Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những việc làm táng tận lương tâm

Đức Trường| 08/08/2013 05:38

(HNM) - Chiều 7-8, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đã vi phạm quy định quy trình xét nghiệm và phạm vào 12 điều răn về y đức.

Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.


Nhiều người nhận trùng kết quả xét nghiệm

Sáng 7-8, chúng tôi có mặt tại BV Đa khoa Hoài Đức chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân đến khám trong tâm trạng cực kỳ lo âu. Bà Nguyễn Thị Thanh, 47 tuổi, người thôn Yên Bệ, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) nói: "Các bác sĩ được Nhà nước đào tạo để khám, chữa bệnh cho người dân mà lại để xảy ra sai phạm như thế làm tôi không dám tin vào kết quả khám và chữa bệnh nữa". Mối lo ngại của bà Thanh cũng như hàng nghìn lượt bệnh nhân đã đến khám tại BV Đa khoa Hoài Đức hoàn toàn có cơ sở khi mà kết quả xét nghiệm máu của họ rất có thể trùng với bệnh nhân khác.

Bà Hoàng Thị Nguyệt, kỹ thuật viên trưởng của khoa Xét nghiệm vừa trả lời những câu hỏi của phóng viên vừa chảy nước mắt vì quá bức xúc với những sai phạm đã kéo dài ở đây. Những sai phạm của một nhân viên trong khoa Xét nghiệm đã được bà Nguyệt cùng một số cán bộ ở đây phát hiện từ tháng 7-2012, nhưng những phán ánh của bà lên Giám đốc BV Nguyễn Trí Liêm và Ban Giám đốc BV bằng nhiều hình thức như: Góp ý trực tiếp, có ý kiến trong các cuộc họp giao ban… tất thảy đều bị phớt lờ. Thậm chí, ông Liêm và bà Vương Kim Thành, Trưởng khoa Xét nghiệm còn có hành vi bao che sai phạm và trù dập những người góp ý.

Theo những tài liệu thu thập được, có hàng trăm cặp đôi, cặp ba, cặp bốn và thậm chí cặp năm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm máu trùng nhau, chưa kể những xét nghiệm khác. Đơn cử, kết quả xét nghiệm máu của bà Nguyễn… Mai, 86 tuổi và của cháu Phí… Nam, 3 tuổi (nguyên văn tên bệnh nhân trong sổ ghi kết quả xét nghiệm) có hầu hết các chỉ số trùng nhau một cách kỳ lạ. Nguyên nhân của điều kỳ lạ trên là do những chỉ đạo điều hành kỳ quặc của ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc BV. Mọi sai phạm đều xuất phát từ những nhân viên của bộ phận xét nghiệm ngoại viện mà ông Liêm mới tách ra. Đa số họ là nhân viên hợp đồng ngắn hạn và nhân viên mới tuyển dụng đang trong giai đoạn tập sự nhưng họ lại nhận được chỉ đạo của ông Liêm cho phép ký trả lời tất cả các kết quả xét nghiệm. Táng tận lương tâm hơn, ông Liêm với sự tiếp tay của bà Thành đã để những nhân viên này lấy máu của bệnh nhân nhưng không làm xét nghiệm mà vứt đi hoặc để máu khô, rồi họ tự in ra nhiều kết quả từ một mẫu máu khác để gắn trả cho nhiều người bệnh có giới tính khác nhau, độ tuổi khác nhau và bệnh cũng khác nhau.

Phiếu xét nghiệm có kết quả trùng. Ảnh: Nguyễn Tùng


Lộ rõ dấu hiệu tham nhũng

Không chỉ có vậy, ông Liêm và bà Thành đã bộc lộ những khuất tất trong việc liên kết với Công ty cổ phần Dược Hà Tây (HATAPHAR) đặt máy xét nghiệm tại khoa Xét nghiệm BV Đa khoa Hoài Đức. Theo thông tin từ Sở Y tế, năm 2008, Sở bố trí mua một máy xét nghiệm của Đức cấp cho BV Hoài Đức; đến năm 2010, Sở lại mua thêm một máy xét nghiệm nữa cấp cho BV. Thế nhưng chỉ sau một năm dùng, BV đã báo cáo là máy xét nghiệm bị hỏng và "đắp chiếu" để đấy. Trong khi đó, theo phản ánh của các cán bộ trong khoa, mấy cái máy xét nghiệm của khoa chỉ bị hỏng những bộ phận nhỏ như bàn phím, dây bơm và rất dễ sửa chữa. Tuy nhiên ông Liêm đã không cho sửa và nhập kho mấy máy xét nghiệm này. Việc "đắp chiếu" các máy xét nghiệm sẽ tạo cớ để ông Liêm dễ dàng liên kết đặt máy với đơn vị khác. Điều đáng lo ngại là việc đặt máy này còn liên quan đến việc sử dụng các hóa chất kèm theo.

