Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những trăn trở sau cánh gà sân khấu

Ngọc Bảo| 07/03/2010 06:22

(HNM) - Đánh giá hoạt động của một ngành nghệ thuật tổng hợp và mang nặng tính chất đặc thù như nghệ thuật sân khấu quả không đơn giản. Để có thể đưa lại một cách nhìn nhận đúng đắn, toàn diện về sân khấu năm 2009, chúng tôi đã ghi lại một số ý kiến, nhận định của đại diện cho cấp quản lý cũng như người làm công tác nghiên cứu.

Ths - Nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn:

Thiếu vắng tài năng

Nhận định tổng quát có thể thấy sân khấu đang trên đà đi lên. Các đơn vị nghệ thuật kể cả công lập cũng như các đơn vị xã hội hóa đều có ý thức hơn về đào tạo đội ngũ người làm nghề cũng như đầu tư về cơ sở vật chất. Người làm sân khấu đã có ý thức hơn trong công tác quảng bá tới khán giả. Từ những cố gắng đó, rõ ràng các vở diễn sân khấu đã đến được với khán giả nhiều hơn. Và có thể thấy phần nào sự quan tâm đến sân khấu của công chúng đã ấm hơn, một dấu hiệu rất khả quan nếu nhìn từ sự khủng hoảng thiếu vắng khán giả một giai đoạn dài.

Trích đoạn Thị Mầu lên chùa.

Tuy nhiên, qua các đợt hội diễn, các nghệ sĩ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công chúng. Đó là những yêu cầu như sân khấu phải mang tính dự báo, phải phản ánh được những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, giãi bày khát vọng, niềm tin, nỗi đau cũng như những nhân tố tích cực đang hiện diện trong đời sống mà khán giả mong chờ ở văn học nghệ thuật.

Những yêu cầu của đời sống mà sân khấu chưa đáp ứng được, tôi cho đó là hệ quả của sự thiếu hụt về đội ngũ sáng tạo, thiếu hụt ở mọi mặt, khủng hoảng tổng thể lực lượng sáng tạo, đặc biệt là cho sân khấu kịch hát. Tôi nghĩ đã đến lúc nhìn thẳng vào vấn đề để tìm giải pháp chứ không thể để tình trạng vạch ra rồi thời gian cứ trôi, việc giải quyết không thuộc trách nhiệm của riêng ai và vì thế cũng không ai chịu tiến hành, tạo tâm lý rất nguy hiểm. Trước hết là các cấp quản lý từ Cục Nghệ thuật biểu diễn, đến các sở VH-TT&DL rồi đến các đơn vị nghệ thuật. Người quản lý phải tìm cách, có phương hướng để trẻ hóa đội ngũ làm nghề. Bản thân các nghệ sĩ phải luôn nuôi ngọn lửa nhiệt tình với nghề. Hiện nay đang tồn tại tình trạng người nghệ sĩ khi đã có thành công nào đó vội bằng lòng với mình hoặc không bước qua được thành công đó và mải mê đi vào các hoạt động khác để kiếm tiền, nghiệp dư hóa bản chất của sân khấu chuyên nghiệp.

Thiếu hụt trầm trọng nhất chính là thiếu vắng các biên kịch giỏi. Hơn mười năm qua mà chưa có được tác giả mới nào khẳng định được mình trong giới. Điều đáng lo ngại là thực trạng đó tồn tại lâu rồi nhưng các nhà quản lý vẫn chưa tìm ra được một chính sách, một hướng khắc phục. Lớp bồi dưỡng lý luận phê bình và tác giả vừa qua ở Cục mới chỉ là sự manh nha, khơi nguồn để có thể hy vọng, chờ đợi ở những năm sau.

Tình trạng đó có phần do mối quan hệ giữa đơn vị đào tạo và đơn vị nghệ thuật, hiện nay đang hoạt động độc lập với nhau, không thể tạo ra được một đội ngũ sáng tạo đáp ứng thực tế. Hai hướng đi này đang chệch hướng, thầy dạy vẫn dạy mà không hiểu đời sống đang cần tố chất gì ở người được đào tạo. Đó là chưa kể, bản thân người dạy, có thầy chưa hề dựng được vở nào vẫn dạy đạo diễn hay có người chưa hề có một kịch bản nào vẫn dạy biên kịch. Chúng ta cần có sự thay đổi để gắn kết lẫn nhau thành một khối thống nhất mới có thể lấp được lỗ hổng về đội ngũ nghệ sĩ hiện nay.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sân khấu - Điện ảnh:
Lệch pha trầm trọng

Năm 2009 như gạch nối, ở vị trí tiêu điểm của sinh hoạt sân khấu gần đây. Có thể thấy rõ nhất là hoạt động bề mặt sân khấu có sự khởi sắc. Tôi xin nhấn lại, những biểu hiện đó thiên về bề nổi, nhiều tính hội hè, hội thi. Sân khấu 5 năm qua tích tụ ở năm nay, nên năm 2009 không chỉ phản ánh tình hình của một năm mà là sự thu gom, tích luỹ của những năm trước đó. Những nét đẹp, tinh túy đều được khoe ra. Cái mạnh, cái xấu cũng đều được thể hiện và cho thấy sân khấu của chúng ta trì trệ khi những năm trước thế nào thì nay vẫn vậy. Có chăng là sân khấu sôi động hơn. Cần phải có những nhận thức khác. Cần chính sách hợp lý hơn, các đoàn được nâng lên nhà hát không chỉ khác biệt về tên gọi… Chúng ta đã có yếu tố tiền đề để đột phá nhưng chưa được tận dụng.

Mảng nổi lên khá rõ chính là sự thiếu vắng lực lượng kế cận, đặc biệt là ở kịch hát dân tộc với đội ngũ đạo diễn, biên kịch… Chúng ta thiếu một tầm nhìn chiến lược cho đào tạo đội ngũ sáng tác và làm cho vấn đề đó thêm trầm trọng là vì sự lệch pha giữa các thành phần đào tạo và thực tế đời sống, đời sống và lý luận phê bình. Đó là căn bệnh nặng, kéo dài khá lâu nay. Có thể thấy, các thành phần sáng tạo hữu cơ của sân khấu hiện nay đang tách rời nhau, quay lưng lại nhau. Không chỉ đào tạo quay lưng với đời sống sân khấu mà thực tế, người sáng tạo cũng không quan tâm đến những ý kiến của nhà phê bình. Hiện trạng này đã và đang tồn tại, ngày một trầm trọng…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những trăn trở sau cánh gà sân khấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.