(HNM) - Ngày 3-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2010, phương án phân bổ dự toán ngân sách năm 2011. Cũng như phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội bày tỏ băn khoăn với tình trạng nợ công gia tăng.
Cơ cấu lại các khoản chi ngân sách
Xem xét số liệu tổng hợp tại báo cáo của Chính phủ, các ĐB Quốc hội ghi nhận việc thực hiện dự toán ngân sách năm 2010 đã có cố gắng. Điều này thể hiện ở kết quả tăng thu 58.600 tỷ đồng và giảm bội chi từ mức 6,2% xuống còn 5,9%. Song cũng có ý kiến cho rằng, có hiện tượng địa phương xây dựng dự toán rất thấp để lấy thành tích thu cao. Cuối năm thu không đạt thì bán đất, mượn các doanh nghiệp để đóng góp vào thuế năm trước bù năm sau, lấy thành tích vượt thu. ĐB Trịnh Thị Nga (Phú Yên) nêu ý kiến, thu chi ngân sách còn nhiều sơ hở dẫn đến thất thoát. Cụ thể là chi tiếp khách, chi thưởng lúc quá chặt, lúc quá lỏng. Hiện nay, quy định chi hội nghị, chi tiếp khách tương đối thoải mái, cần siết lại. Cũng về vấn đề này, ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho rằng muốn chữa căn bệnh trầm kha bội chi ngân sách lớn, cần phải bắt đầu từ giảm hội họp. "Nhiều đại biểu đang đề nghị giảm bớt hội họp. Nhất là cán bộ dưới xã, huyện rất sợ họp, vì họp nhiều quá, anh em không đủ tiền đi họp".
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, Chính phủ cần trình bày rõ cơ cấu nợ, vì khó có thể yên tâm khi nợ công của Việt Nam tăng nhanh trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng và chỉ số ICOR cũng tăng tới gần 2 chữ số, tức là chi ra 10.000 đồng chỉ lãi 1.000 đồng. ĐB Nguyễn Minh Thuyết phân tích: "Điều này vi phạm nguyên tắc cơ bản của nợ công bền vững và như vậy có cơ sở để lo lắng rằng GDP càng tăng thì nợ càng tăng, khả năng trả nợ ngày càng khó". ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bổ sung, Chính phủ nên nêu rõ, nợ công đang ở ngưỡng an toàn nhưng phải làm rõ mức bao nhiêu là ngưỡng an toàn. ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cảnh báo "không thể tự cho rằng Việt Nam đang ở mức an toàn về tài chính quốc gia trong điều kiện thách thức hiện nay". Bởi nợ công đang tăng qua từng năm, lần lượt là 33,8%, 36,2%, 41,9% GDP trong các năm 2007-2009 và dự báo năm 2010 tăng lên 44,6% GDP. Để giảm áp lực nợ công, các ĐBQH đề nghị cơ cấu lại các khoản chi ngân sách một cách hợp lý, hiệu quả, xử lý sắp xếp theo các doanh nghiệp nhà nước, chấn chỉnh hoạt động đầu tư; giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống 5% GDP; thực hiện nghiêm túc Luật Quản lý nợ công...
Nợ công có đáng quan ngại
Theo ĐB Lương Phan Cừ (Đắk Nông), bên cạnh lo lắng về bội chi, dư nợ Chính phủ, nợ công cao đe dọa an toàn, an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô... thì nhiều ý kiến nêu lên nhu cầu đầu tư vào công trình hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn, điện... Lấy tỉnh Đắk Nông làm ví dụ, ĐB cho biết, muốn tăng trưởng 10%-15%, tỉnh phải huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng và đang cần tới gần 1.000 tỷ đồng. Nếu khoản đầu tư này không dựa vào trái phiếu Chính phủ hoặc các nguồn khác của trung ương thì Đắk Nông khó thực hiện được kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011-2015. Như vậy vấn đề đặt ra là với khả năng thu ngân sách và nhu cầu chi hiện nay, nếu không bội chi, phát hành trái phiếu Chính phủ thì ngân sách làm sao có thể cân đối cho những nhu cầu đầu tư phát triển được. Vì vậy, nếu bội chi để đầu tư phát triển thì nợ công có cao cũng không đáng quan ngại.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nêu, năm 2011 nên đặt vấn đề sắp xếp ngân sách theo hướng tăng chi cho phúc lợi và an sinh xã hội, cho con người. Còn chi cho đầu tư sẽ khai thác nhiều nguồn vốn, với nhiều phương thức khác nhau. Ngoài đáp ứng yêu cầu thật cơ bản giữa các địa phương, cũng đưa ra một số căn cứ, tiêu chí mới để bảo đảm điều hành hợp lý, để có nhiều nguồn thu hơn, thu được nhiều hơn. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH cho biết, Trung ương vẫn phải giữ một khoản để điều hòa, bổ sung giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, bảo đảm xử lý tập trung, chủ động.
Giải trình về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, nếu ngân sách tự cân đối được, không phải đi vay là "hạnh phúc nhất". Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói: "Các khoản nợ công như Chính phủ báo cáo là chính xác, được tính theo tỷ giá hiện tại và không bao gồm nợ của doanh nghiệp. Hiện nay, nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.