở đoạn kết nối từ Việt Nam đi Hồng Kông (Trung Quốc) vào ngày 14-5 (theo kế hoạch, đến ngày 2-6-2020 mới hoàn thành sửa chữa). Cuối năm 2019, AAG cũng đã gặp sự cố và phải sang đầu năm 2020 mới khôi phục dung lượng trên tuyến.
Không chỉ AAG, tuyến cáp quang biển APG (Asia Pacific Gateway) cũng hai lần liên tiếp đứt cáp tại hướng kết nối đi Singapore vào ngày 30-4 (dự kiến khôi phục dung lượng vào ngày 31-5-2020). Còn trên hướng đi Hồng Kông (Trung Quốc), APG cũng bị lỗi và hiện chưa xác định được thời gian sửa chữa xong. Trước đó, năm 2019, APG cũng 4 lần gặp sự cố.
Về nguyên nhân khiến cáp quang biển hay xảy ra sự cố, ông Đặng Anh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hạ tầng mạng VNPT (thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam - VNPT) và ông Đào Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel) đều cho rằng, do vị trí chôn cáp cập bờ được đặt ở những khu vực cảng biển lớn nên khi tàu biển vào cảng thả neo có thể gây ra sự cố. Ngoài ra, sự tác động của các yếu tố địa lý cũng gây ra sự cố cho vị trí cáp đặt dưới biển; hoặc có thể do hệ thống nguồn cáp bị dò, dẫn đến mất nguồn và mất lưu lượng.
Tuy nhiên, theo các nhà mạng, dù hay xảy ra sự cố nhưng cáp quang biển vẫn là phương án kết nối hiệu quả nhất. Ông Đào Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel) cho rằng, cáp quang biển là phương tiện kết nối có dung lượng lớn, được áp dụng công nghệ mới và cho đến nay là hình thức kết nối phổ biến trên thế giới. "Ở nhiều quốc gia, cáp quang biển còn dùng để kết nối giữa các tỉnh, thành phố có bờ biển. Chi phí đầu tư cáp quang biển ít hơn, lại có độ an toàn cao hơn so với cáp quang đất liền..." - ông Đào Xuân Vũ thông tin.
Phân tích thêm, ông Đặng Anh Sơn cho biết, hiện các nhà mạng ít đầu tư cho cáp quang quốc tế trên đất liền vì những rủi ro về an toàn cũng như chi phí vận hành cao. Trong khi đó, ước tính suất đầu tư cho tuyến cáp quang biển chỉ khoảng 40-50 triệu USD, không chỉ thấp hơn nhiều so với chi phí đầu tư vệ tinh (suất đầu tư khoảng 200 triệu USD) mà dung lượng kết nối còn cao gấp nhiều lần dung lượng của vệ tinh.
Cho rằng việc xảy ra sự cố cáp quang biển là tình huống bất khả kháng, song ông Đào Xuân Vũ cũng nhấn mạnh: Nhà mạng đã, đang phối hợp với các đối tác tham gia đầu tư các tuyến cáp biển xem xét phương án củng cố, bảo trì, bảo dưỡng bằng cách thay loại cáp tốt hơn, chôn cáp sâu hơn... để bảo đảm hoạt động ổn định và cung cấp dịch vụ chất lượng cho khách hàng.
Bên cạnh đó, nhà mạng phải đầu tư các tuyến mới để bảo đảm cung cấp dịch vụ cho khách hàng cũng như phương án dự phòng. Hiện, Viettel đã đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến cáp biển mới ADC (Asia Direct Cable) kết nối Việt Nam với khoảng 10 nước châu Á nhằm tăng khả năng dự phòng và mở rộng hạ tầng truyền dẫn quốc tế.
“VNPT đang tham gia đầu tư tuyến cáp quang biển mới SJC 2 (South East Asia Japan Cable) kết nối Đông Nam Á với Nhật Bản có điểm cập bờ ở thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Dự kiến trong năm nay dự án này đưa vào khai thác sẽ góp phần bảo đảm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng" - ông Đặng Anh Sơn cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.