Trong những năm gần đây, xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) được biết đến nhiều hơn với nghề trồng hoa, cây cảnh. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này, người trong xã chuẩn bị nhiều loại hoa tươi với chất lượng tốt nhất để cung ứng ra thị trường.
Đa dạng chủng loại, giá không tăng
Những ngày đầu năm 2024, Tích Giang nhộn nhịp không khí chuẩn bị cho mùa “thu hoạch” lớn nhất của năm. Ven quốc lộ 32 qua xã, các nhà vườn trưng bày nhiều sản phẩm để người tiêu dùng ngắm và lựa chọn. Đi sâu vào xã là những cánh đồng hoa đa sắc màu, những khu nhà kính, nhà lưới hiện đại. Thương lái đã bắt đầu đổ về, ngắm nghía lấy hoa bán vụ Tết khiến làng quê thêm phần tấp nập. Người Tích Giang trồng nhiều loại hoa, phổ biến nhất vẫn là hoa chậu, hoa giỏ treo, hoa trải thảm với hàng trăm chủng loại: Dạ yến thảo, kim ngân lượng, pháo, đồng tiền, ngọc thảo… và cả các loài hoa quý như lan hồ điệp, địa lan, trà, thủy tiên…
Những ngày này, ông Hoàng Văn Trào, một hộ trồng hoa ở xã Tích Giang, thường xuyên ở ngoài đồng. Ông Trào cho biết, gia đình có khoảng 5.000m2 trồng hoa, sản phẩm chính là khoảng 10.000 chậu treo dạ thảo đơn, dạ thảo kép, phong lữ rủ... Thời tiết khá thuận lợi, hoa được trồng trong nhà màng, nhà lưới nên rất đẹp.
Về giá, ông Trào cho biết, thị trường hoa Tết năm nay không biến động nhiều về giá. “Mọi năm, từ trung tuần tháng Mười là thương lái đã về lấy hàng rất nhiều. Nhưng năm nay, đến thời điểm này chúng tôi mới có khách”.
Tương tự, ông Kiều Bình Thanh, chủ nhà vườn Thanh Phương cho biết: “Nắm bắt xu thế thị trường năm nay, chúng tôi trồng nhiều giống hoa ngắn ngày vừa túi tiền của người tiêu dùng; những chậu hoa nhỏ xinh chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng sẽ bán dễ hơn và người tiêu dùng cũng sẽ mua nhiều hơn. Với các loại hoa quý, hoa lâu năm như hồng thế, trà, lan... chúng tôi vẫn tiếp tục nhân cấy, cắt tỉa, tạo thành các cây bonsai có giá trị cao”.
Theo ông Kiều Bình Thanh, thị trường hoa Tết năm nay sẽ tập trung vào các chủng loại hoa truyền thống, hoa treo, hoa thảm... Hoa chậu phất lộc, cúc đóa, họa mi, cúc rủ, dạ yến thảo, đồng tiền... sẽ có sức tiêu thụ tốt. Một số giống mới tiếp tục được nhập thêm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đến thời điểm này, các hộ trồng hoa ở Tích Giang đều tăng số lượng và chủng loại hoa, tính toán giảm lợi nhuận một chút để bán được nhiều hàng. “Chúng tôi có cả chậu hoa nhỏ, giá từ 10 nghìn đồng/cây hoặc 50 nghìn đồng/chảo hoa, nên ai cũng có thể mua về chơi Tết”.
Bà Nguyễn Thị Mơ (nhà vườn Hảo Mơ) cho biết: “Chúng tôi trồng gối nhau nên hàng ra thị trường thường xuyên. Hoa thu hải đường đang bán với giá 55 nghìn đồng/chảo; dạ yến thảo 70 nghìn đồng/chảo; ngọc thảo 8 nghìn đồng/cây... Giá bán thấp hơn năm trước khoảng 10%. Mặc dù giá hạ nhưng bán được nhiều hơn nên chúng tôi vẫn bảo đảm được thu nhập”.
Đưa làng hoa thành làng du lịch
Theo ông Đỗ Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Tích Giang, năm 1990, cây quýt Na Ven (quýt Tích Giang) được người dân cả nước biết đến với vị thơm ngọt đặc trưng. Đến khoảng năm 2005, phong trào trồng cây cảnh nở rộ ở Tích Giang, Hội Sinh vật cảnh của xã ra đời, hướng dẫn hội viên tạo rất nhiều cây cảnh như si, đa, tùng... có giá tới hàng trăm triệu đồng. Đến năm 2010 - 2012, thú chơi cây cảnh có phần trầm lắng.
