(HNM) - Nhờ có nghề trồng hoa, đời sống vật chất, tinh thần của hơn 4.000 hộ dân ở xã Mê Linh (huyện Mê Linh) ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, đối diện với việc thiếu đất trồng hoa, xã Mê Linh đang nỗ lực tìm giải pháp để giữ nghề, bảo đảm sinh kế, phát triển bền vững.
Trồng hoa hồng thế đang là hướng đi mới của xã Mê Linh (huyện Mê Linh). |
Những ngày này ở xã Mê Linh, không khí tấp nập, khẩn trương bao trùm khắp nơi. Nông dân dành nhiều thời gian hơn cho việc cắt tỉa, chỉnh sửa, bón tưới… để chuẩn bị đưa hàng triệu bông hoa, chậu hoa ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Ông Phạm Xuân Thịnh, người dân ở thôn Hạ Lôi cho biết, năm nay, chuẩn bị cho vụ hoa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, gia đình đã đầu tư hơn 400 triệu đồng trồng hơn 10.000 chậu hoa hồng. Hiện nay khách hàng đã đặt mua hơn 5.000 chậu hoa, với giá thấp nhất 100.000 đồng/chậu, cao nhất khoảng 10 triệu đồng. Dự tính vụ hoa Tết năm nay, gia đình ông Phạm Xuân Thịnh thu lãi khoảng 60-70 triệu đồng…
Ông Phạm Xuân Thịnh cho biết thêm, do nhiều gia đình có nhu cầu mở rộng diện tích trồng hoa nên giá thuê đất nông nghiệp ở đây ngày càng tăng cao. Hiện mỗi sào (360m2) giáp các trục đường lớn có giá thuê từ 7 đến 8 triệu đồng mỗi năm. Bù lại, năm nay thời tiết thuận lợi nên nghề trồng hoa cho thu nhập khá. Nếu trồng hoa hồng, hoa cúc cắt bông, mỗi năm nông dân thu lãi trung bình khoảng 25-30 triệu đồng/sào, trồng hoa ly cho lãi khoảng 50-70 triệu đồng/sào…
Để nâng cao giá trị diện tích canh tác, 2 năm gần đây, hơn 40 hộ dân của Mê Linh đã chuyển hình thức trồng cây cắt bông sang trồng cây tạo thế, trồng trong chậu cảnh… Mặc dù hình thức trồng mới cho giá trị kinh tế cao, trung bình khoảng 100 triệu đồng/sào/năm nhưng không thể phát triển đại trà do đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, giống, loài đa dạng. Hiện, trên địa bàn xã có khoảng 150 giống hoa hồng được nhập khẩu từ: Pháp, Hà Lan, Italia, Đài Loan…
Phó Chủ tịch UBND xã Mê Linh Nguyễn Văn Phương cho biết, nghề trồng hoa ở Mê Linh hình thành cách đây hơn 20 năm. Hiện nay, Mê Linh có hơn 500ha trồng các loại hoa hồng, cúc, ly… Trồng hoa ly, nông dân phải đầu tư lớn. Với hoa hồng, đầu tư khoảng 250 triệu đồng/ha/năm, người dân thu lãi khoảng 350-400 triệu đồng/ha/năm. Xã Mê Linh hiện có gần 3.000 hộ làm nghề trồng hoa. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân nơi đây còn kinh doanh cây giống, vận chuyển hoa thương phẩm cung cấp cho thị trường nội đô và các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An...
Đặc biệt, để tránh thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất, thời vụ ra hoa... từ năm 2000 đến nay, gần 200 hộ dân của xã Mê Linh đã tìm đến các tỉnh: Sơn La, Lào Cai để thuê đất trồng, nhận gửi chăm sóc cây hoa với diện tích hơn 400ha. Nhờ có nghề trồng hoa, đời sống vật chất của người dân liên tục được cải thiện. Năm 2017, trên địa bàn xã có hơn 60% số hộ khá, hộ giàu, với mức thu nhập hằng năm từ 200 triệu đồng trở lên; thu nhập bình quân toàn xã đạt 39 triệu đồng/người/năm.
Ghi nhận sự phát triển trên, tháng 11-2017, xã Mê Linh được UBND TP Hà Nội công nhận danh hiệu Làng nghề trồng hoa. Tuy nhiên, hiện người dân nơi đây đang đối diện với việc thiếu đất phát triển nghề này. Theo ông Nguyễn Văn Phương, toàn bộ diện tích trồng hoa của xã nằm trong quy hoạch của 3 dự án xây dựng khu đô thị, giãn cư. Đây cũng là lý do nhiều năm nay người dân và địa phương không đầu tư cơ sở hạ tầng trong các khu trồng hoa theo hướng công nghệ cao kết hợp khai thác du lịch.
Thời điểm này, 2 trong 3 dự án có tổng diện tích gần 400ha đã cơ bản hoàn thành việc giải ngân hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng. Khi các chủ đầu tư triển khai dự án xây dựng khu đô thị đồng nghĩa với vấn đề người dân trong xã không còn đất trồng hoa. Thực hiện chủ trương của Nhà nước, người dân nơi đây sẵn sàng giao đất cho chủ đầu tư và đã tính đến phương án thuê đất ở địa phương khác để duy trì nghề.
Để giữ nghề trồng hoa, bảo đảm sinh kế bền vững cho nhân dân, xã Mê Linh kiến nghị huyện Mê Linh và các cấp, các ngành liên quan của thành phố điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu đô thị, dành khoảng 20ha đất ven trục đường dẫn vào đền thờ Hai Bà Trưng để quy hoạch khu vực này thành nơi sản xuất hoa theo hướng công nghệ cao. Cùng với đó là đầu tư hệ thống hạ tầng, tạo cảnh quan, khai thác phát triển du lịch…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.