(HNM) - Thời gian qua, ngành Hải quan thành phố Hồ Chí Minh xem cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ.
Mới đây, tại hội nghị biểu dương 32 doanh nghiệp có đóng góp số thuế lớn cho Nhà nước và 11 doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi cảng, ông Johnathan Hạnh Nguyễn (đại diện cho Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPPG) chia sẻ đánh giá của mình: Cơ quan Hải quan đã chuyển dần từ cơ chế quản lý sang quan hệ đối tác với doanh nghiệp, nhiều chỉ số hài lòng của doanh nghiệp về ngành Hải quan đã tăng...
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn mong muốn ngành Hải quan tăng cường đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hải quan, thủ tục kiểm tra chuyên ngành...
Còn ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh (Korcham) cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Kết quả này có được cũng là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ ngành Hải quan nói chung và Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Cơ quan Hải quan đã sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình thủ tục hải quan, đồng thời đã kiến nghị sửa đổi nhiều bất cập về chính sách... tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua đơn vị đã có nhiều cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính. Đơn cử, cơ quan Hải quan đã phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - đơn vị có hệ thống cảng biển lớn nhất cả nước, thực hiện thành công hệ thống hải quan tự động (VASSCM) tại 16 cơ sở thuộc hệ thống cảng biển và cảng cạn (ICD) thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Ông Ngô Minh Thuấn, Tổng Giám đốc, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho hay, kết quả triển khai tại các cảng thuộc hệ thống của tổng công ty, đặc biệt là cảng Cát Lái, đã đáp ứng theo yêu cầu của việc kết nối giữa hải quan và doanh nghiệp cảng cũng như thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Chúng tôi đã hoàn thành 100% công tác triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động tại 13/13 cảng biển, 6/6 ICD; 2/2 địa điểm kiểm tra, giám sát tập trung; 9/9 kho CFS (kho dùng thu gom, chia tách hàng hóa), 17/17 kho ngoại quan. Năm 2019, Cục Hải quan đặt mục tiêu thu ngân sách nhà nước 108.800 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2018”.
Năm 2019, thành phố Hồ Chí Minh xác định là năm đột phá về cải cách hành chính. Do đó, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh đã đặt ra kế hoạch giảm 70% thời gian thông quan. Kế hoạch này được cụ thể hóa thành các giải pháp như: Xây dựng và triển khai phần mềm hệ thống quản trị hải quan tập trung trên cơ sở đa tích hợp, kết nối quản lý hành chính nội bộ với chỉ đạo điều hành và hỗ trợ xử lý nghiệp vụ, kết nối hoạt động nghiệp vụ với hỗ trợ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Đinh Ngọc Thắng, Cục sẽ tập trung hệ thống hóa, quy chuẩn hóa hoạt động quản lý hành chính và nghiệp vụ, tiến tới phát hành các bộ tài liệu tiêu chuẩn để hướng dẫn cán bộ, công chức thực hiện một cách khoa học, minh bạch, hiệu quả; xây dựng hoàn thiện mô hình trung tâm quản lý, chỉ đạo điều hành bao gồm: Phân tích thông tin eManifest (lược khai hàng hóa điện tử), API (thông tin hành khách trước chuyến bay), thông tin rủi ro, thông tin soi chiếu…
Đồng thời, Cục tiếp tục tổ chức các hội nghị đối thoại, hội thảo hướng dẫn thủ tục; dự kiến đưa vào một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như thành lập tổ hỗ trợ nghiệp vụ, tham vấn thủ tục và triển khai hệ thống kết nối trao đổi thông tin trực tiếp với doanh nghiệp, các hiệp hội thông qua cổng thông tin di động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.