(HNMO) - ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) bày tỏ quan điểm trên khi đóng góp ý kiến về nội dung giám sát việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất trong sáng 23-5.
Lựa chọn 2 trong 4 vấn đề giám sát trong năm 2018
Tiêu chí để lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trong chương trình giám sát năm 2018 là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất. Ngoài ra, các nội dung này cũng không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, UBTVQH tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất.
Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, UBTVQH đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp (CPHDN) nhà nước; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ. |
Thời điểm giám sát nhiều nội dung chưa hợp lý
Ngay sau đó, thảo luận tại tổ về nội dung này, các đại biểu (ĐB) ở Đoàn ĐBQH Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, 2 nội dung giám sát đầu tiên đang gắn liền với đời sống xã hội hiện nay. Việc sắp xếp, CPHDN đang được cử tri đặc biệt quan tâm, đặc biệt là việc đánh giá khách quan, minh bạch tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp này.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn. |
Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, ĐB Nguyễn Quang Tuấn khẳng định: "Chúng ta vay để tạo động lực phát triển kinh tế, tạo nguồn đầu tư. Tuy nhiên, gần đây đầu tư của chúng ta đôi khi dàn trải, thiếu hiệu quả, cần giám sát xem đầu tư như vậy có lợi hay chưa có lợi; yếu kém, khúc mắc ở đâu để tìm giải pháp giải quyết. Chúng ta càng vay càng tăng nợ công. Nợ công không xấu nhưng đầu tư không hiệu quả là xấu, gây hậu quả cho cả xã hội".
Cùng góp ý về nội dung giám sát thứ hai, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, nội dung này là cần thiết, tuy nhiên, nếu giám sát tại thời điểm hiện tại là chưa hợp lý. ĐB Vũ Thị Lưu Mai lý giải, Quốc hội vừa thông qua tại kỳ họp trước về kế hoạch đầu tư công trung hạn, sử dụng 2 triệu tỷ đồng nguồn vốn từ ngân sách, trong đó có một phần nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ và ODA. Hiện nay, việc phân bổ chưa hoàn tất nên nếu giám sát, sẽ không rõ nội dung giám sát là gì.
Đồng tình với quan điểm của ĐB Lưu Mai, ĐB Nguyễn Quốc Bình cũng cho rằng, nội dung giám sát về nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài chỉ nên thực hiện khi đã phân bổ xong nguồn vốn.
Ngoài ra, cũng theo ĐB Nguyễn Quốc Bình, nội dung giám sát đầu tiên về việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, CPHDN nhà nước cũng nên lùi lại, vì hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện sắp xếp, CPHDN.
ĐB Hoàng Văn Cường. |
Đưa ra một quan điểm khác, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, giám sát không có nghĩa là việc đó xong rồi thì mới thực hiện mà phải có tính song hành với quá trình thực hiện để góp phần điều chỉnh những gì không tốt. Do đó, cần giám sát những việc đang thực hiện hơn là những việc đã kết thúc.
Với hai nội dung giám sát đầu tiên được UBTVQH đề nghị Quốc hội xem xét thực hiện trong năm 2018, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, đây là những vấn đề giúp tháo gỡ những nút thắt của nền kinh tế hiện nay. Nếu không giám sát việc sắp xếp, CPHDN sẽ không phát hiện những vướng mắc vì sao quá trình CPH lại chậm trễ hoặc để CPH xong sẽ có hàng loạt những sai phạm; tương tự, việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay nước ngoài có liên quan chặt chẽ đến nợ công nên phải giám sát quá trình vay và sử dụng để đạt hiệu quả.
Cần tái giám sát ngay những vấn đề bức xúc
Tiêu chí để lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trong chương trình giám sát năm 2018 được nêu ra là không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, UBTVQH tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng cũng đã nhận được nhiều ý kiến từ đoàn ĐBQH Hà Nội.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọccho rằng, có những vấn đề tiếp tục gây bức xúc trong dư luận xã hội thì cần phải tái giám sát ngay. Căn cứ về mốc thời gian 18 tháng mà UBTVQH nêu ra chưa rõ. ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu ví dụ, về vấn đề phòng cháy chữa cháy, HĐND TP Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội tiến hành giám sát liên tiếp và đã phát huy nhiều hiệu quả.
ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc. |
ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đánh giá, các căn cứ lựa chọn 4 nội dung giám sát để đưa ra lấy ý kiến của UBTVQH rất tốt, cho thấy sự cần thiết phải giám sát trong năm 2018. Ví dụ Luật Giao thông đường bộ ban hành từ năm 2008 đến nay, sau hơn 9 năm thực hiện cần phải có giám sát về việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Theo ĐB Nguyễn Quốc Bình, nội dung giám sát thứ 3 rất quan trọng, bởi những năm qua, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương quyết liệt nhằm bảo đảm an toàn, hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vi phạm Luật Giao thông; tai nạn không giảm, vẫn tăng; tình trạng kinh doanh vận tải trái phép; bất cập về giấy phép kinh doanh; phương tiện quá tải, siêu trường, siêu trọng vi phạm nhiều... Do đó, Quốc hội nên tiến hành giám sát ngay tại kỳ họp thứ năm trong năm 2018. Đối tượng giám sát là từ Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an cùng các cơ quan có liên quan cho đến các tỉnh, thành trên phạm vi toàn quốc.
ĐBQH Nguyễn Văn Chiến. |
ĐB Nguyễn Văn Chiến nêu quan điểm, ngoài 4 nội dung giám sát được UBTVQH đưa ra để xem xét, quyết định, còn thiếu nhiều nội dung quan trọng, đang thực sự cần thiết phải xem xét trong năm 2018, như việc thực thi quy định của pháp luật về đất đai đang nảy sinh nhiều vấn đề nóng, nhiều bất cập. Vừa qua, một loạt điểm nóng nổi lên cũng do vấn đề đất đai, mà một trong những nguyên nhân là do không có chương trình giám sát để xem xét nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp. Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp cũng đã nêu, 60-70% vụ tranh chấp đất đai phát sinh ngày càng phức tạp.
Ngoài ra, theo ĐB Nguyễn Văn Chiến, năm 2017, cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ với nhiều hoạt động cao điểm hướng tới đền ơn đáp nghĩa. Trên thực tế, nhiều người dân đã đổ xương máu, có người thân trong gia đình đã hy sinh cho ngày thống nhất đất nước hôm nay, nhưng hơn 60 năm qua, họ vẫn chưa nhận được sự đền đáp, hỗ trợ xứng đáng. Do đó, ĐB cho rằng việc giám sát bảo đảm chính sách của nhà nước về đền ơn đáp nghĩa là hợp lòng dân và cần được giải quyết thấu đáo trong giai đoạn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.