Trưa 7-8, bà Hoàng Thị Nguyệt bày ra trước mặt chúng tôi vài chiếc phong bì của Công ty HATAPHAR còn nguyên chữ ký niêm phong của những người trong khoa Xét nghiệm và cả số tiền trong một phong bì đã được mở. Bà Nguyệt kể lại: Ngày 13-11-2012, một người tên là Hùng, đại diện đơn vị liên kết đặt máy xét nghiệm, đã trao cho bà Nguyệt chiếc phong bì và nói là Công ty cổ phần Dược Hà Tây gửi. Hôm đó, bà Nguyệt được giao phụ trách khoa khi bà Thành đi vắng. Bà Nguyệt hỏi Hùng rằng: "Tiền phần trăm được công ty trích chi cho lãnh đạo như thế nào?". Người này trả lời: "Chị cứ biết đây là phần trăm dành cho chị, còn các sếp thì đây là chuyện tế nhị, chị thông cảm". Biết đây là đồng tiền không minh bạch, bà Nguyệt đã mời bà Oanh, bà Toàn (hai nhân viên phòng xét nghiệm) đến làm chứng ký niêm phong, thống nhất giữ lại làm cơ sở theo dõi giám sát và báo cáo. Sau ngày 13-11-2012, bà Thành thông báo là tập thể khoa được công ty gửi phong bì. Bóc phong bì, bà Nguyệt và những cán bộ trong khoa thấy 5,1 triệu đồng và một tờ giấy nhỏ ghi số hóa chất tiêu thụ được. Sau đó, số tiền này được chia cho từng cá nhân có ký nhận, riêng bà Thành nhận nhưng không ký. Còn 3 người là Nguyệt, Oanh, Toàn không nhận tiền và không ký. Lần nhận tiền thứ hai diễn ra vào ngày 27-12-2012. Bà Nguyệt lại mời bà Oanh, bà Toàn đến ký niêm phong. Hôm đó, nhân viên của công ty đặt máy gặp riêng bà Thành. Ngày hôm sau, bà Thành đưa cho tập thể 1 phong bì và nói là Công ty cổ phần Dược Hà Tây gửi. Sau khi bóc phong bì, bên trong có 3 triệu đồng, được chia cho các thành viên. Bà Nguyệt, bà Oanh, bà Toàn không nhận tiền mà giữ lại làm chứng cứ.

Nghe chuyện, chúng tôi không khỏi thắc mắc: Ngay cả những nhân viên bình thường còn được chia tiền như vậy, thử hỏi lãnh đạo BV sẽ được chia bao nhiêu?

Một điều nữa đáng lưu ý, trên bảng danh mục thuốc, hóa chất trúng thầu 6 tháng đầu năm 2012 có loại hóa chất Cellclean, Cellpack, Stronalyso dùng cho máy huyết học Sesmex (máy đơn vị liên kết đặt) là loại hóa chất có chất lượng không ổn định và hoàn toàn không do bộ phận chuyên môn dự trù song vẫn lọt vào danh sách trúng thầu. Hóa chất Mission dùng cho máy Mission U120 là hóa chất không có trong danh mục trúng thầu nhưng vẫn được nhập và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, một số hóa chất như HbsAg với hai chủng loại, huyết thanh mẫu Diagast cũng không có tên trong danh mục trúng thầu. Những khuất tất như vậy dễ khiến dư luận và bệnh nhân đặt câu hỏi: "Liệu chất lượng của các kết quả xét nghiệm có đáng tin cậy?".

Khi chúng tôi đề nghị được gặp ông Nguyễn Trí Liêm thì ông Đoàn Thịnh Trường, Phó Giám đốc BV ra tiếp và yêu cầu để lại số máy điện thoại để liên lạc, hẹn gặp sau. Gọi điện trực tiếp cho ông Liêm thì thấy máy điện thoại tắt.

Tại khoa Xét nghiệm, bà Nguyễn Thị Nhiên, Phó Giám đốc BV cho biết, bà mới được phân công tạm thời phụ trách khoa Xét nghiệm. Bà Nhiên thông báo, ban lãnh đạo BV đã tạm thời đình chỉ chức vụ Trưởng khoa Xét nghiệm của bà Vương Kim Thành và bà Thành vẫn có trách nhiệm làm công tác chuyên môn như bình thường. Khi phóng viên đề nghị cho xem quyết định đình chỉ chức vụ của bà Thành, bà Nhiên trả lời rằng đang làm văn bản.

Chiều 7-8, tại Sở Y tế, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra khẳng định, để xảy ra những sai phạm như trên, trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo BV Đa khoa Hoài Đức, cụ thể là trách nhiệm cá nhân của Giám đốc Nguyễn Trí Liêm. Ông Cường cũng cho biết, hiện Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để điều tra về những sai phạm tại BV Đa khoa Hoài Đức.

Trên đây mới chỉ là những sai phạm chính của một số cá nhân của BV Đa khoa Hoài Đức. Báo Hànộimới sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những sai phạm khác của cá nhân ông Nguyễn Trí Liêm (Giám đốc BV), bà Vương Kim Thành (Trưởng khoa Xét nghiệm) cùng một số nhân viên khác.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội:

Đây là một hiện tượng tiêu cực chưa từng được phát hiện trong ngành y tế nên cơ quan quản lý chưa lường được. Vụ việc xảy ra ở BV Đa khoa Hoài Đức là đáng phê phán. Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan công an để đánh giá hậu quả của việc làm này đối với sức khỏe của bệnh nhân. Theo báo cáo ban đầu từ phía bệnh viện thì phần lớn những xét nghiệm bị sao chép là xét nghiệm máu để lấy phiếu khám sức khỏe và điều trị ngoại trú.

Đức Trung
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những việc làm táng tận lương tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.