Với việc bà Hillary Clinton dự kiến sẽ ra đi trong năm 2013, Washington hiện đang rộ lên đồn đoán về việc ai sẽ lên làm ngoại trưởng mới của nước Mỹ.
Từ trái sang phải: Cố vấn An ninh quốc gia Tom Donilon, Thượng nghị sỹ John Kerry, Đại sứ Susan Rice và Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ảnh foreignpolicy.com
Thượng nghị sỹ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viên và đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice là những ứng viên sáng giá nhất, mặc dù cũng có tin cho rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon cũng là sự lựa chọn đang được cân nhắc.
Một nguồn tin trích dẫn tờ Politico nói rằng ông Kerry “có tay trong” vì đã từng góp phần chuẩn bị cho các cuộc tranh luận của Tổng thống Obama trong chiến dịch tranh cử vừa qua.
Nguồn tin lưu ý: “Trên hết, ông Kerry là người tiếp theo sẽ được lựa chọn, nếu ông ấy muốn… Có một giả thiết cho rằng ông sẽ lên thay, nếu bà Clinton từ chức”. Trong bài viết đăng trên tạp chí Newsweek hồi tháng 4, ông Leslie Gelb trích một nguồn tin trong chính quyền nói rằng ông Kerry có thể sẽ được chấp nhận bởi vì ông đã có thời gian làm việc lâu dài và “ít cản trở đối với quá trình hoạch định chính sách”.
Một nguồn tin cao cấp giấu tên từ Bộ Ngoại giao Mỹ được tờ Boston Globe trích dẫn nói rằng ông Kerry là một ứng viên được ưa chuộng “bởi vì ông đã tiến hành hàng loạt các chuyến thăm nước ngoài với tư cách là người đứng đầu Ủy ban đối ngoại Thượng viện và ông được nhiều người biết đến và kính trọng”.
Tuy nhiên giới thân cận với Tổng thống Obama lại cho rằng bà Rice sẽ được chọn. Tờ Politico dẫn lời một nhân vật thân cận với Tổng thống Obama cho rằng “người được chọn sẽ là bà Susan Rice”. Nữ đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice là người đã truyền đạt lại quan điểm của chính phủ Obama về cuộc tấn công chết người tại Benghazi (Lybia) ngày 11 tháng 9 mà sau này hóa ra là thông tin không chính xác. Một số nghị sỹ đảng Dân chủ lo ngại rằng bà sẽ gặp một số câu hỏi khó trong buổi điều trần để thượng viện thông qua chức danh này.
Tờ New York Times trích dẫn một quan chức giấu tên nói rõ rằng bà Rice bị vụ thảm sát Benghazi làm cho “tê liệt”. Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham gần đây đã nói rằng việc chấp thuận để bà Rice làm ngoại trưởng “gần như là không thể”.
Tương lai của ông Kerry giờ đây tương đối khả quan hơn khi sự vắng mặt của ông với tư cách thượng nghị sỹ sẽ không làm cho phe Dân chủ mất đa số thường tại Thượng viện, tuy vẫn chưa rõ ai sẽ thay ông tại Ủy ban đối ngoại Thượng viện. Nếu ông Kerry rời bỏ chức Thượng nghị sỹ, một cuộc bầu cử đặc biệt ở bang Massachusetts sẽ được tổ chức và nhiều khả năng người đắc cử sẽ là Scott Brown, người thuộc phe Cộng hòa, vừa bị đánh bại trong cuộc tuyển cử vừa qua. Tuy nhiên điều đó vẫn làm cho phe Dân chủ giữ được 53/100 ghế tại Thượng viện – và có khả năng là 54 ghế, nếu thượng nghị sỹ độc lập Angus King quyết định đứng về phía những người Dân chủ tại Thượng viện.
Một lý do nữa để tin rằng ông Kerry có lợi thế hơn bà Rice là một số cố vẫn cũ của ông - trong đó gồm có nhà kinh tế hàng đầu của Bộ Ngoại giao là Heidi Crebo-Rediker và Steven Feldstein, Giám đốc Văn phòng chính sách của cơ quan Viện trợ nước ngoài của Mỹ (USAID) – đã có chân trong chính quyền.
Cuối cùng, và cũng là điều ít dự kiến nhất, là người Nga dường như có vẻ “vun vào” cho ông Kerry. Một nguồn tin giấu tên từ Bộ Ngoại giao Nga nói với tờ báo doanh nghiệp Kommersant rằng Moscow “thích” vị thượng nghị sỹ bang Massachusetts hơn. Theo nguồn tin này, bà Susan Rice bị coi là “quá tham vọng và hiếu chiến” và có thể làm cho quan hệ ngoại giao giữa Washington và Moscow “khó khăn”. Việc Thượng nghị sĩ John Kerry đánh giá cao “sự ủng hộ của Moscow” đến mức nào, thì đó vẫn còn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.
Về phía mình, ông Kerry nói với tờ Boston Globe hồi tháng 6 rằng: “Tôi đang làm công việc mà tôi yêu thích trong cương vị là Chủ tịch và một thượng nghị sỹ cao niên ...Tôi đang cố gắng trên cả hai lĩnh vực và sẵn sàng việc tái tranh cử (cho hai chức này) vào năm 2014.”
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.