Theo dõi Báo Hànộimới trên

Niềm hy vọng lớn lên

Hoàng Trung| 07/02/2010 08:10

(HNM) - Tác giả là một tiến sĩ văn học- nhà văn Hàn Quốc Lee Dae Hwan. Nhân vật là nguyên Thủ tướng Hàn Quốc Park Tae Joon, Chủ tịch danh dự của Tập đoàn Sản xuất thép POSCO…

Cuốn sách “Người đàn ông của thép, Park Tae Joon” đã ra mắt độc giả Việt Nam, dịch từ bản tiếng Hàn phát hành năm 2004, vừa như một tác phẩm văn học, lại vừa là một tư liệu tham khảo quý giá về lý tưởng - nhân cách của một con người với nhiều quyết tâm thay đổi cả đất nước Hàn Quốc.

Câu chuyện về cuộc đời và lý tưởng của Park Tae Joon như chính tác giả, nhà văn Lee Dae Hwan, “Thời thế tạo anh hùng, anh hùng khai mở cho chân trời lịch sử”. Cậu bé Park Tae Joon đã lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang chìm đắm trong những chia cắt, chiến tranh, những bần cùng, đói khổ, tham nhũng, binh biến. Quyết tâm và niềm tin vào một sự thay đổi lịch sử đã thôi thúcPark từng bước trưởng thành. Và sau đó 25 năm, năm 41 tuổi, Park Tae Joon đã bắt đầu gánh vác trên vai mình cả một “núi thép” của sự nghiệp quốc gia, xây dựng và quản lý nhà máy chế tạo thép liên hợp. Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm sản xuất thép, ông Park đã xây dựng thành công POSCO với những hướng đi được quyết định sáng suốt và cả quá trình triển khai đầy nhiệt huyết và sáng tạo. Còn bây giờ, khi ông đã cất bỏ gánh nặng khổng lồ kia, POSCO đã là một doanh nghiệp hàng đầu thế giới, cũng như Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa.

Đó là thành quả của một con người với lý tưởng “Hiến dâng cuộc đời ngắn ngủi cho tổ quốc bất diệt”… Trong cuốn sách cũng có ghi lại nguyên văn báo cáo cuối cùng lên TổngthốngParkChungHeecủaPark Tae Joon: “Ngoảnh đầu nhìn lại, đó là một chặng đường của xa ngái chông gai. Dẫn dắt ba mươi chín nhân viên cốt cán sáng lập công ty, những người đến cả một cái lò cao cũng chưa bao giờ trông thấy, khi đặt chân đến cánh đồng cát của Pohang, trên bãi đất hoang không chút vốn liếng, không kỹ thuật, cũng không kinh nghiệm, cũng có lúc tôi tránh sao khỏi thầm oán trách Tổng thống. Trước thái độ đối xử lạnh lùng của những cường quốc sắt thép tiên tiến đã độc chiếm về vốn và kỹ thuật, cảm nhận đến tận gan ruột cái hạn chế của sức lực quốc gia mà tôi chỉ biết thở dài. Phải chịu đựng những mưu mô, sự tị hiềm lẫn nỗi ô nhục vô cớ, cũng có lúc tôi muốn ngã gục theo đó. Mỗi lúc như thế, tôi dám nói rằng điều vực tôi đứng dậy chính là đức tin cháy bỏng như lửa đỏ của Tổng thống, rằng: Sắt thép là sức mạnh quốc gia”.

Như một sự tình cờ, nhà văn Lee Dae Hwan sinh ra tại nơi công ty thép POSCO đổ bộ xuống và ông cũng phải buộc rời khỏi làng quê mình khi 10 tuổi cũng chính vì POSCO. “Làng quê tôi lúc bấy giờ có một cô nhi viện quy mô có thể nói là lớn nhất thế giới. Nơi đó nuôi dưỡng hơn 500 trẻ em mồ côi là nạn nhân của chiến tranh, nghèo đói, và người bạn học thân như hình với bóng của tôi thời cấp I cũng là một người bạn mồ côi. Vào thời điểm phải rời khỏi làng quê, ở làng tôi những lá cờ của cái gọi là nhà máy luyện gang, nhà máy luyện thép tung bay phấp phới. Lẽ tất nhiên, lúc đó tôi vẫn còn chưa biết những thứ đó là cái gì?”. Nhưng thời gian đã trả lời cho ông, đó chính là lá cờ của niềm hy vọng Hàn Quốc… Có một chút gì đó tương đồng với bạn đọc, nếu như bạn đang chứng kiến những đổi thay và kể cả những hy sinh của riêng mình, của quê hương mình… cho những nỗ lực của cả một dân tộc trong những vận mệnh về công nghiệp hóa, tái thiết đất nước… Dường như ở mỗi nơi đó, có cả ngàn những niềm hy vọng đang lớn lên chăng?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Niềm hy vọng lớn lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.