(HNM) - Trong 10 tháng của năm 2015, với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhiều thủ tục hành chính (TTHC) đã được bãi bỏ, giảm được gánh nặng thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để duy trì
Nhiều thủ tục hành chính đã được bãi bỏ, giảm gánh nặng thủ tục và chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Phong Thu |
Đơn giản hóa 94,7% thủ tục hành chính
Thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết, 10 tháng của năm 2015, nhờ ban hành kịp thời các văn bản nhằm quán triệt và tổ chức thực hiện công tác kiểm soát TTHC, các bộ, cơ quan, địa phương đã đạt được một số kết quả nổi bật trong công tác kiểm soát TTHC. Điển hình như Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã bãi bỏ 11 thành phần hồ sơ liên quan tới việc giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giao dịch về bảo hiểm xã hội được thực hiện qua internet, giảm số lần giao dịch mà doanh nghiệp phải tiến hành mỗi năm từ 12 lần xuống còn 1 lần.
Bộ Công thương tổ chức thực hiện thí điểm "Cấp chứng nhận xuất xứ" qua mạng nhằm giảm gánh nặng về thủ tục cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, thì chính thức ban hành quy trình kiểm tra thuế hướng tới mục tiêu cải cách hành chính, tránh gây phiền hà cho người nộp thuế. Theo đó, các cục thuế sẽ thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế không quá 1 lần/năm (nếu kế hoạch kiểm tra của cơ quan thuế cấp dưới trùng với kế hoạch của cơ quan thuế cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch cơ quan cấp trên để tránh sự chồng chéo). Tổng cục Hải quan chính thức triển khai trên toàn bộ hệ thống cảng biển quốc tế của cả nước cơ chế một cửa quốc gia, tạo điều kiện cho việc thông quan hàng hóa được thuận lợi, nhanh gọn…
Theo các chuyên gia, điều quan trọng để đạt được các kết quả nổi bật trong công tác kiểm soát TTHC là các bộ, cơ quan, địa phương đã quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách. Hầu hết các bộ, địa phương đều bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện kiểm soát TTHC và thiết lập đội ngũ cán bộ đầu mối tại các vụ, cục, đơn vị thuộc bộ, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Hoạt động của hệ thống cán bộ đầu mối đang phát huy được vai trò tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác kiểm soát TTHC, góp phần vào kết quả công tác cải cách hành chính của các đơn vị. Trong đó, kết quả rõ nét là việc thực thi 25 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tính đến quý III năm 2015, các bộ, cơ quan đã ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản hóa 4.471/4.723 TTHC đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 nghị quyết chuyên đề, đạt tỷ lệ 94,7%. Đã có 11/24 bộ, cơ quan đã hoàn thành thực thi đơn giản hóa.
Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính
Dù đạt được những kết quả quan trọng, song thực tế cho thấy công tác kiểm soát TTHC tại các bộ, địa phương vẫn còn không ít hạn chế như: Một số cơ quan chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc đánh giá tác động TTHC tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nhiều bộ, địa phương chậm công bố TTHC; vẫn có tình trạng yêu cầu thêm giấy tờ, tờ khai không đúng quy định, không có phiếu hẹn trả kết quả… Vì vậy, để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại thì điều không thể thiếu là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thực hiện công tác cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC.
Trong kế hoạch kiểm soát TTHC cuối năm, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC. Trong đó, tập trung hoàn thành phương án đơn giản hóa 13 nhóm TTHC trọng tâm; chuẩn hóa và ban hành danh mục TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, ngành, địa phương; công khai kết quả giải quyết TTHC trên cổng thông tin điện tử… Đặc biệt, phải lựa chọn được những quy định, TTHC cần tiếp tục đơn giản hóa.
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cải cách TTHC, lãnh đạo Vụ Pháp chế của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB&XH đều đề cao vai trò chủ động, linh hoạt của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát TTHC trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Do đó, thời gian tới cần quan tâm lựa chọn những người có năng lực để xây dựng hệ thống cán bộ đầu mối làm kiểm soát TTHC tốt hơn nữa.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để công tác kiểm soát TTHC đạt hiệu quả hơn, cần tăng cường cơ chế phối hợp, cũng như cần xây dựng các quy định phù hợp để tạo điều kiện cho các bộ, ngành dễ triển khai, thực hiện. Ông Lê Trọng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ, cho rằng, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC. Việc triển khai cải cách TTHC nên gắn với thực hiện chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.