(HNM) - Sau 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với biết bao ấn tượng tốt đẹp, các tầng lớp nhân dân Thủ đô lại hướng về một sự kiện chính trị trọng đại: Đại hội (ĐH) đại biểu lần thứ XV Đảng bộ thành phố - ĐH đầu tiên của Hà Nội sau khi mở rộng địa giới.
Nhiệm kỳ đặc biệt
80 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ TP Hà Nội, mỗi giai đoạn, mỗi nhiệm kỳ đã qua đều để lại những dấu ấn trong thực hiện sứ mệnh vẻ vang lãnh đạo nhân dân Thủ đô thực hiện thắng lợi các đường lối của Đảng. Với Đảng bộ Hà Nội, giai đoạn 2005-2010 có thể nói là một nhiệm kỳ đặc biệt.
Trước hết là việc Đảng bộ TP Hà Nội đã tổ chức thực hiện có kết quả Nghị quyết 15 của Quốc hội (QH) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Từ ngày 1-8-2008, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) hợp nhất với Hà Nội. Hà Nội đã từng mở rộng, thay đổi địa giới hành chính nhưng chưa lần nào có quy mô, tầm vóc lớn như hiện nay, với diện tích trên 3.340km2 và dân số 6,5 triệu người. Việc hợp nhất này đã mở ra triển vọng to lớn để Hà Nội phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; song cùng với đó là những phát sinh trong công tác quản lý, điều hành. Vượt qua những khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chỉ trong gần hai tháng, Hà Nội đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn là sắp xếp, kiện toàn toàn bộ tổ chức, bộ máy, biên chế của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Với tinh thần "đoàn kết - hợp tác - trách nhiệm", các cơ quan, đơn vị của thành phố đã hoạt động thực sự có hiệu quả ngay từ những thử thách đầu tiên. Đó là tập trung chỉ đạo và nhanh chóng khắc phục hậu quả đợt mưa lớn chưa từng có gây ngập lụt trên diện rộng vào năm 2008. Tiếp đó, Hà Nội đã cùng cả nước vượt qua quãng thời gian đầy khó khăn khi phải đối mặt với ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và những diễn biến phức tạp khó lường của thiên tai, dịch bệnh. Những kết quả mà Thủ đô Hà Nội đã đạt được góp phần khẳng định khả năng chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 15 của QH của Đảng bộ Hà Nội.
Được sống trong không khí lễ hội, trong những niềm vui bất tận của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội chúng ta cảm nhận được niềm vinh dự, tự hào khi được chứng kiến thời khắc quan trọng của lịch sử đất nước và Thủ đô. Với tấm lòng tri ân các thế hệ đi trước và trách nhiệm của lớp người Hà Nội hôm nay, ngay từ đầu nhiệm kỳ, BCH Đảng bộ TP Hà Nội đã xây dựng các chương trình công tác, xác định các cụm công trình trọng điểm, những công việc cần tập trung chỉ đạo để Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thành công tốt đẹp. Năm năm qua, chương trình và các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được triển khai đồng bộ, có hiệu quả ở Thủ đô và nhiều địa phương trong cả nước, hàng loạt công trình trọng điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội đã được triển khai đồng bộ và về đích đúng hẹn như Đại lộ Thăng Long, cầu Vĩnh Tuy, Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình, Trường chuyên Hà Nội - Amstecdam, Thư viện Hà Nội...
Không đơn thuần chỉ là các hoạt động văn hóa, các công trình mang tầm vóc thế kỷ mở ra cho Hà Nội hướng phát triển đầy hứa hẹn trong tương lai, quan trọng hơn, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Mong muốn Thủ đô đẹp hơn, đàng hoàng hơn khi bước vào tuổi 1000, sau lời kêu gọi của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, rất nhiều doanh nghiệp (DN) với hình thức xã hội hóa đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp các hồ của Hà Nội, xây dựng các công trình công ích. Mỗi công dân Thủ đô chọn cho mình cách thể hiện riêng, bắt đầu từ những việc rất nhỏ hằng ngày như vứt rác đúng nơi quy định, không nói tục, chửi bậy nơi công cộng, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt trái phép... Tổ chức thành công Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, có thể khẳng định Đảng bộ Hà Nội đã hoàn thành một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của nhiệm kỳ qua.
Nói đi đôi với làm
Theo đánh giá tại Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ TP khóa XIV trình ĐH đại biểu lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội, 5 năm qua tình hình chính trị trên địa bàn ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, văn hóa - xã hội có chuyển biến, tiến bộ; an ninh - quốc phòng được củng cố; quan hệ hợp tác đối ngoại được mở rộng; công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được chú trọng. Để đạt được những kết quả đó, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã phải nỗ lực tập trung đổi mới phong cách, lề lối làm việc theo hướng lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, kiên quyết, dứt điểm, "nói đi đôi với làm" và làm có kết quả. Không ngại, không né tránh các việc lớn, việc khó, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, thành phố đã chỉ đạo thành công nhiều việc cụ thể.
