(HNM) - Do khả năng phân tích thị trường hạn chế, chất lượng gạo không đồng đều, chưa xây dựng được thương hiệu nên những tháng đầu năm 2012, Việt Nam mới xuất khẩu (XK) được 1,1 triệu tấn gạo (giảm 42,5% so với cùng kỳ năm 2011).
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, XK gạo Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực. Đến nay, hợp đồng XK gạo đã ký đạt 3,2 triệu tấn, chủ yếu sang các nước Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia… Theo phân tích của VFA, giá gạo XK Thái Lan đang rất cao khiến nhiều thị trường quay lưng. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia lại đang mất mùa lúa vì sâu rầy, Philippines cũng không đạt sản lượng khiến giá lúa nội địa tại các nước này tăng rất cao. Với giá gạo XK trung bình, các DN Việt Nam đang chiếm lợi thế lớn. Bên cạnh đó, Nhật Bản đã đồng ý mở cửa cho gạo Việt Nam sau gần 5 năm tạm ngừng, hạn ngạch nhập khẩu khoảng hơn 200.000 tấn. Nếu kiểm soát được dư lượng Acetamiprid thì Nhật Bản sẽ là thị trường đầy tiềm năng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Nhật Bản vừa thông báo kết quả kiểm tra dư lượng Acetamiprid trên 5 mẫu gạo VN. Kết quả 1/5 mẫu có dư Acetamiprid ở mức cho phép, nghĩa là cánh cửa XK gạo Việt Nam sang nước này rất rộng lớn. Ngoài ra, các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông cũng đang nhộn nhịp.
Nhiều thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam đang có nhu cầu cao.Ảnh: Huy Hùng
Vấn đề XK gạo cấp thấp hết sức khó khăn cũng được tháo gỡ. Theo đánh giá của các DN, thương nhân Trung Quốc đang thu mua cả gạo cao cấp 3%-10% tấm, gạo trung bình và gạo cấp thấp 25% tấm. Năm nay, thị trường này sẽ tiêu thụ mạnh gấp ba lần so với năm ngoái.
Ông Trương Thanh Phong cho biết đến nay đã có khoảng 500.000 tấn gạo được ký hợp đồng xuất sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, chủ yếu là gạo chất lượng cao 5% tấm. Khoảng 400.000 tấn gạo đã xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Dư cho rằng, hạn chế lớn nhất trong XK gạo của Việt Nam là không phân tích được thị trường, sự liên kết giữa nông dân và DN còn lỏng lẻo. Tại các nước tiên tiến, DN phối hợp rất chặt chẽ với nông dân. Chỉ khi ký được hợp đồng cung ứng thì họ mới sản xuất, chế biến và giao hàng. DN biết rõ nhu cầu của thị trường cần gì, sản lượng bao nhiêu và đặt hàng nông dân sản xuất đúng theo yêu cầu, giá rất cao. Ở nước ta thì ngược lại, DN gom lúa gạo nguyên liệu trước rồi mới tìm khách hàng ký kết hợp đồng. Còn nông dân cứ sản xuất trước, bán sau. Bộ Công thương và VFA nên có dự báo trước về thị trường, nếu không, nông dân sản xuất tràn lan, không nắm được nhu cầu thị trường sẽ khó tiêu thụ.
Quản lý chặt giá sàn
Trước tình hình XK gạo gặp nhiều khó khăn, nhiều DN đã tự "xé rào" bán giá thấp hơn giá sàn quy định. Nếu giá sàn quy định đối với gạo cấp thấp 25% tấm là 400 USD/tấn thì một số DN chào bán với giá 360 USD/tấn. Trong khi đó, theo quy định, thị trường tập trung phải do VFA đàm phán ký hợp đồng và phân phối số lượng cho DN XK. Lợi dụng tình hình này, một số DN nước ngoài đang ép giá gạo nước ta từ 490 USD/tấn xuống dưới 400 USD/tấn. Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát Lâm Anh Tuấn kiến nghị, VFA phải có hình thức xử phạt nặng đối với hành vi bán phá giá của một số DN, tạo điều kiện cho DN nước ngoài ép giá. Khi giá XK thấp, DN sẽ không mua giá cao cho nông dân được, DN sẽ gặp khó còn nông dân thì bị lỗ. Trước kiến nghị trên, Phó Chủ tịch VFA Phạm Văn Bảy khẳng định, VFA sẽ kiểm tra các DN XK gạo, nếu phát hiện DN nào vi phạm sẽ xử phạt, có thể ngưng cấp đăng ký hợp đồng XK gạo, nếu vi phạm nặng sẽ tước giấy phép XK. Bản thân các DN cần nâng cao khả năng phân tích thị trường để tránh thiệt hại cho cả DN và nông dân.
Giá gạo Việt Nam tăng theo giá gạo Thái Lan nhưng ở mức thấp hơn. Do không chủ động được giá cả nên XK gặp nhiều khó khăn. Khi giá tăng lên quá cao, các thị trường nhập khẩu sẽ chuyển sang thị trường khác, đẩy tiến độ XK của nước ta giảm, khối lượng gạo tồn kho tăng. Ông Samarendu Mohanty, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế khuyến cáo, Việt Nam không nên chạy theo giá gạo của Thái Lan, mà cần xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất lúa mang tính bền vững, những chương trình sản xuất có hoạch định và lâu dài. Để tăng nội lực cho lúa gạo, Việt Nam cần tập trung đầu tư giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng kho tạm trữ, xử lý vấn đề tổn thất sau thu hoạch. Đặc biệt cần tăng tính dự báo thị trường...
Theo VFA, lượng gạo tồn kho năm 2011 khoảng 1 triệu tấn cộng với lượng gạo hàng hóa năm 2012 ước đạt khoảng 7 triệu tấn. Sáu tháng đầu năm 2012 sẽ XK từ 3-3,5 triệu tấn, những tháng còn lại XK khoảng 3,5 - 4 triệu tấn. Dự kiến, năm 2012 Việt Nam XK khoảng 7 triệu tấn, tương đương năm 2011. Lượng gạo còn lại sẽ chuyển kho tạm trữ năm 2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.