(HNM) - Tính tới thời điểm này đã có ít nhất 7 tuyến đường do Bộ GTVT làm chủ đầu tư xuất hiện hằn lún vết bánh xe.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, nếu không sớm bắt được gốc "bệnh" để xử lý dứt điểm thì sẽ để lại những hậu quả to lớn sau này, đặc biệt là khi hàng nghìn kilômét đường trên hai tuyến quốc lộ (QL) 1, QL14 sắp thi công đại trà lớp bê tông nhựa.
Nhiều tuyến đường trị giá hàng nghìn tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng đã xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe. |
Đâu là thủ phạm
Tuyến QL5 hướng từ Hải Phòng đi Hà Nội mới được cải tạo, nâng cấp hồi đầu năm 2014 nhưng đã sớm xuống cấp. Nhiều đoạn bị hằn sâu kéo dài, nham nhở như những con mương, đặc biệt là tại khu vực đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa phận TP Hải Phòng. Có nhiều chỗ lún sâu tới 10cm, trở thành những "cái bẫy" đối với người tham gia giao thông. Hàng loạt xe container siêu trường siêu trọng ngày qua ngày cán lên càng làm cho các vệt lún dài thêm và ngày càng nham nhở. Trong khi đó, xe máy chạy trên tuyến đường này rất nguy hiểm, nhất là khi bánh xe lọt xuống những con "mương" cạn này. Người dân sống dọc tuyến đường bức xúc cho rằng, chất lượng thi công quá ẩu đã dẫn tới con đường xuống cấp nhanh như vậy.
Dự án nâng cấp và cải tạo QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long do Công ty cổ phần BOT Đại Dương làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng mới được thông xe và đưa vào sử dụng từ ngày 28-5-2014 nhưng trước đó 3 ngày, tuyến đường này đã xuất hiện hiện tượng lún, sụt. Và chỉ sau chừng 10 ngày khai thác, nhiều đoạn đã bị lún, nứt nghiêm trọng. Đoạn đường dài gần 9km trên địa bàn TP Hạ Long xuất hiện nhiều rãnh lún dài theo vết xe, có những vết nứt dài 3-5m, lún sâu 4-5cm so với mặt đường, bê tông mặt đường màu không đều, mối nối làn thảm mặt đường không bằng phẳng. Vết hằn lún VBX sâu nhất đo được lên tới gần 10cm. Nhiều chỗ lớp nhựa mới trải bung ra lộ rõ nền đường cũ…
Mặc dù nhà đầu tư khẳng định quá trình thi công bảo đảm, được giám sát chặt chẽ, song qua kiểm tra, các chuyên gia nhận định, ngoài các yếu tố như xe quá tải phá đường, thời tiết nắng nóng thì không loại trừ yếu tố con người. Kết quả đánh giá sơ bộ tại 4/4 vị trí thí nghiệm mặt đường của dự án do Viện Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) thực hiện đều cho thấy, hiện tượng thiếu nhựa đường và gần như không có bột đá làm mất tính ổn định nhiệt. Cũng tại dự án này, đã có 3 cán bộ liên quan bị cách chức, kỷ luật. Ngoài ra, ngay cả dự án do nhà đầu tư có uy tín của Bộ GTVT là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) triển khai cũng vấp phải tình trạng hằn lún VBX. Tại tuyến QL1 đoạn Vinh - Hà Tĩnh (cũng mới được đưa vào khai thác cách đây chưa lâu), đã có 4/35km bị hằn lún với độ sâu từng đoạn 5-23mm. Ông Lê Ngọc Hoa - Tổng Giám đốc Cienco4 cho biết, đơn vị đã triển khai nghiêm ngặt các quy trình, thí nghiệm kỹ càng, trực tiếp nhập nhựa bồn từ Singapore, bột khoáng, đá cũng được Tổng Công ty kiểm soát chặt chẽ nhưng đường vẫn bị lún. Cienco4 đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, mời các chuyên gia đầu ngành giúp đỡ nhưng vẫn chưa tìm ra "thủ phạm"…
Trực tiếp đi kiểm tra một số tuyến đường bị hằn lún VBX, ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) nhận định, có hai nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Thứ nhất là do sự tác động chủ quan của con người, tác động qua các tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế; tác động qua quản lý thi công. Hệ thống quản lý chất lượng của dự án chưa được thiết lập nghiêm túc và không có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền; chưa kiểm soát được vật liệu đầu vào đúng tiêu chuẩn; thiết bị, công nghệ thi công không đạt chuẩn; kinh nghiệm thi công không được chú ý. Thứ hai, do tác động của ngoại quan môi trường thi công và khai thác, nhiệt độ thực tế cao hơn nhiệt độ hóa mềm cho phép của vật liệu theo thiết kế, cùng với tải trọng nặng trùng phục liên tục; xe quá tải lưu thông trên tuyến lớn hơn tải trọng thiết kế.
