(HNM) - Khi nước ta tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì phải tôn trọng và bảo đảm thực hiện những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động đã ký kết; trong đó có quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động
Là thành viên TPP, Việt Nam sẽ đẩy nhanh tiến trình đưa các quyền lao động cơ bản đã thỏa thuận cùng các nước. Trong các quyền này có quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của NLĐ và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em và các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp sẽ không còn. Bên cạnh đó, các quyền về tiền lương tối thiểu, giờ làm việc, bảo đảm an toàn lao động và sức khỏe lao động của NLĐ cũng được tôn trọng. Theo lộ trình, sau khoảng 5 năm chuẩn bị, TPP sẽ có hiệu lực tại Việt Nam.
Người lao động sẽ có quyền lựa chọn tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi khi nước ta tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Ảnh: Gia Hiếu |
Tại các doanh nghiệp, cả người sử dụng lao động và NLĐ đều có nỗi lo. Khi TPP có hiệu lực, cũng như Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập, thị trường lao động tăng trưởng mạnh, tập trung vào các ngành sử dụng số lượng lớn về lao động như may mặc, da giày, thủy hải sản, lắp ráp thiết bị điện tử… Cùng với đó, lao động Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt từ nguồn lao động các nước có trình độ cao. Những lao động chuyên môn giỏi của Việt Nam cũng sẽ di cư tìm môi trường làm việc ở nước ngoài có nhiều tiềm năng hơn. Khi đó, nguy cơ số NLĐ còn lại trong nước, phần lớn không đáp ứng được nhu cầu phát triển vì trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. NLĐ đứng trước nguy cơ mất việc làm, thất nghiệp nếu không nhanh chóng nâng cao trình độ tay nghề. Chủ sử dụng lao động cũng phải đầu tư nâng cấp thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm điều kiện làm việc, thu nhập cũng như quyền lợi để giữ chân NLĐ.
Ngày 18-11, tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trên thực tế Việt Nam đã và đang thực hiện các quy định của ILO theo kế hoạch chủ động của mình. Đối với nội dung về lao động trong TPP, Việt Nam sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và quy định của ILO. |
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, các tiêu chí về lao động trong TPP không phải riêng của TPP; nhưng các nước thành viên TPP cam kết thực hiện Tuyên bố năm 1998 của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, trong đó có quyền của NLĐ và người sử dụng lao động về tự do liên kết và thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể. Tại Việt Nam, các quyền này đã được thực hiện từ lâu, như theo Điều 5 Luật CĐ, NLĐ có quyền thành lập, gia nhập vào hoạt động CĐ. Tuy nhiên, về quyền thành lập tổ chức đại diện của NLĐ theo Tuyên bố năm 1998 của ILO, NLĐ có quyền liên kết lại và thành lập một tổ chức của NLĐ. Tổ chức này đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi được phép hoạt động, họ có thể gia nhập vào hoạt động của tổ chức CĐ Việt Nam, hoặc nếu nhận thấy CĐ Việt Nam hoạt động không hiệu quả, họ sẽ không gia nhập. Vì vậy, việc cam kết thúc đẩy bảo đảm tự do liên kết, thương lượng tập thể với tư cách là thành viên TPP đặt ra những thách thức rất lớn cho tổ chức và hoạt động của CĐ Việt Nam.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, nếu CĐ hoạt động thật sự hiệu quả, mạnh dạn đấu tranh nói lên được tiếng nói của NLĐ, các tổ chức của NLĐ mới ra đời sẽ gia nhập vào tổ chức CĐ Việt Nam. Ngược lại, nếu CĐ hoạt động hời hợt, không hiệu quả và không đấu tranh vì quyền lợi của NLĐ, các tổ chức của NLĐ mới ra đời sẽ không gia nhập vào CĐ Việt Nam. Họ sẽ tự liên kết lại để bảo vệ quyền lợi của NLĐ sao cho hiệu quả hơn tổ chức CĐ hiện tại. Khi đó, chắc chắn tổ chức CĐ hiện tại chỉ là hình thức, không có sức mạnh thực sự.
Để vượt qua thử thách này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang xây dựng chương trình hành động với 5 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, khâu then chốt là cán bộ. Đội ngũ này phải là những thủ lĩnh thực sự của phong trào công nhân, hiểu được nỗi khổ và tâm tư của công nhân. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ nghiên cứu sửa đổi Điều lệ CĐ Việt Nam; tham gia sửa đổi pháp luật lao động và CĐ theo hướng tập trung thực hiện những nội dung liên quan đến chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và các vấn đề về quan hệ lao động; giảm bớt các nhiệm vụ khác ngoài CĐ và ít liên quan đến quan hệ lao động. Tổ chức CĐ đổi mới nội dung và phương thức hoạt động chú trọng vào xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa ban chấp hành Công đoàn cơ sở với đoàn viên, NLĐ và xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa ban chấp hành CĐ cơ sở với người sử dụng lao động để kịp thời giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ tại nơi làm việc…
Nhằm hỗ trợ Việt Nam nhanh chóng thụ hưởng những lợi ích trong thực hiện TPP, ngày 20-11, ILO đã tuyên bố ủng hộ những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong tôn trọng, thúc đẩy và thực thi các quy định về quan hệ lao động sau khi đàm phán xong TPP. Như vậy, bên cạnh quyết tâm nỗ lực vượt bậc để vượt qua thách thức to lớn đang đặt ra, với sự hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ và ILO, tin rằng tổ chức CĐ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ hiệu quả các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản cho NLĐ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.