Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Thùy Dương - Đình Hiệp| 17/03/2011 07:19

(HNM) - Bước sang ngày thứ 6 sau trận động đất kinh hoàng 8,9 độ richter, thảm họa ngày 11-3 tại Nhật Bản đã khiến thế giới chấn động trước mức độ thiệt hại về người và vật chất mà đất nước này đang phải gánh chịu.


Đã đưa hết công dân Việt Nam ra khỏi vùng nguy hiểm

Tối 15-3, 3 xe buýt cùng 9 cán bộ Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam chia làm 2 nhóm đã đi TP Sendai, tỉnh Miyagi và TP Fukushima, tỉnh Fukushima. Trên đường đi, nhận được tin còn 46 nghiên cứu sinh và lưu học sinh Việt Nam mắc kẹt tại TP Morioka, tỉnh Iwate, Đại sứ Nguyễn Phú Bình đã chỉ thị đoàn công tác tách một xe đi tiếp Morioka để trợ giúp.

Nhiều người Việt Nam đã được đưa về nơi sơ tán an toàn cùng người dân Nhật Bản.  

Nhóm công tác số một đã đến Fukushima sáng 16-3 và tiếp xúc được với 29 lao động tại đó. 10 người trong số họ đang làm việc trong một xí nghiệp ở địa điểm an toàn. Những người này đã xin ở lại tiếp tục làm việc vì thực tế chỗ ở và làm việc của họ vẫn an toàn vì nằm cách xa vùng ảnh hưởng của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima. Số còn lại 19 người đã lên xe vào buổi trưa và được cán bộ ĐSQ đưa trở về Tokyo an toàn.

Trưa 16-3 nhóm công tác số 2 đi Sendai đã đón 42 người về Tokyo an toàn. Nhóm số 3 cũng đã đón được 23 người (trong tổng số 46 người) ở Morioka để về Tokyo. Số còn lại (23 người) đã quyết định ở lại tiếp tục học tập vì thực tế nơi sinh sống và học tập của họ cách xa khu vực ảnh hưởng của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima.

Hiện ĐSQ đã liên hệ và nhờ một cơ sở Phật giáo là chùa Nissin Kutsu (ở Shibakoen, trung tâm Tokyo, giúp chỗ ăn ở tạm thời trong vài ngày và một cơ sở y tế giúp làm các xét nghiệm phóng xạ cần thiết. Những người có nguyện vọng về nước sớm, ĐSQ sẽ liên lạc với Vietnam Airlines để mua vé trở về Việt Nam sớm nhất. ĐSQ cho biết, nhìn chung công dân ta đều ở cách xa Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima ít nhất 50km, ngoài tầm ảnh hưởng của sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy này. Có một nữ sinh không biết thông tin di dời của sở tại và mắc kẹt trong khu vực bán kính 10km. Nhận được tin báo, ĐSQ đã kịp thời can thiệp với chính quyền địa phương để di chuyển nữ sinh đó đến nơi an toàn.

Kể từ ngày 16-3, Vietnam Airlines đã huy động máy bay cỡ lớn Boeing 777 để chở khách trên các đường bay Narita - Hà Nội và Narita - TP Hồ Chí Minh, đáp ứng nguyện vọng về nước của nhiều người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở Nhật Bản.

Tăng cường tìm kiếm nạn nhân

Theo thống kê mới nhất, số người thiệt mạng do trận động đất, sóng thần ở Nhật Bản đã lên tới 3.676 người, trong khi vẫn còn 7.558 người mất tích. Nỗ lực cứu hộ đang được tiến hành khẩn trương. Hàng trăm nghìn nhân viên cứu hộ của Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới đang ra sức tìm kiếm những người còn sống sót. 25 nhân viên cứu hộ của Nga đã tới tỉnh Fukushima trong ngày 15-3 sau khi 54 nhân viên đã tới tỉnh Miyagi một ngày trước đó. Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết Nga dự định cử thêm 100 nhân viên cứu hộ tới Nhật Bản trong vài ngày tới. Pháp cũng đã cử 116 nhân viên cứu hộ tới những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Hiện đã có hơn 80.000 nhân viên Lực lượng phòng vệ (SDF) và lực lượng cảnh sát Nhật Bản được triển khai tại các khu vực bị tàn phá nặng nề để tìm kiếm thi thể nạn nhân, xác định danh tính, dọn dẹp các đống đổ nát. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết sẽ cử 6.400 binh sĩ tới khu vực Đông Bắc để hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất và sóng thần. Đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã gửi 120.000 chăn màn, 120.000 chai nước và 110.000 lít xăng cùng thực phẩm tới các khu vực bị ảnh hưởng. Hiện có 530.000 người đang tạm trú tại hơn 2.600 căn lều dựng tạm. Trong khi đó, thêm một trận động đất mạnh 6 độ richter đã xảy ra ngoài khơi tỉnh Chiba sáng sớm 16-3, làm rung lắc nhiều tòa nhà ở thủ đô Tokyo gần đó. Mặc dù chưa đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra sóng thần và chưa có kết quả thiệt hại, song Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết mực nước biển có thể dâng cao.

Kiểm tra phóng xạ những người được sơ tán tại thành phố Koriyama, Fukushima.

Chưa có quốc gia nào bị ảnh hưởng nhiễm xạ

Sáng 16-3, lại xảy ra cháy tại hai lò phản ứng số 3 và số 4 của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1. Đây là vụ cháy thứ hai xảy ra trong vòng một ngày tại lò phản ứng số 4. Các nhân viên cứu hỏa đã kiểm soát được đám cháy sau 30 phút. Đám cháy tại lò phản ứng số 3 xảy ra sau đó 5 giờ. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano thông báo vỏ lò phản ứng số 3 có thể đã bị hư hại và gây nguy cơ rò rỉ phóng xạ ở mức cao. Sáng 16-3, toàn bộ nhân viên tại nhà máy đã được lệnh tạm thời sơ tán, tuy nhiên chiều 16-3, do lượng phóng xạ tại khu vực nhà máy có chiều hướng giảm, nên các công nhân đã trở lại làm việc.

Chiều 16-3, cơ quan chức năng phát hiện chất phóng xạ trong nước sinh hoạt của thành phố Fukushima, thuộc tỉnh Fukushima. Tuy nhiên, mức độ chất phóng xạ còn thấp nên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cũng trong ngày 16-3, Đại sứ Nhật Bản tại các tổ chức quốc tế ở Áo Takeshi Nakane đã đề nghị Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhanh chóng cử các chuyên gia hạt nhân tới Nhật Bản để giúp khắc phục sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1. Trước đó, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho biết sẽ sớm cử một nhóm chuyên gia tới Nhật Bản để theo dõi hiện trạng môi trường và phối hợp hỗ trợ Nhật Bản.

Các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… đã tăng cường công tác kiểm tra phóng xạ của các chuyến hàng đến từ Nhật sau trận động đất và sóng thần thảm khốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có quốc gia nào bị ảnh hưởng nhiễm xạ từ cuộc khủng hoảng hạt nhân của Nhật Bản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực khắc phục hậu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.