Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị

Tiến Thành| 07/02/2018 08:19

(HNMO) - Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã cận kề, nhu cầu đi lại, mua bán hàng hóa của người dân tăng cao. Để bảo đảm an toàn cho người dân vui Xuân, đón Tết, lực lượng Công an thành phố đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp.

Lực lượng liên ngành xử lý xe ô tô đỗ sai quy định


"Áp lực" không chỉ những tuyến đường chính

Càng gần đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhu cầu đi lại của người dân càng tăng cao, khiến cho những tuyến đường chính của thành phố luôn bị "áp lực". Những tuyến đường, nút giao như: Trường Chinh, Hoàng Minh Giám – Trần Duy Hưng – Nguyễn Chánh, Xuân Thủy – Cầu Giấy, Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương - Tố Hữu, Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, hầm Kim Liên - ngã tư Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch, ngã ba Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng, đê Nguyễn Khoái… luôn có nguy cơ ùn tắc giao thông, nhất là trong giờ cao điểm. Tình trạng ùn ứ giao thông đã bắt đầu xuất hiện trong những ngày gần đây với mật độ dày hơn ở 37 điểm nóng ùn tắc giao thông còn tồn tại trên địa bàn thành phố, đặc biệt là ở những khu vực tập trung nhiều khu đô thị, tòa nhà cao tầng.

Ngoài ra, thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội) cho biết, hiện có 6 triệu xe máy, 600 nghìn xe ô tô được đăng ký quản lý tại Phòng, chưa kể lượng phương tiện giao thông được các cấp, ngành khác quản lý và từ các địa phương khác hoạt động tại thành phố. Ngoài ra, mỗi tháng có khoảng 1.000 ô tô, xe máy đăng ký mới, tạo áp lực rất lớn lên giao thông, đô thị của Hà Nội. Trong khi đó, công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực này chưa triệt để.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt nhận định, có 6 nguyên nhân khiến công tác xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, văn minh đô thị chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đó là phương tiện cá nhân tăng nhanh, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe, việc ban hành văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông còn chậm. Cùng với đó, công tác tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; phương tiện, công cụ hỗ trợ lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát, xác định vi phạm còn thiếu thốn. Quan trọng hơn hết, ‎ý thức người tham gia giao thông vẫn chưa cao.

Thượng tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự (Công an TP Hà Nội) cho biết, sau khi HĐND TP Hà Nội thông qua đề xuất tăng mức phí thuê lòng đường, vỉa hè, các cơ sở trông giữ phương tiện lợi dụng quyết định này để tăng giá trái quy định, đồng thời xảy ra tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi trông giữ xe. Thượng tá Trần Đình Nghĩa cũng đánh giá, áp lực về công tác trật tự đô thị cũng phát sinh từ hàng trăm chợ tạm, chợ cóc họp ở hành lang an toàn giao thông, khuôn viên chung cư, khu đô thị… Ngoài ra, dịp Tết cũng là thời điểm "nở rộ" những chợ dân sinh của người dân tự mở để buôn bán cây cối, thực phẩm… Đồng thời, hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện sau 24h, việc đón trả khách của xe ôm, taxi tại các nhà ga, bến xe, bệnh viện, kinh doanh buôn bán tại công viên, hồ nước, điểm vui chơi giải trí công cộng… cũng tạo áp lực đối với công tác bảo đảm trật tự, văn minh đô thị dịp Tết.

Tăng cường lực lượng, bảo đảm an toàn

Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, lực lượng Công an thành phố sẽ tổ chức ứng trực 100% quân số làm nhiệm vụ, phục vụ hiệu quả các hoạt động vui Xuân, đón Tết của nhân dân. Trong đó, lực lượng công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã tổ chức tốt việc chủ động nắm tình hình, điều tra cơ bản về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông để nắm chắc những tụ điểm phức tạp, từ đó đề ra các biện pháp xử lý cụ thể. Đồng thời chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể vào cuộc chung tay giải quyết vi phạm về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông.

Lực lượng Công an thành phố kiên quyết không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, đồng thời kéo giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ nghiêm trọng. Công an thành phố cũng chú trọng xử lý các vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông. Đồng thời, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự đô thị, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh và trông giữ phương tiện trái phép trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Song song với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, kinh doanh buôn bán trên các tuyến phố, tuyến đường.

Các phòng nghiệp vụ và công an các cấp của thành phố tăng cường lực lượng tại 352 chốt trọng điểm, 63 điểm chợ hoa xuân phục vụ Tết, chủ động xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự tại 31 trận địa bắn pháo hoa trên địa bàn Thủ đô. Công an thành phố cũng tập trung kiểm tra, xử lý các phương tiện và người điều khiển phương tiện chở khách ngang sông, khách du lịch… vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm tại các điểm tổ chức lễ hội liên quan đến sông nước, nhất là lễ hội chùa Hương... Tất cả nhằm bảo đảm cho nhân dân Thủ đô đón Tết vui tươi, an toàn, bình an.

Năm 2017, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội đã phát hiện 499 điểm trông giữ xe không phép, cùng với 1.850 điểm vi phạm trật tự đô thị, 601 điểm kinh doanh hoạt động sau 24h, 193 tụ điểm chợ cóc, chợ tạm, 105 tụ điểm bán hàng rong trên địa bàn 12 quận. Trên cơ sở đó, lực lượng chức năng đã tập trung xử lý, làm giảm vi phạm về trật tự đô thị tại 211 điểm, tháo dỡ 16.258 lều quán, mái che, mái vẩy, 30.512 bục bệ, cầu dẫn; xử lý, giải tỏa 195 chợ, sắp xếp 93 chợ cóc, chợ tạm; tổ chức lại, kẻ mới vạch sơn trên hè phố tại 739 tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.