Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những văn nghệ sĩ tuổi Dần

Nguyễn Phúc| 31/01/2022 05:24

(HNM) - Trong 12 con giáp, tuổi Dần cầm tinh con hổ, đứng thứ 3. Được mệnh danh là chúa tể của muôn loài, chứa đựng sức mạnh và quyền uy, nghệ sĩ sinh năm Dần có bản lĩnh và sự quyết liệt, giống như con giáp mà họ mang tên?

Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh (Mậu Dần - 1938):
Làm phim để khẳng định cái đẹp

Nhắc tới đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh là nhắc tới những bộ phim xuất sắc của điện ảnh Việt Nam, như: “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”… Ông đã góp phần không nhỏ vinh danh điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Xuất thân trong một gia đình không ai theo nghệ thuật, bản thân vốn là thông dịch viên tiếng Nga, vậy mà niềm đam mê và nỗ lực tự tìm tòi, sáng tạo đã giúp ông tìm ra con đường riêng, dẫn tới thành công trong địa hạt môn nghệ thuật thứ bảy.

Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh chia sẻ: “Tôi chỉ làm những phim do tôi viết kịch bản, nói về những vấn đề mà tôi quan tâm, tôi rung động” và quan niệm làm phim là để khẳng định cái đẹp. Ông đặc biệt quan tâm đến giá trị nhân văn của tác phẩm. Vì thế, trong phim của ông đa phần là những con người có bản tính lương thiện, tâm hồn trong sáng, cao thượng. Các nhân vật nữ thì luôn nhuần nhị, giản dị, nhân hậu và vị tha.

Cả cuộc đời làm nghệ thuật, đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh đã vượt qua nhiều rào cản, không ngừng rèn giũa tài năng và vốn sống, khát khao thực hiện những tác phẩm mang vẻ đẹp chân - thiện - mỹ. Xem phim của ông, người xem bao giờ cũng phải suy nghĩ đến một lẽ sống đẹp hơn, nhân bản hơn. Phim của ông cũng làm cho hàng triệu người xem trên thế giới hiểu và yêu mến đất nước Việt Nam hơn.

Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh bày tỏ, tuy là người gốc Huế, nhưng ông gắn bó với Hà Nội đã hơn 60 năm. Vì vậy, ông có một tình yêu mãnh liệt với Hà Nội. Vì tình yêu đặc biệt đó mà ông đã làm rất nhiều bộ phim mang dấu ấn về Hà Nội, như: “Hà Nội Mùa đông 1946”, “Trở về”, “Mùa ổi”, “Đừng đốt”… Ông đã được vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016.

Giờ đây, ở tuổi ngoài 80, đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh vẫn đầy mẫn tiệp và nhiệt huyết. Ông đang thực hiện một bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp làm phim của mình mang tên “Hoa nhài”. Bộ phim với đề tài Hà Nội, phác họa bức tranh về mối quan hệ giữa con người với con người trong vòng xoáy của nhịp sống đô thị hiện đại, trong đó có cả những con người từ nông thôn ra Hà Nội kiếm sống và sự rộng lòng cưu mang, giúp đỡ của những người Hà Nội...

Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (Canh Dần - 1950):
Thơ ca là nơi trú ngụ cuối cùng của trái tim

Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát là người phụ nữ quyết đoán, rất mạnh mẽ. Năm 15 tuổi, bà một mình từ Hưng Yên xuống Hà Nội tham gia thi tuyển vào Trường Nghệ thuật sân khấu trung ương. 18 tuổi xung phong đi biểu diễn phục vụ bộ đội ở tuyến lửa... Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát tâm sự: “Tôi muốn được cống hiến cho xã hội và được làm những điều mình mơ ước”. Và, người mẹ trẻ ấy đã mạnh mẽ đành lòng xa các con đằng đẵng 6 năm trời để đi du học.

Khởi nghiệp là một diễn viên chèo sáng giá, nhưng sau khi tốt nghiệp Đại học Điện ảnh quốc gia Liên bang Nga (VGIK) năm 1987, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát chuyển hẳn sang điện ảnh trên cương vị nhà biên kịch. Đi lên từ thực tiễn với những kinh nghiệm chắt lọc từ sự thông minh và kiên trì, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đã đảm nhiệm nhiều chức vụ trong ngành Điện ảnh, như: Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam, Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam (Hodafilm), Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam... Ở cương vị nào bà cũng làm việc hết mình, say mê.

