(HNMCT) - Năm mươi năm đã qua, ký ức về “những ngày đỏ lửa” cuối năm 1972 vẫn còn in hằn trong tâm thức nhiều người Hà Nội. Cùng với các cuộc trưng bày, triển lãm, đã có nhiều cuốn sách viết về 12 ngày đêm quân và dân chiến đấu bảo vệ Thủ đô.
Tại sao Việt Nam đánh thắng B52? - đó là câu hỏi trở đi trở lại tại nhiều cuộc tọa đàm, trong nhiều cuốn sách đã được xuất bản.
Cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam” của tác giả Đặng Vương Hưng cho độc giả biết thông tin: “Nếu chỉ xét về góc độ các loại vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật... thì lực lượng phòng thủ của Việt Nam thua kém rất xa so với lực lượng tấn công của Mỹ cả về số lượng và chất lượng. Chính cựu Tổng thống Richard Nixon khi viết cuốn sách có tựa đề “Không còn 2 Việt Nam nữa” cũng đã thừa nhận: Trong lịch sử nhân loại, chưa hề có một quốc gia nào chiếm ưu thế hơn hẳn về vũ khí như Hoa Kỳ so với Bắc Việt Nam”.
Với người Việt Nam, vũ khí và trang bị hiện đại không phải là tất cả. Cuốn sách “Điện Biên Phủ trên không - Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam” của tác giả Lưu Trọng Lân đã giải đáp nhiều câu hỏi về lý do quân và dân ta đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ, làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử. Với tư liệu xác thực và phong phú, bằng lối vấn đáp - nêu câu hỏi và trả lời đúng trọng tâm với những cứ liệu chứng minh, tác phẩm đã phần nào làm thỏa mãn mối quan tâm của độc giả, từng được dịch ra tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Cuốn sách này vừa được tái bản trong tháng 12-2022.
Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” được tạo bởi lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm và trí tuệ của dân tộc Việt Nam - đó là điều được khẳng định qua nhiều cuốn sách như hồi ký “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của Trung tướng Trần Nhẫn; “Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52: Những chuyện bây giờ mới kể” của Trung tướng, PGS, Anh hùng LLVTND Phan Thu; “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của Thiếu tướng PGS.TS Trịnh Vương Hồng; “Vòng cung lửa trên bầu trời Hà Nội” của Đại tá Lê Văn Chung; “Điện Biên Phủ trên không - Bản hùng ca bất tử” của Đại tá Nguyễn Phương Diện; “Nhớ lại trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, bản hùng ca thế kỷ XX” của nhiều tác giả...
Những cuốn sách đó đã giúp độc giả hình dung về con đường dẫn đến cuộc đối đầu lịch sử trên bầu trời Hà Nội năm 1972, cung cấp thông tin về quá trình chuẩn bị “quyết đấu” của quân và dân Thủ đô, đưa ra phân tích, đánh giá giúp độc giả hiểu sâu hơn về tầm vóc, nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa cùng những bài học lịch sử - quân sự quý giá. Trong cuốn sách của mình, Trung tướng Phan Thu khẳng định: “Nguyên nhân thắng lợi đã được nhiều tài liệu nói rõ, tuy nhiên không phải cứ biết là có thể vận dụng được. Chiến thắng B52 đã xảy ra ở Việt Nam mà không phải ở nơi nào khác dưới bàn tay, trí óc của con người Việt Nam, một dân tộc dám đánh và biết đánh để giành lấy và giữ gìn nền độc lập của dân tộc mà tổ tiên và cha ông đã để lại. Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam”.
50 năm qua, có rất nhiều trang viết tái hiện 12 ngày đêm bão lửa ấy từ góc nhìn của người trong cuộc. Đó là các cuốn sách “Nhớ về chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972”, “Còn đấy những niềm mong”, “Hà Nội tháng Chạp năm 1972”, “Huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, "Đối mặt với B-52"... - những trang viết chân thực khiến độc giả không khỏi nghẹn ngào, cảm phục.
Trong những trang nhật ký về khát vọng bầu trời, Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát viết về cảm xúc trong những trận đánh cuối cùng năm 1972 ấy: “Bây giờ đã hơn 24h mà cả hầm mình không đứa nào ngủ được. Từng vựng lửa bùng lên ở phía Hà Nội. Sau khoảng nửa phút là từng trảng bom nổ rung chuyển cả hầm. Tiếng bom B52 nghe rền rền như nghe từng hồi trống để sát tai mà gõ”. Phi công Nguyễn Đức Soát ước ao “sao trước đây mình không xin bay đêm để bây giờ được đánh” khi nằm nôn nao trong hầm mà tự hỏi “đêm nay, bao nhiêu đồng bào mình bị hy sinh vì bom đạn giặc Mỹ?”.
Đó cũng là tâm trạng chung của những phi công Việt Nam lúc bấy giờ, cho nên, khi bàn phương án đánh B52, tất cả đều cùng một quyết tâm: “Đã gặp nó, thế nào cũng bắn rơi. Nếu 2 phát tên lửa mà nó chưa chịu rơi tại chỗ thì còn phát tên lửa thứ 3 nữa. Đó là chiếc máy bay thân yêu và cả một trái tim nóng bỏng căm thù!”. Với khát vọng bảo vệ bầu trời quê mẹ luôn bình yên, với quyết tâm không tiếc cả cuộc sống của mình trong những giờ phút thử thách quyết liệt của dân tộc, không khó để giải thích vì sao Hà Nội, Việt Nam lại viết được những trang sử chói lọi chiến công đến thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.