Phải bắt đúng bệnh để trị tận gốc
Từ thực tế kiểm tra các VBX bị hằn lún trên các tuyến đường, nhiều chuyên gia đã dẫn ra hàng loạt nguyên nhân và không loại trừ bất cứ nghi vấn nào nhằm tìm ra "thủ phạm". Nghi vấn về chất lượng nhựa đường càng được củng cố khi sự cố hằn lún VBX xuất hiện nhiều cùng lúc với sự rút lui khỏi thị trường Việt Nam của hai nhà cung cấp vật liệu đặc chủng lớn, có uy tín là Shell và Caltex. Hiện nhựa đường nhập khẩu vào Việt Nam từ hơn 10 quốc gia bởi hơn 15 doanh nghiệp. Tuy nhiên, không có cơ quan đơn vị nào được giao kiểm soát chất lượng nhựa nhập khẩu. Ngoài ra, việc sử dụng tràn lan các mỏ đá khai thác phục vụ cho sản xuất bê tông nhựa, trong khi nhiều mỏ đá không đủ tiêu chuẩn để sản xuất đá cho bê tông nhựa, cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng bê tông nhựa không bảo đảm.
TS Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam cho rằng, trên cơ sở thực tế hư hỏng xuất hiện chủ yếu trên làn xe tải và lún VBX nặng nhất tại những khu vực các tỉnh có nhiệt độ cao, do đó phải xét đến 2 nguyên nhân khách quan mới phát sinh gần đây: Đó là lưu lượng xe tải tăng cao đột biến mấy năm gần đây và nắng nóng làm nhiệt độ tăng cao qua từng năm. Về chủ quan, việc chia quá nhỏ gói thầu cũng cần phải được xem xét lại. Hiện nay, tình trạng mỗi nhà thầu có khi chỉ làm vài kilômét đường khiến rất khó kiểm soát chất lượng…
Các nguyên nhân về thời tiết nắng nóng, xe quá tải, chất lượng nhựa đường nhập khẩu… được các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà thầu lý giải không hẳn sai nhưng cơ bản chưa thuyết phục. Nắng nóng thì không phải là chuyện của riêng Việt Nam; yếu tố nhựa đường chưa hẳn đã thỏa đáng bởi nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng sử dụng nhưng chất lượng vẫn bảo đảm. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải làm sao quản lý được theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, khảo sát thiết kế, thi công. Đặc biệt, phải tăng cường quản lý các nhà thầu, nhà cung ứng vật liệu, nhân lực thi công và các yếu tố đầu vào. Với tất cả những nguyên nhân, yếu tố đã được xác định từ khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường cần phải sử dụng phương pháp xử lý loại trừ dần để khắc phục trong tương lai.
Bộ trưởng Bộ GTVT Ðinh La Thăng: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lỗi kỹ thuật mặt đường xuất phát chính từ yếu tố con người. Ðối với những tuyến đường hằn lún VBX, các nhà đầu tư, nhà thầu khắc phục tạm thời trong tháng 7-2014 để bảo đảm an toàn giao thông. Về giải pháp lâu dài, Tổ nghiên cứu của Bộ GTVT cần cố gắng cuối năm nay tìm ra nguyên nhân thực sự để khắc phục triệt để hiện tượng này. Cùng với đó, cần phải đưa ra chế tài xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến chất lượng công trình; tăng cường chất lượng tư vấn giám sát. Tư vấn phải bảo đảm độc lập với chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Ban quản lý dự án tốt chính là mấu chốt kiểm soát chất lượng. Toàn bộ nhà thầu, tư vấn, giám sát đều do ban quản lý dự án chọn, kiểm tra, giám sát. Nhà thầu thi công phải tổ chức kiểm soát chất lượng nội bộ, chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng thi công. Cần phải loại ngay từ hồ sơ nhà thầu không có kinh nghiệm thi công công trình. Nhà thầu đưa máy móc, vật liệu không đúng tiêu chuẩn yêu cầu vào dự án sẽ phạt nặng gấp nhiều lần, hoặc không cho tiếp tục tham gia dự án. Việc kiểm soát xe quá tải sẽ làm kiên quyết, bằng nhiều giải pháp đồng bộ để đến cuối năm nay cơ bản không còn xe quá tải chạy trên đường. |
Theo ông Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT), có nhiều nguyên nhân liên quan, tập trung vào một số nguyên nhân chính như không kiểm soát được chất lượng thi công các lớp cấp phối đá dăm và bê tông nhựa trên toàn dự án. Kết quả thí nghiệm cho thấy ở những nơi hư hỏng chất lượng không đạt yêu cầu kỹ thuật, giải pháp thiết kế chưa phù hợp, thiếu linh hoạt cho những vị trí xung yếu như nút giao, dốc, gần khu công nghiệp, trạm xăng dầu; tác động của phương tiện quá tải trọng, mật độ lớn; do thời tiết, nhiệt độ môi trường. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.