(HNM) - Khép lại năm 2019 với những kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Hà Nội chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 trong niềm hân hoan, náo nức. Niềm vui ấy như được nhân lên, nối dài theo năm tháng bởi thành phố và các địa phương đã, đang và tiếp tục trợ giúp người nghèo bằng chuỗi giải pháp phù hợp, khả thi, bảo đảm không để người nào bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển.
Cuộc sống đổi thay
Bị câm, điếc bẩm sinh, nhiều năm qua, ông Phan Anh Định, thôn Đìa, xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) sống lầm lũi một mình trong căn nhà xuống cấp. Nguồn trợ cấp xã hội 525.000 đồng/tháng chỉ đủ cho sinh hoạt tối thiểu, ông Định chưa bao giờ nghĩ đến tương lai sẽ có ngôi nhà mới khang trang, thoát khỏi cảnh nghèo. Dùng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phan Anh Định phấn khởi: “Thời gian qua, tôi đón nhận tin vui liên tiếp. Nào là nhà mới, tiền trợ cấp hằng tháng tăng lên, nào sự quan tâm, giúp đỡ thường xuyên cả về vật chất, tinh thần của bà con lối xóm, rồi những suất quà Tết... Cuộc sống của tôi đã bước sang trang mới.”
Phía sau niềm vui thoát nghèo của hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Đông Anh - huyện đầu tiên của thành phố không còn hộ nghèo - trong năm 2019, có sự chung tay giúp sức của các cơ quan chức năng và cộng đồng. Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh, ngoài việc triển khai các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố, huyện đã trích ngân sách, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hóa với số tiền hàng tỷ đồng để trợ giúp thêm cho những đối tượng yếu thế không có khả năng tự thoát nghèo, bao gồm cả đối tượng đang hưởng các chính sách bảo trợ xã hội. Đến thời điểm này, 100% trường hợp có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đông Anh đều nhận được mức trợ cấp hằng tháng bằng mức chuẩn nghèo của thành phố, tương ứng với 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn.
Tương tự huyện Đông Anh, trong năm vừa qua, quận Hai Bà Trưng đã đạt những kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo, khi toàn quận không còn cả hộ nghèo và cận nghèo. Các quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Nam Từ Liêm đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo trước thời hạn. Những địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số như Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai và Thạch Thất cũng giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo… Tính chung, toàn thành phố giảm được 15.382 hộ nghèo trong năm 2019, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm xuống còn 0,42%, vượt xa kế hoạch đề ra. Đến thời điểm này, Hà Nội có 9/30 quận, huyện, thị xã và 191/584 xã, phường, thị trấn không còn hộ nghèo.
Còn ở các trung tâm bảo trợ xã hội, những hoàn cảnh yếu thế cũng nhận được sự quan tâm, chăm sóc đủ đầy. Bà Nguyễn Thị Thực (thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng), hiện ở phòng 8, nhà B2, Trung tâm Bảo trợ xã hội 3, phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cho biết, hoàn cảnh bà tuổi cao, sống đơn thân, lại mắc nhiều bệnh mạn tính, trước đây thiếu thốn đủ bề. Nhà không có, bà phải đi ở nhờ nay chỗ này mai chỗ khác... “Từ khi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 (tháng 9-2019), niềm mong ước bấy lâu của tôi dần trở thành hiện thực. Chúng tôi đã, đang nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ”, bà Thực bày tỏ.
Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã cận kề, những động viên, chia sẻ ân cần chính là động lực để người nghèo và các đối tượng yếu thế thêm lạc quan, nỗ lực học tập, làm việc vì cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn.
Tiếp thêm động lực, niềm tin
Bước trên những nẻo đường nhộn nhịp không khí đón Tết, chứng kiến cuộc sống đổi thay theo hướng tích cực của người nghèo và các đối tượng yếu thế, ai nấy đều phấn khởi. Song, niềm vui ấy chưa trọn vẹn, bởi ở đâu đó trên địa bàn thành phố vẫn còn những đứa trẻ phải sống xa gia đình, lang thang xin tiền và vẫn còn những người già đang phải vất vả mưu sinh. Rồi, kết quả hỗ trợ giảm nghèo tuy cán đích trước thời hạn, song ở nhiều địa phương vẫn chưa bền vững. Chẳng hạn, xã Ba Vì (huyện Ba Vì) tuy chỉ còn 39 hộ nghèo (7,47%), nhưng số hộ cận nghèo, có nguy cơ tái nghèo vẫn chiếm gần 50% tổng số hộ trên địa bàn xã. Tương tự, xã An Phú (huyện Mỹ Đức) vẫn còn tới 139 hộ nghèo (bằng 6,51%) và 123 hộ cận nghèo (bằng 5,76%)… Năm 2019, toàn thành phố có tới hơn 14.000 hộ cận nghèo mới phát sinh, nhiều hơn số hộ thoát khỏi diện cận nghèo trong năm… Trong số những hộ nghèo còn lại, đa số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đủ khả năng tự thoát nghèo. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng và cộng đồng cần chung tay trợ giúp bằng chuỗi giải pháp phù hợp, khả thi hơn mới có thể hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Quang Hồng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy cho rằng, trước hết người dân phải có việc làm, thu nhập đều đặn; giảm nhanh tỷ lệ lao động thất nghiệp. Xác định rõ điều này, các phường trên địa bàn quận luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người được tiếp cận với cơ hội có việc làm bằng cách cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ học nghề hoặc hỗ trợ phương tiện, công cụ để sản xuất, kinh doanh (máy khâu, máy ép nước mía, tủ đông, xe máy…). Những gia đình không may gặp khó khăn đột xuất sẽ được trợ giúp phù hợp với từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể và kinh phí hỗ trợ giảm nghèo chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Cũng nhờ giải pháp trao “cần câu” để những đối tượng cần sự trợ giúp tự “câu cá”, các quận Ba Đình, Thanh Xuân và Tây Hồ không để gia đình nào tái nghèo trong những năm gần đây…
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2020, các ngành, địa phương sẽ tập trung vào giải pháp hỗ trợ giảm nghèo theo hướng tạo đòn bẩy, động lực để những người còn khả năng lao động có thể tự vươn lên. Đối với những trường hợp đặc biệt như người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật nặng, người mắc các bệnh hiểm nghèo là thành viên thuộc diện hộ gia đình không có người còn khả năng lao động…, họ tiếp tục nhận được nguồn trợ cấp hằng tháng theo nội dung Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 của HĐND thành phố quy định “Một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống của thành phố Hà Nội”. Mức trợ cấp bằng mức chuẩn nghèo của thành phố, tương ứng với 1,4 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, thành phố khuyến khích các địa phương chủ động huy động nguồn kinh phí, để có thể hỗ trợ thêm cho các đối tượng đang hưởng các chính sách bảo trợ xã hội với số tiền nhận được hằng tháng thấp hơn mức chuẩn nghèo của thành phố, tương tự như huyện Đông Anh đang triển khai.
Vẫn biết cuộc sống của một số người, gia đình còn khó khăn và việc hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020 là nhiệm vụ không dễ thực hiện đối với nhiều địa phương vùng ngoại thành. Song, nhìn vào kết quả giảm nghèo ấn tượng trong những năm vừa qua, chúng ta có thể tin tưởng đích đến toàn thành phố Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo, không có ai bị bỏ lại phía sau sẽ sớm hiện hữu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.