Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực kéo giảm ùn tắc giao thông

Tuấn Lương| 13/10/2021 06:20

(HNM) - Từ khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, cùng với sự gia tăng vi phạm trật tự an toàn giao thông (như Báo Hànộimới phản ánh trong số báo ra ngày 12-10-2021), tình trạng ùn tắc giao thông cũng tái diễn tại một số tuyến đường nội đô, các chốt cửa ngõ. Trong nỗ lực kéo giảm ùn tắc, thành phố kiên trì triển khai các giải pháp cả trước mắt và lâu dài, như: Tăng cường lực lượng trực chốt, lắp đặt đèn tín hiệu; cải thiện hạ tầng giao thông; phát triển vận tải công cộng; ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành giao thông…

Lực lượng chức năng phân luồng phương tiện giao thông tại một chốt kiểm soát trên địa bàn huyện Mê Linh. Ảnh: Đỗ Tâm

Tái diễn tình trạng ùn tắc

Sau khi thành phố Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, giao thông trên các tuyến đường nội đô và khu vực cửa ngõ Thủ đô dần đông đúc trở lại. Một số tuyến đường, nút giao thông lại xảy ra ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm.

Các vị trí ùn tắc nhiều nhất trong những ngày qua là đường Nguyễn Khoái, đặc biệt là đoạn qua Cảng Hà Nội và đoạn từ đường dẫn cầu Vĩnh Tuy đến nút giao Lãng Yên - Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng); đường Láng (quận Đống Đa); khu vực các chốt cửa ngõ ra - vào thành phố…

Anh Nguyễn Duy Phái, trú tại phố Sài Đồng (quận Long Biên) chia sẻ: “Sau khi giãn cách xã hội được nới lỏng, lượng phương tiện tăng cao, nhất là xe tải lưu thông trên tuyến đê Nguyễn Khoái, trong khi ngã ba Nguyễn Khoái giao cắt với đường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) là nút thắt “cổ chai”, nên có hôm phải mất tới gần nửa tiếng đồng hồ tôi mới thoát ra khỏi khu vực này”.

Lý giải nguyên nhân, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho rằng, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, ùn tắc xảy ra cục bộ tại một số điểm một phần do các phương tiện vận tải hành khách công cộng chưa được hoạt động, nên phương tiện cá nhân tăng cao hơn trước. Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục duy trì hoạt động 22 chốt tại các cửa ngõ và 33 chốt tại các quận, huyện, thị xã giáp ranh các tỉnh lân cận để kiểm soát người và phương tiện nhằm bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, tại một số tuyến đường có các chốt kiểm soát, do lượng lớn người đi xe cá nhân ra, vào Hà Nội nên xảy ra ùn ứ.

Theo nhận định của đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội), nguyên nhân cơ bản dẫn tới ùn tắc là do nhiều tuyến đường của Thủ đô hiện có mặt cắt nhỏ song phải “gánh” lưu lượng phương tiện giao thông lớn. Tại nhiều nút giao có mật độ phương tiện cao, thường xuyên xảy ra xung đột giao thông nhưng lại chưa được lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu, biển báo giao thông, như tại nút giao đường Vũ Tông Phan - cầu Kim Giang (quận Thanh Xuân), nút giao Yên Hòa - Trung Kính và nút giao đường Thọ Tháp - Khúc Thừa Dụ (quận Cầu Giấy)...

Hà Nội triển khai nhiều giải pháp để giảm ùn tắc, trong đó có công tác đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông. Trong ảnh: Công nhân thi công dự án xén vỉa hè, mở rộng mặt đường Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy).

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện còn 31 điểm ùn tắc giao thông. Để hạn chế ùn tắc, đồng thời thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã chỉ đạo Thanh tra Sở bố trí lực lượng phối hợp với Công an thành phố chốt trực 24/24 giờ tại 22 chốt cửa ngõ; đồng thời bổ sung lực lượng tại các chốt trọng điểm có lưu lượng giao thông lớn và các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông để điều tiết phân luồng…

Mới đây, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) đã đề xuất danh mục công trình giảm ùn tắc giao thông thực hiện ngay trong năm 2022. Theo đó, thành phố sẽ lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu, biển báo hướng dẫn, sơn kẻ tổ chức lại giao thông tại hàng loạt tuyến đường, nút giao thông; lắp đặt đèn cho người đi bộ qua đường tại 6 khu vực...

Cùng với đó, Ban đề xuất tổ chức giao thông, điều khiển đèn tín hiệu bằng “làn sóng xanh” trên tuyến đường phố Huế - Hàng Bài và tuyến đường Bà Triệu; xén hè, mở rộng mặt đường, cải tạo hạ tầng giao thông nút giao cầu Đen - Phùng Hưng - đường 19-5; lắp đặt, thay thế, bổ sung hàng rào, dải phân cách giữa trên tuyến đường Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái (từ Vạn Kiếp đến cầu Vĩnh Tuy)… Theo Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Lê Hữu Hồng, danh mục này dựa trên kết quả rà soát hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông cũng như kiến nghị từ các quận, huyện, thị xã và Công an thành phố Hà Nội trong việc khắc phục các bất cập giao thông.

“Kéo giảm ùn tắc giao thông là vấn đề được thành phố đặc biệt quan tâm với việc thực hiện các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Trong đó, về lâu dài, thành phố vẫn tiếp tục kiên trì các giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông một cách bền vững. Cụ thể là, tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các cầu vượt sông và các tuyến đường vành đai, trục hướng tâm; phát triển vận tải hành khách công cộng; tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành giao thông”, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực kéo giảm ùn tắc giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.