Nhất quán trong chỉ đạo, nhưng với tinh thần cầu thị, lắng nghe, lãnh đạo thành phố đã kiên quyết điều chỉnh những dự án, những quyết định chưa hợp lý khi người dân phản ánh. Đó là các dự án Khách sạn SAS, Trung tâm Thương mại 19-12, các dự án sân gôn, Vườn hoa 19-8... Quyết định điều chỉnh, thậm chí dừng lại những dự án chưa phù hợp, điều đó cũng cho thấy Đảng bộ TP Hà Nội luôn lắng nghe, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, và "việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng gắng sức làm; việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng hết sức tránh".
Gần dân, sát dân, nhiệm kỳ qua Đảng bộ TP Hà Nội cũng đã lựa chọn đúng và trúng các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá, để thúc đẩy giải quyết các công việc trên tất cả các lĩnh vực công tác. Đây là thành công của việc giải quyết mối quan hệ giữa trọng điểm với toàn diện. Hà Nội là Thủ đô, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và giao lưu quốc tế của cả nước, hằng ngày tất cả công việc khi được giải quyết, xử lý đều phải cân nhắc, lựa chọn sao cho phù hợp với vị trí, vai trò này. Để thực hiện những nhiệm vụ trên, Đảng bộ TP Hà Nội đã có các nghị quyết, 9 chương trình công tác và lựa chọn 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá để tập trung chỉ đạo. Qua đó, đã tạo chuyển biến chung và đạt kết quả rõ nét trên tất cả các lĩnh vực. Đáng chú ý, giai đoạn 2006-2010 tổng sản phẩm nội địa Hà Nội tăng 10,4%, cao gấp 1,5 lần mức tăng bình quân chung của cả nước; giá trị gia tăng ngành dịch vụ tăng 10,24%; xây dựng công nghiệp tăng 12,41%...
Đổi mới công tác cán bộ
Mọi việc thành hay bại trước hết là yếu tố con người. Nhận thức được điều này, Thành ủy luôn đặc biệt quan tâm tới công tác cán bộ. Giai đoạn sau khi hợp nhất, Đảng bộ TP Hà Nội có 57 đảng bộ trực thuộc với 308.727 đảng viên, trong đó, mô hình tổ chức, bộ máy ở nhiều đơn vị chưa đồng bộ, thống nhất và thiếu quy chế thực hiện. Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn khi số lượng cán bộ, lãnh đạo quản lý quá đông, bình quân mỗi sở, ngành có 9-10 phó giám đốc, cá biệt Sở VH,TT&DL có tới 13 phó giám đốc. Trước tình hình trên, Thành ủy Hà Nội đã chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy và bám sát nội dung Chương trình 02 chỉ đạo các quận, huyện, đảng ủy trực thuộc, các ban, ngành, đoàn thể xây dựng quy chế làm việc và quy chế phối hợp. Thành ủy cũng yêu cầu các đơn vị rà soát chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bộ máy, biên chế để sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, phát huy hiệu quả lãnh đạo. Đồng thời, rà soát, xây dựng đề án, kế hoạch, thực hiện phân công, phân cấp bố trí, điều động, luân chuyển, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ... Những việc làm kịp thời này đã giúp Hà Nội sau 2 năm hợp nhất, công tác tổ chức, cán bộ, hoạt động của các đơn vị từng bước ổn định, đoàn kết, dân chủ, nỗ lực vì nhiệm vụ chung của Thủ đô.
Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội đã tiến hành ba đợt luân chuyển, điều động lớn gồm 57 đồng chí về nhận nhiệm vụ tại các quận, huyện, thị ủy và đảng bộ trực thuộc. Một điều đáng mừng là sau khi được luân chuyển, hầu hết cán bộ đã bước đầu tiếp cận với điều kiện, môi trường làm việc mới, phát huy được khả năng công tác và vai trò, trách nhiệm, một số đồng chí đã được cấp ủy địa phương quy hoạch vào vị trí lãnh đạo cao hơn. Bên cạnh đó, thành phố cũng đặc biệt quan tâm tới xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đến nay Hà Nội đã quy hoạch được 1.086 cán bộ diện Thành ủy quản lý và 10.063 cán bộ diện cấp ủy cơ sở quản lý. Với cách làm công khai, dân chủ, công tác quy hoạch tại Hà Nội đã là nền tảng tốt cho công tác chuẩn bị nhân sự, góp phần quan trọng vào thành công của ĐH đảng bộ các cấp. Đồng thời, phát huy được năng lực, sở trường của từng cán bộ trong thực thi nhiệm vụ.
Những thành tích, kết quả nổi bật của Hà Nội trong nhiệm kỳ qua sẽ là nền tảng vững chắc để Đảng bộ Thủ đô tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh và hoàn thành mục tiêu trước năm 2020 Hà Nội cơ bản hoàn thành sự nghiệp CNH, HĐH.
5 bài học kinh nghiệm 1. Nắm vững, vận dụng sáng tạo quy luật khách quan, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn của thành phố để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. 2. Đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo, điều hành theo hướng tập trung, sâu sát, kiên quyết, dứt điểm, hiệu quả; bám sát thực tiễn, xác định nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm. 3. Mở rộng dân chủ, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và đồng thuận xã hội. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và trong xã hội. 4. Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy các cấp. 5. Tập trung lãnh đạo, vừa phát huy nội lực, vừa chủ động phối hợp, tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ, tạo điều kiện của trung ương, sự hợp tác của các địa phương trong cả nước trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.