Thành danh ở ngành Điện ảnh, nhưng nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát được bạn đọc biết đến là một nhà thơ nữ có bản sắc riêng. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát bộc bạch, trong những năm tháng khó khăn về kinh tế và đổ vỡ về tình cảm, bà đã phải vịn vào thơ mà sống. Thơ chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc để bà vượt qua những giai đoạn nghiệt ngã nhất của cuộc đời.

Thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đầy nữ tính, nồng nàn. Sau 9 năm, kể từ tập “Cỏ thơm - Mây trắng” (2012), tác giả của “Biển đêm” cho ra mắt tập thơ thứ 8, với tên gọi “Những con sóng” (2021). Đó là những con sóng đời, những con sóng thơ và cả những con sóng tình cảm với đủ cung bậc, qua đó nhìn thấy tấm lòng, thái độ sống của một người đàn bà thấu hiểu lẽ đời, luôn vững tin trước bao biến động của cuộc sống và thời cuộc...

Kiến trúc sư, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến (Giáp Dần - 1974):
Không từ chối bất cứ cái gì cuộc sống đem đến cho mình

Đôi khi người ta không biết nên gọi người đàn ông tài hoa và giàu tình cảm này là nhà văn, nhạc sĩ, kiến trúc sư, hay nhà thơ? Cá nhân anh thích được gọi là kiến trúc sư hơn cả, vì theo anh, văn, thơ, nhạc, họa đều là những kiến trúc của âm thanh, ngôn từ và tâm hồn.

“Mọi người biết đến tôi với vai trò kiến trúc sư, bởi đây là nghề nghiệp chính, cũng là sở học lâu dài. Tôi vốn là dân chuyên toán, đam mê vật lý, hình học không gian, nên chọn nghề kiến trúc để theo đuổi. Tôi học ở trường kiến trúc 5 năm, học thạc sĩ 2 năm, rồi đi nghiên cứu sinh 6 năm. Những bước đi của tôi là trên một đường ray dài về kiến trúc quy hoạch. Thế nhưng, trước khi trở thành sinh viên trường kiến trúc, tôi dự thi và đoạt giải “Tác phẩm tuổi xanh” của Báo Tiền Phong năm 1991, với truyện “Con chó hư”. Đó là giải thưởng văn học ở tầm quốc gia đầu tiên của tôi, rồi sau đó là khoảng 10 giải thưởng về cả thơ lẫn truyện ngắn (1991-1997). Những năm 1990, tôi tham gia nhóm thơ Hoa lạ. Thế nhưng tôi nổi tiếng nhất lại với tư cách nhạc sĩ”, kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến tâm sự.

Âm nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến cũng như con người anh, mộc mạc, chân phương, nhưng đầy ám ảnh. Không được đào tạo cơ bản về nhạc, song tinh thần ham học hỏi, tìm tòi đã mang tới cho kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến sự hào hứng và nét riêng biệt trong mỗi tác phẩm. “Tay ngang” đến với âm nhạc, nhưng chỉ với những ca khúc, như: Bà tôi, Giọt sương bay lên, Sông ơi đừng chảy, Cắt tiền duyên..., anh đã ghi dấu ấn đậm nét với thể loại nhạc dân gian đương đại, thuyết phục được những khán giả khó tính nhất cũng như giới chuyên môn.

Kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến đã có hàng trăm ca khúc, trong đó có những sáng tác được các ngôi sao ca nhạc Việt Nam chọn thể hiện, như: “A nhờ Anh” - Thanh Lam; “Tuổi núi đồi” - Khánh Linh; “Một hạt cơm nhỏ” - Tùng Dương; “Sông ơi đừng chảy” - Anh Thơ, Tân Nhàn; “Thư Hà Nội” - Hồng Nhung…

Kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến chia sẻ: “Tôi luôn rành mạch hóa những công việc của mình. Trước bất cứ một công việc nào tôi cũng đặt cho nó kết quả và thành tựu phải đạt được. Thật may là những lĩnh vực tôi tâm huyết đều có sự bổ trợ cho nhau”. Thành công của kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến, theo anh là: Không từ chối bất cứ cái gì cuộc sống đem đến cho mình. Thậm chí sự cô đơn cũng phải biến thành một chất liệu sáng tạo...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những văn nghệ sĩ tuổi Dần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.