Giao thông

Nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực ngoại thành

Bài và ảnh: Văn Công 22/07/2023 - 08:39

Là khu vực phát triển mạnh nên ngoại thành Thủ đô đang trở thành “điểm nóng” về ùn tắc và tai nạn giao thông. Trong các năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông ở khu vực ngoại thành tăng đáng kể, cho thấy chúng ta cần có những giải pháp “mạnh tay”, đồng bộ để khu vực ngoại thành Hà Nội giữ được vẻ bình yên vốn có, tránh trở thành “vùng đen” về tai nạn giao thông.

giao-thong-1.jpg
Vào vụ thu hoạch lúa, một số hộ dân ở ngoại thành mang thóc lên phơi trên đường giao thông.

70% số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở ngoại thành

Vào mùa gặt, đi trên tỉnh lộ 427 đoạn qua xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai), bất kỳ phương tiện giao thông nào cũng phải nhường đường cho người dân phơi thóc. Đáng chú ý, đối với xe máy, khi đi trên thóc thì xe rất dễ bị trượt bánh, gây nên các vụ tai nạn không đáng có.

Được biết, tình trạng phơi thóc trên đường giao thông đã diễn ra trong nhiều năm và đã được chính quyền địa phương nhắc nhở, nhưng do các hình thức xử lý chưa đủ sức răn đe nên “đến hẹn lại lên”, người dân lại mang thóc ra đường phơi như chưa có chuyện gì xảy ra.

Theo quan sát của phóng viên, đoạn đường qua xã Tam Hưng tuy không quá hẹp nhưng việc phơi thóc ra lòng đường, có nơi chiếm đến nửa chiều ngang của đường, khiến các phương tiện qua lại đều phải giảm tốc độ, đi sang phần đường còn trống. Ngoài ra, bụi thóc có thể bay vào mắt người tham gia giao thông, gây ngứa ngáy, ảnh hưởng đến tầm quan sát.

Bên cạnh đó, trên các trục đường liên xã của các huyện ngoại thành, tình trạng chiếm dụng lòng đường để bắc rạp đám cưới, đám hiếu diễn ra khá thường xuyên, dễ dẫn đến nguy cơ ách tắc, tai nạn giao thông.

giao-thong-2.jpg
Một gia đình bắc rạp đám cưới lấn ra đường giao thông ở huyện Thường Tín.

Không chỉ các rạp đám cưới, đám hiếu lấn chiếm hành lang giao thông đường bộ mà còn có một số trường hợp lấn chiếm hành làng an toàn giao thông đường sắt. Bà Nguyễn Thị Thứa, sinh sống gần ga Thường Tín, cho biết: “Năm ngoái, có một đám cưới bắc rạp cách đường sắt chỉ 1 mét, buổi chiều chúng tôi đang ăn cỗ thì có tàu hỏa chạy qua. Bạt của rạp bị mắc vào tàu rồi rạp bị tàu kéo đổ. Rất may là không có ai bị thương, nhưng chúng tôi được một phen thót tim”.

Chưa kể, dọc tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên có rất nhiều nhà dân ven đường sắt trồng rau ở hai bên hành lang tàu, họ đi lại qua đường sắt như đi trong vườn rau nhà mình. Thêm nữa, tình trạng đốt rác, cỏ khô ngay sát đường tàu diễn ra khá phổ biến, có thể gây ra những vụ hỏa hoạn đáng tiếc.

Theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: “Ở vùng ngoại thành, hiện tượng bắc rạp đám cưới lấn chiếm lòng lề đường còn khá phổ biến, việc sử dụng rượu bia trong ngày vui cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ, văn hóa khi tham gia giao thông và ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân chưa cao... Đây là một trong những nguyên nhân khiến các vụ tai nạn giao thông tăng nhiều trong thời gian gần đây. Các địa phương cần tuyên truyền và tạo điều kiện cho gia đình sống dọc đường giao thông tổ chức đám hiếu hỷ tại nhà văn hóa, xử lý nghiêm người uống rượu bia tham gia giao thông. Ngoài ra, cần lồng ghép và tăng cường các hình thức tuyên truyền về pháp luật liên quan tới giao thông, xử lý nghiêm minh các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông và người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia”.

giao-thong-3.jpg
3 thanh niên trên chiếc xe máy không đội mũ bảo hiểm và đi với tốc độ cao trên tỉnh lộ 427.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), có khoảng 70% số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở khu vực ngoại thành. Tâm lý chủ quan, phóng nhanh vượt ẩu, hành vi chống đối lực lượng cảnh sát giao thông diễn ra khá phổ biến. Trong thực tế, có những tình huống tưởng chừng như rất đơn giản nhưng chỉ cần một giây lơ là cũng có thể xảy ra tai nạn giao thông, khiến con người đau đớn, dằn vặt suốt đời.

Như cách đây vài năm, trên địa bàn huyện Thường Tín xảy ra vụ tai nạn giao thông khi ông đi đón cháu tan học. Vụ tai nạn này đã cướp đi sinh mạng người ông, chỉ vì chủ quan là nhà ở gần trường (cách khoảng 500 mét) nên đi xe máy mà không đội mũ bảo hiểm và vội vội vàng vàng để còn về kịp giờ chơi thể thao. Hay như dịp cận Tết Nguyên đán vài năm trước, cũng trên địa bàn huyện Thường Tín, một cụ ông khoảng 70 tuổi đi xe đạp để ngắm đào, ngắm quất. Chẳng ai nghĩ tai nạn sẽ xảy ra với ông cụ, nhưng chỉ vì một giây bất cẩn khi tránh người mua cây bên đường mà cụ ông đã mất lái, bị một chiếc xe tải đâm tử vong.

Bên cạnh đó, ven các trục đường lớn thường có các ngôi làng, lối rẽ, đường ngang ngõ tắt nhiều nhưng chủ phương tiện nhiều khi không bật xi nhan khi chuyển hướng, sang đường một cách tùy hứng. Sự bất cẩn đó, trong bối cảnh không phải nơi nào cũng có biển báo giao thông, gờ giảm tốc và tầm quan sát thông thoáng... khiến nhiều vụ tai nạn xảy ra không đáng có.

Để ngoại thành không là “điểm đen” giao thông

Theo chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, số vụ tai nạn giao thông tăng ở khu vực ngoại thành trong những năm gần đây do thành phố mở rộng phát triển ra các khu vực ngoại thành, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đáng kể nhưng hệ thống đèn giao thông, biển báo, vạch kẻ đường, gờ giảm tốc... chưa có sự phát triển đồng bộ. Hơn nữa, ý thức của người tham gia giao thông ở vùng ngoại thành chưa cao, một phần vì áp lực mưu sinh mà người dân chạy quá tốc độ cho phép, chở hàng cồng kềnh gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc; lực lượng cảnh sát giao thông ở vùng ngoại thành còn mỏng, không “phủ sóng” hết các điểm đen, cách thức xử lý hành vi vi phạm giao thông chưa thực sự quyết liệt, chưa đủ sức răn đe.

giao-thong-4.jpg
Tại ngã tư Lý Tử Tấn - Dương Trực Nguyên (huyện Thường Tín) chưa có hệ thống tín hiệu đèn giao thông.

Trước thực trạng trên, để ngăn chặn hành vi không chấp hành luật giao thông, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc người vi phạm, đặc biệt là các hình thức xử lý phải có tính răn đe. Đối với các loại xe tải hoạt động ở khu vực ngoại thành, cần thường xuyên kiểm tra, xử lý những tài xế chở quá tải, vi phạm quy định về tốc độ, hành vi lái xe sau khi uống rượu bia bởi đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, tại tất cả các ngã tư ở khu vực ngoại thành, cần lắp đặt hệ thống đèn giao thông, gờ giảm tốc và camera giám sát...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực ngoại thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.