(HNM) - Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù dịch Covid-19 liên tục gây khó khăn, nhưng các cấp chính quyền thành phố Hồ Chí Minh vẫn nỗ lực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân nhằm hoàn thành giải phóng mặt bằng, khởi công tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vào năm 2021. Nhờ sự đồng thuận của người dân, tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Người dân đồng lòng cùng chính quyền
Những ngày này, mỗi người dân thành phố Hồ Chí Minh khi đi qua đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám hay Trường Chinh (quận Tân Bình) đều dễ dàng nhận thấy dọc hai bên không gian thoáng đãng, khác hẳn với vẻ chật chội trước đó. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, dọc tuyến đường, nhiều hộ dân đã tự thuê công nhân, máy móc về tháo dỡ nhà cửa, công trình để bàn giao mặt bằng cho chính quyền phục vụ xây dựng tuyến Metro số 2.
Trên tuyến đường Trường Chinh (phường 15, quận Tân Bình), hộ ông Nguyễn Văn Khênh sau khi bàn giao hơn 170m2 nhà đất cho dự án, liền cho thi công xây dựng lại mặt tiền căn nhà để ổn định sinh hoạt. Còn trên tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 5, quận Tân Bình), ông Mai Văn Minh cho biết, gia đình đã hoàn tất việc giải tỏa mặt bằng, bàn giao 85m2 cho dự án. Theo quyết định bồi thường của quận Tân Bình, trường hợp của ông Minh được áp giá đền bù 170 triệu đồng/m2. Ðây cũng là mức giá đền bù cao nhất được áp dụng so với các vị trí bị thu hồi đất của dự án, vì gần trung tâm thành phố nên giá trị giao dịch thương mại cao hơn. "Giá đền bù của Nhà nước sát với giá thị trường, công khai, minh bạch, chính quyền đến từng hộ dân để lấy ý kiến. Đây là dự án phục vụ cộng đồng cho nên người dân rất ủng hộ", ông Minh phấn khởi nói.
Theo Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông - vận tải Việt - Đức (Trường Đại học Việt - Đức, thành phố Hồ Chí Minh), tuyến Metro số 2 có tổng chiều dài hơn 11km, trong đó đoạn đi ngầm dài khoảng 9,2km. Dự án đi qua 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Đây là một trong những dự án quan trọng trong hệ thống giao thông thành phố Hồ Chí Minh. Khi đi vào hoạt động sẽ giải tỏa lượng lớn phương tiện lưu thông trên các điểm “nóng” ùn tắc giao thông như đường: Cộng Hòa, Trường Chinh, quốc lộ 22... Do đó, công tác giải phóng mặt bằng triển khai nhanh thì dự án sớm thực hiện, góp phần hoàn chỉnh hạ tầng đô thị.
Cơ bản “sạch” mặt bằng trong năm 2020
Giám đốc Ban quản lý dự án 2 thuộc Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) Lê Văn Khoa cho biết, dự án tuyến Metro số 2 có tổng mức đầu tư hơn 47.890 tỷ đồng. Tổng diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án là hơn 251.100m2, với kinh phí 4.353 tỷ đồng. Được sự đồng thuận của người dân, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến Metro số 2 đang tiến triển tốt. Các quận đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường, tỷ lệ đạt 96,02% (579/603 trường hợp). Tỷ lệ bàn giao mặt bằng của cả tuyến đạt 66,67% (402/603 trường hợp).
Phó Trưởng ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Tân Bình Nguyễn Tấn Tài cho biết, quận đã ban hành 339 quyết định và phương án bồi thường hỗ trợ (330 cá nhân, 9 tổ chức) và đã chi đền bù cho 275 trường hợp với tổng kinh phí hơn 1.660 tỷ đồng. Các quận khác có tuyến Metro số 2 đi qua cũng phấn đấu bàn giao mặt bằng cho MAUR nhằm sớm triển khai thi công dự án. Theo đó, quận 1 có 29 trường hợp dự kiến bàn giao trong quý IV-2020. Quận 10 có 74 trường hợp, dự kiến bàn giao trong tháng 9; quận 12 có 11 trường hợp sẽ bàn giao hết trong tháng 12-2020. UBND quận Tân Phú đã bàn giao xong mặt bằng các ga và đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương.
Hiện trên toàn tuyến đang còn tồn tại khó khăn, đó là việc quản lý xây dựng các công trình trong hành lang bảo vệ công trình đường sắt, cụ thể là việc người dân, sau khi phá dỡ công trình, bàn giao mặt bằng, muốn được ngay lập tức xây nhà mới. Tuy nhiên, việc Bộ Giao thông - Vận tải chưa có hướng dẫn chung cho các trường hợp này, nên các cấp, ngành thành phố Hồ Chí Minh chỉ có thể xem xét cho từng trường hợp cụ thể, không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân. Để các quận chủ động hơn trong việc này, Sở Tư pháp đang rà soát lần cuối để tham mưu với UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành hướng dẫn chung.
Với những nỗ lực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người dân, Trưởng ban quản lý Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, dự kiến cuối năm 2020, các quận sẽ cơ bản hoàn tất giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư để tuyến Metro số 2 được khởi công trong năm 2021 và phấn đấu hoàn thành vào năm 2026.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.