“Trong cái khó ló cái khôn”, người trồng cây cảnh ở Tích Giang chuyển hướng trồng đa dạng, cả cây công trình, hoa cắt cành (hồng, cúc, đồng tiền, loa kèn…). Đặc biệt, từ cuối năm 2016, xã Tích Giang được UBND huyện Phúc Thọ phê duyệt 86,5ha chuyển từ trồng lúa sang trồng hoa, cây cảnh, nhờ đó nghề trồng hoa có bước phát triển bài bản hơn.
Thời điểm đó, chính quyền địa phương đã tổ chức cho các hộ trong vùng chuyển đổi đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Văn Giang (Hưng Yên), Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), đồng thời mời các viện nghiên cứu, công ty giống cây trồng về hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật. Chính quyền vận động nhân dân trong vùng chuyển đổi nếu không canh tác thì cho hộ khác thuê để tạo vùng sản xuất lớn tập trung. Còn trong các vườn hộ, xã vận động bà con chuyển sang làm cây cảnh, vừa làm đẹp cho gia đình mình vừa có sản phẩm cung cấp cho thị trường, tạo thêm thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Mơ cho biết thêm: “Trước đây làm hoa cắt cành vất vả, phải mang hàng lên các chợ Quảng Bá, chợ Diễn, chợ Sơn Tây để bán. Hiện nay, chúng tôi chuyển sang làm hoa thảm, khách có nhu cầu sẽ đến tận vườn mua. Thu nhập từ hoa thảm cũng hơn hoa cắt cành. Nếu như hoa bông đến kỳ là phải cắt bán, giá cả bấp bênh thì hoa thảm có thể giữ được lâu hơn”.
Đến thời điểm hiện nay, theo thống kê của UBND xã Tích Giang, toàn xã có gần 600 hộ trồng hoa, cây cảnh với tổng diện tích hơn 95ha. Số lao động tham gia làm nghề lên tới gần 1.000 người - khoảng 15% trong tổng số lao động trên địa bàn xã. Nghề trồng hoa, cây cảnh mang lại khoảng 156 tỷ đồng mỗi năm, chiếm gần 25% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của xã Tích Giang. Trừ chi phí sản xuất, thu nhập của các hộ trồng hoa, cây cảnh hiện đạt bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm. Xã Tích Giang đã được Thành phố công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”. Xã cũng đang định hướng phát triển nghề trồng hoa gắn với du lịch sinh thái.
Xã Tích Giang có đình Tường Phiêu cùng lễ hội đặc sắc. Với mục tiêu “đánh thức” tiềm năng du lịch tâm linh, du lịch sinh thái ở Tích Giang, UBND huyện Phúc Thọ đã phê duyệt Đề án “Phát triển làng nghề hoa, cây cảnh xã Tích Giang gắn với du lịch sinh thái giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Việc thực hiện đề án sẽ giúp Tích Giang mở rộng vùng sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Trong tương lai gần, làng quê cổ kính nằm ven sông Tích sẽ là trung tâm hoa, cây cảnh, cây giống, cây ăn quả và là địa chỉ du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn, góp phần xây dựng quê hương Phúc Thọ ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ông Kiều Bình Thanh cho biết: “Hiện chúng tôi đang tập trung đưa các giống hoa mới và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất với mong muốn đưa Tích Giang trở thành điểm tham quan, trải nghiệm du lịch kết hợp mua sắm sản phẩm. Nhân dân mong muốn xây dựng hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để liên kết với các công ty cung cấp giống, khoa học công nghệ, xây dựng nhiều mô hình mới. Người trồng hoa muốn được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn để phát triển làng nghề, được vay vốn ưu đãi để đầu tư cho sản xuất...”.
Nghề trồng hoa, cây cảnh ở Tích Giang có lúc thăng, lúc trầm. Trong khó khăn, các hộ trồng hoa đã năng động tìm kiếm cách làm mới để ổn định thu nhập và đưa làng nghề ngày một phát triển. Để hỗ trợ người trồng hoa, nhiều năm nay, cứ vào dịp giáp Tết Nguyên đán, xã Tích Giang và huyện Phúc Thọ lại tổ chức hội chợ hoa xuân nhằm mở ra cơ hội giao thương, giúp bà con nông dân tiêu thụ hàng hóa, mang lại niềm vui cho cả người sản xuất và người tiêu dùng mỗi dịp Tết đến, Xuân về...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.